Tiếp tục đẩy nhanh thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

PV.

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo và triển khai tái cơ cấu DN, trọng tâm là cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chưa được như kỳ vọng

Tính từ đầu năm tới ngày 10/11/2015, cả nước đã có 175 DN được sắp xếp. Trong đó, 159 DN đãđược phê duyệt phương án cổ phần hóa. Ngoài ra, có 16 DN thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác như bán, sáp nhập, giải thể hoặc chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Như vậy, với sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ và thực hiện quyết liệt của các cơ quan chủ quản, trong 2 năm 2014 và 2015 cả nước cổ phần hóa được 353 DN. Còn tính từ năm 2011 tới nay, cả nước đã sắp xếp được 471 DN, trong đó cổ phần hóa được 408 DN (bằng 79,37% tổng số DN phải cổ phần hóa).

Tuy nhiên, một số Bộ, ngành, địa phương hiện vẫn đạt kết quả thấp hoặc chưa có kết quả như: Bộ Công Thương (mới cổ phần hóa, sắp xếp được 2/12 DN), TP. Hồ Chí Minh (6/21 DN). Thậm chí, một số bộ, địa phương sau còn chưa cổ phần hóa, sắp xếp được DNNN nào từ đầu năm tới nay: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nam Định, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đăk Lăk, Gia Lai…

Theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, nếu các bộ, ngành, địa phương, DN sát sao, quyết liệt trong chỉđạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa đãđược phê duyệt, dự kiến năm 2015 sẽ cổ phần hóa được khoảng 210 DN. Như vậy, số DN cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015 sẽ là 459 DN, đạt 90% kế hoạch.

Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương, tập đoàn, tổng công ty về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN chiều 13/11, đánh giá về việc thực hiện kế hoạch cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho rằng: “Con số trên dưới 90% DNNN được cổ phần hóa cũng có thể chấp nhận được”.

Trong khi đó, đối với lĩnh vực thoái vốn Nhà nước, trong 10 tháng đầu năm, cả nước thoái được 9.152,2 tỉ đồng, thu về 13.767,5 tỉ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính và ngân hàng là 4.418,2 tỉ đồng, thu về 4.956,3 tỉ đồng; bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác là 4.734,1 tỉ đồng, thu về 8.811,4 tỉ đồng.

Nếu tính lũy kế từ năm 2012 đến ngày 28/10/2015, cả nước thoái được 16.450 tỉ đồng, thu về 22.870 tỉ đồng. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 8.704 tỉ đồng trên tổng số 23.325 tỉ đồng phải thoái tại 5 lĩnh vực nêu trên, tương đương 37% kế hoạch, thu về 9.540 tỉ đồng; bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác là 7.746 tỉ đồng, thu về 13.330 tỉ đồng. Về cơ bản bước đầu đạt được yêu cầu về bảo toàn và gia tăng giá trị đồng vốn của Nhà nước.

Bên cạnh đó, đến hết ngày 20/10 có 93 DN cổ phần hóa bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng tại Sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán. Số cổ phiếu bán được là 318.595.743 cổ phiếu, trị giá 4.683,8 tỉ đồng, đạt 38% tổng số lượng cổ phần chào bán. Trong tổng số 93 DN IPO có 55 DN bán đạt trên 90% tổng số cổ phần chào bán.

Tiếp tục đẩy nhanh cổ phần hóa và thoái vốn

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN năm 2015 về băn khoăn tiến độ cổ phần hóa DNNN vẫn chậm, ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết, kế hoạch chúng ta đề ra tương đối cao, khoảng 514 DN và kiên quyết không điều chỉnh xuống, giữ số đó để phấn đấu.

Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước chưa đạt kế hoạch, một số bộ, ngành, địa phương, DN cũng chưa thật sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách để giải quyết những vướng mắc trong xác định giá trị DN để cổ phần hóa, trong thoái vốn Nhà nước đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, bán vốn Nhà nước tại công ty cổ phần Nhà nước không cần nắm giữ… dù được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo quyết liệt vẫn chưa được các bộ trình để ban hành kịp thời, chưa được giải quyết dứt điểm.

Ngoài ra, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, nhiều DN thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn hiện nay có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, việc xử lý công nợ, xử lý tài chính, phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị DN để cổ phần hóa; việc lựa chọn cổ đông chiến lược… cần có nhiều thời gian để chuẩn bị, xử lý.

Đồng thời, cũng phải xét đến yếu tố khách quan bắt nguồn từ những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế thời gian vừa qua và những khó khăn của kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán. Thực trạng này khiến cho việc bán cổ phần, thoái vốn Nhà nước không hề dễ dàng, trong đó thống kê cho thấy, bình quân 10 tháng năm 2015 số cổ phiếu IPO bán được chỉ đạt 38% tổng số cổ phần chào bán.

Ở một góc nhìn khác, trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2015, HSBC lại cho rằng, việc cổ phần hóa DNNN và thoái vốn Nhà nước chưa đạt được mục tiêu đề ra là do đang được tập trung vào số lượng thay vì chất lượng và đây là hướng đi đúng đắn của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng ngay từ thời điểm này, các bộ, ngành, địa phương vẫn phải quyết tâm thực hiện cổ phần hóa thành công với các DN đã được xác định có thể hoàn thành trong năm nay. Đối với những DN khác cũng phải tính toán cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.Trong đó, với khoảng 80 DNNN, lẽ ra phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015 nhưng hiện nay mới đang xác định giá trị DN thì vẫn phải tiếp tục thực hiện để tiến hành cổ phần hóa vào đầu năm 2016.

“Tiếp tục thoái vốn ngoài ngành, thoái vốn có lộ trình sao cho đạt hiệu quả cao nhất để không làm mất vốn Nhà nước. Tuy nhiên, những đơn vị nào đầu tư vốn vào DN khác mà càng để lại càng lỗ thì phải bán càng nhanh càng tốt”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo.

Về kế hoạch thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020, theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, số lượng ước tính khoảng 500 DN nữa sẽ sớm được thực hiện cổ phần hóa trong trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, theo ông Lê Mạnh Hà, con số có thể tăng thêm, ví dụ theo Quyết định 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 về ban hành tiêu chí danh mục phân loại DNNN giữ 100% vốn sẽ được thay đổi thì các DN 100% vốn Nhà nước chuyển sang diện cổ phần hóa sẽ tăng lên thêm khoảng 100 DN.

Được biết, hiện Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉnh sửa Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về tỉ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa theo hướng thu hút hơn, từ đó đẩy mạnh hiệu quả cổ phần hóa. Nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư cũng đồng tình với động thái này của Chính phủ bởi nếu để tỉ lệ cổ phần Nhà nước quá cao thì tỉ lệ cổ phần hóa thành công rất thấp. Hiện nay khi đầu tư vào DNNN, các DN trong và ngoài nước đều kỳ vọng nắm giữ một lượng cổ phiếu đủ lớn để có quyền thay đổi quản trị đổi mới DN, tăng cao hiệu quả DN.

Bên cạnh đó, nhằm hạn chế tình trạng chậm trễ của các văn bản hướng dẫn, ông Lê Mạnh Hà cho rằng tới đây cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng những văn bản giải quyết khó khăn trong cổ phần hóa, sắp xếp DN. Chẳng hạn, cần ra một văn bản chính sách, một bộ, ngành chủ trì xây dựng xây dựng văn bản, lấy ý kiến góp ý của bộ, ngành khác, sau đó gửi Văn phòng Chính phủ thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ...