Tiền lương sẽ công bằng hơn

Theo nld.com.vn

(Tài chính) Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, khẳng định như vậy trước việc ra đời của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

 Tiền lương sẽ công bằng hơn
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc thành lập Hội đồng Tiền lương quốc gia?

Ông Gyorgy Sziraczki: Việc Hội đồng Tiền lương quốc gia chính thức hoạt động từ ngày 6/8 không chỉ là một bước cụ thể hóa quy định của Bộ Luật Lao động mà còn thể hiện nỗ lực, cam kết của Chính phủ trong việc khai sinh cơ chế xác định tiền lương tối thiểu mới hiệu quả và công bằng hơn.

 Điểm tiến bộ đáng chú ý là hội đồng sẽ thay đổi cơ chế tham vấn riêng của Chính phủ với tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động trước đây sang cơ chế thương lượng trực tiếp trong hội đồng nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường tính đồng thuận trong việc xây dựng, trình phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng.

Có ý kiến cho rằng khó tìm được sự đồng thuận giữa các bên trong hội đồng vì lợi ích khác nhau. Theo ông, giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?

Hội đồng Tiền lương quốc gia bao gồm 15 thành viên, trong đó 5 thành viên đại diện người lao động, 5 thành viên đại diện người sử dụng lao động và 5 thành viên đại diện Chính phủ. Theo cơ chế ba bên này, đại diện các bên cùng đưa ra quyết định. Các mức tiền lương tối thiểu vùng được thỏa thuận dựa trên cơ sở thương lượng và đàm phán giữa các bên. 

Đây là quá trình xây dựng và đi đến đồng thuận, một yếu tố quan trọng giữ cho quan hệ lao động hài hòa, giúp thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng và phát triển.

Dù vậy, do các thành viên trong hội đồng đại diện cho các bên có lợi ích khác nhau nên để đạt được sự thống nhất, đồng thuận trong hội đồng không phải dễ. Để giải quyết vấn đề này, các bên cần sớm thống nhất danh mục các tiêu thức áp dụng trong việc tính toán tiền lương tối thiểu. Đồng thời phải tăng cường năng lực thu thập số liệu thống kê tiền lương và năng lực phân tích để hỗ trợ các bên thương lượng có hiệu quả dựa trên các bằng chứng khoa học.

Trong 20 năm qua, dù liên tục điều chỉnh nhưng mức tiền lương tối thiểu ở Việt Nam vẫn không phù hợp, thậm chí bị lạc hậu trước khi công bố. Theo ông, làm thế nào để khắc phục bất cập này?

Đây là vấn đề mà Chính phủ Việt Nam đã nhìn ra và quyết tâm thay đổi, hướng đến xây dựng chính sách tiền lương tối thiểu mới hiệu quả hơn, công bằng hơn cho các nhóm đối tượng trên thị trường lao động, bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. 

Ông Gyorgy Sziraczki nhấn mạnh: “Vai trò của Chính phủ đặc biệt quan trọng. Chính phủ không chỉ là “kiến trúc sư về thể chế” mà còn là cơ quan “đưa ra chương trình nghị sự”, là đơn vị “cung cấp thông tin và số liệu thống kê” và là bên “điều phối, hỗ trợ” thúc đẩy đối thoại và thương lượng.

Sự ra đời của Hội đồng Tiền lương quốc gia là một giải pháp quan trọng giúp các mức tiền lương tối thiểu được thiết lập dựa trên các số liệu khoa học và cân bằng được lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động.

Ngay sau khi thành lập, Hội đồng Tiền lương quốc gia phải bắt tay ngay vào việc xác định, khuyến nghị với Chính phủ về phương án tiền lương tối thiểu áp dụng cho năm 2014. ILO có tham vấn gì cho vấn đề này?

Kinh nghiệm cho thấy để chính sách tiền lương tối thiểu mang lại công bằng và bảo đảm tính thực thi, có 3 tiêu thức rất quan trọng để xác định lương tối thiểu cần lưu ý là chi phí sinh hoạt tối thiểu, tiền lương trung bình và năng suất lao động.

 Chính phủ cần thống nhất cách tính chi phí sinh hoạt tối thiểu với các bên. Đây là một trong các nội dung cần phải được hội đồng ưu tiên hàng đầu ở các phiên họp thương lượng. Mục tiêu cuối cùng là thống nhất xây dựng và trình Chính phủ phương án điều chỉnh lương phù hợp, hài hòa lợi ích giữa các bên, nhất là đối với bên người lao động và người sử dụng lao động.