Tiếp tục đột phá trong cải cách thủ tục hành chính thuế

PV.

Có hiệu lực từ ngày 01/9/2016, Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu số 107/2016/QH13 đang được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao về những bước cải cách thủ tục hành chính với nhiều nội dung mới phù hợp hơn với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Đột phá trong cải cách

Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; góp phần thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Điểm nhấn được ghi nhận và đánh giá cao trong cải cách của Luật là tiếp tục đưa ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tiêu biểu nhất là, Chuyển hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập để sản xuất hàng xuất khẩu từ đối tượng phải nộp thuế khi nhập khẩu.

Đồng thời, được hoàn thuế khi xuất khẩu sang đối tượng miễn thuế để khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu, đơn giản thủ tục hành chính, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đặc biệt, doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu sẽ được chuyển hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất từ đối tượng chịu thuế ở khâu nhập khẩu và thực hiện hoàn thuế khi xuất khẩu sang đối tượng miễn thuế có điều kiện về bảo lãnh, đặt cọc phù hợp với thông lệ quốc tế…

Luật cũng quy định về thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam.

Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu không thuộc các trường hợp áp dụng thuế suất ưu đãi và thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Thuế suất thông thường được quy định bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng. Trường hợp mức thuế suất ưu đãi bằng 0%, Thủ tướng Chính phủ căn cứ quy định tại Điều 10 của Luật để quyết định việc áp dụng mức thuế suất thông thường.

Bổ sung quy định thời hạn nộp thuế đối với người nộp thuế được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật Hải quan theo hướng được thực hiện nộp thuế cho các tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng hóa chậm nhất vào ngày 10 của tháng kế tiếp…


Để sớm đưa Luật đi vào cuộc sống

Bên cạnh việc đánh giá cao những đổi mới, cải cách thủ tục được quy định trong Luật, các doanh nghiệp cũng cho rằng, cần đẩy nhanh hướng dẫn, phổ biến các quy định này để doanh nghiệp nắm rõ, thực hiện.

Theo đó, bên cạnh việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, thì công tác tổ chức triển khai thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời, thống nhất có vai trò cực kỳ quan trọng.

Công tác đầu tiên cần thực hiện đó là tổ chức tập huấn, phổ biến cho cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ hiểu rõ, nắm vững những nội dung cơ bản, cốt lõi. Nhất là những nội dung mới của Luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật nhằm bảo đảm thực thi một cách đồng bộ, nhất quán, kịp thời.

Ngoài ta, cần thường xuyên theo dõi quá trình thực thi Luật, nhất là trong giai đoạn đầu triển khai để kịp thời nắm bắt những vấn đề vướng mắc, khó khăn nảy sinh từ phía doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.

Qua đó, có các biện pháp tháo gỡ, giải quyết và phản hồi nhanh chóng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; hoặc đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan chức năng xem xét giải quyết đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực thi Luật, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức làm nhiệm vụ, đảm bảo hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cùng với sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan quản lý Nhà nước thì các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, các hiệp hội ngành hàng cũng cần phải theo dõi, cập nhật những nội dung mới sửa đổi, bổ sung, bảo đảm nắm chắc và tuân thủ nghiêm.

Kịp thời phát hiện, phản ánh với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan về những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình làm thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Phối hợp với các cơ quan Nhà nước trong việc giám sát, phát hiện những hành vi tiêu cực, lợi dụng các quy định của pháp luật để gian lận, trục lợi về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cả cán bộ, công chức và doanh nghiệp nhằm kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.