Năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 thay thế Nghị định 109/2009/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp (DN) 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.

Nghị định số 59/2011/NĐ-CP với những quy định mới nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng X và chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 45-KL/TW ngày 10/4/2009 về tiếp tục hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa (CPH) gắn với thị trường, ngăn ngừa thất thoát tài sản nhà nước, nâng cao tính công khai, minh bạch, tăng cường sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác CPH.

Để triển khai Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 202/2011/ TT-BTC ngày 30/12/2011 hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện CPH và Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH của các DN 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Tuy nhiên, tiến trình CPH trong thời gian vừa qua còn chậm trễ do nhiều nguyên nhân, trong đó có những vướng mắc xuất phát từ quy định của Nghị định số 59/2011/ NĐ-CP cần cógiải pháp khắc phục kịp thời để nâng cao hiệu quả công tác CPH DN 100% vốn nhà nước.

Nhằm thực hiện mục tiêu đẩy mạnh quátrình CPH theo Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015, tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 Thủtướng Chính phủ đã giao BộTài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, địa phương nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011/NĐ-CP trình Chính phủ với các nội dung cơ bản sau:

Một là, điều chỉnh đối tượng áp dụng Kiểm toán Nhà nước.

Theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả xác định giá trị DN và xử lý tài chính đối với 03 nhóm đối tượng: (i) các DN quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù (như: bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khác); (ii) các công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; và (iii) các DN khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung quy định áp dụng Kiểm toán Nhà nước được xây dựng theo tinh thần Kết luận số 45-KL/TW ngày 10/4/2009 của Bộ Chính trị yêu cầu: "Nghiên cứu áp dụng kiểm toán giá trị DN sau khi đơn vị tư vấn định giá".

Để đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN thời gian tới, căn cứ vào kiến nghị của bộ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh theo hướng: giao các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ đạo DN CPH thực hiện đối chiếu toàn bộ các khoản công nợ (phải thu, phải trả) đến thời điểm xác định giá trị DN theo quy định.

Qua tổng hợp ý kiến, một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đề nghị nâng mức quy định lên 1.000 tỷ đồng vì thực tế số lượng DN có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng là khá nhiều, trường hợp các DN này cùng thực hiện CPH thì việc kiểm toán sẽ không đảm bảo theo đúng thời hạn quy định, dẫn tới kéo dài thời gian. Một số ý kiến đề nghị bỏ quy định áp dụng Kiểm toán Nhà nước để đẩy nhanh tiến trình CPH DN.

Để tháo gỡ vấn đề này và đảm bảo thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 45-KL/TW, trên cơ sởýkiến tham gia của các Bộ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghịđịnh số59/2011/NĐ-CP theo hướng chỉ áp dụng đối với các đối tượng: (i) Công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước; và (ii) Công ty mẹ thuộc tổng công ty nhà nước khi có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất của DN CPH.

Theo quy định của pháp luật về đất đai thì thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các tổ chức nói chung và DN CPH nói riêng đều do Nhà nước quyết định. Trong điều kiện đang sửa đổi Luật Đất đai và để đảm bảo sự thống nhất trong chính sách CPH, tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP (Điều 31) đã quy định các DN CPH tiếp tục thực hiện quyền được lựa chọn hình thức giao hoặc thuê đất như quy định của Luật Đất đai. Nếu DN thực hiện giao đất thì phải tính bổ sung giá trị quyền sử dụng đất giao theo giá sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường để tính vào giá trị DN CPH. Nếu DN thực hiện thuê đất thì thực hiện trả tiền thuê đất hàng năm theo cơ chế đã được quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP và không phải tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý.

Căn cứ vào tình hình thực hiện CPH và kiến nghị của các bộ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, để khắc phục triệt những vướng mắc khi xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN và đảm bảo thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 45-KL/TW, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ (với tư cách chủ sở hữu về đất đai và DN 100% vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa) thực hiện điều chỉnh cơ chế quản lý đất đai đối với các DNNN CPH theo hướng quy định về nguyên tắc tất cả diện tích đất DN CPH đang quản lý và sử dụng phục vụ sản xuất kinh doanh phải chuyển sang thực hiện ký hợp đồng thuê đất có thời hạn với cơ quan có thẩm quyền (trừ những trường hợp đặc biệt thì có cơ chế xử lý cụ thể).

Quy định này nhằm: (i) khắc phục bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất tại các DN trong thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước triển khai thực hiện các quy hoạch, sử dụng quỹ đất có hiệu quả, tránh thất thoát; (ii) khắc phục bất cập trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất trong thời gian qua để đẩy nhanh tiến trình CPH. Theo phương án này, đối với các diện tích đất DN đã được giao đất nay chuyển sang thuê thì giá trị quyền sử dụng đất giao còn lại tại thời điểm xác định giá trị DN được xác định là số tiền DN đã trả trước tiền thuê đất cho một khoảng thời gian nhất định theo mặt bằng giá thuê đất tại thời điểm DN hoàn tất thủ tục thuê đất với cơ quan quản lý tại địa phương, không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước và lợi ích kinh tế của DN. Đối với diện tích đất DN thực hiện thuê đất thì thực hiện trả tiền thuê đất hàng năm theo cơ chế đã được quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP và không phải tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý vì giá thuê đất đã sát giá thị trường.

Ba là, việc đối chiếu toàn bộ công nợ khi xác định giá trị DN.

Theo quy định, DN CPH phải tiến hành đối chiếu toàn bộ các khoản công nợ đến thời điểm xác định giá trị DN và có biện pháp xử lý dứt điểm các khoản công nợ không có khả năng thu hồi theo đúng chế độ Nhà nước đã quy định. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thì việc đối chiếu toàn bộ công nợ là khó khăn, các DN hiện nay chỉ đối chiếu được khoảng 60 - 70%, do vậy quy định đối chiếu toàn bộ công nợ sẽ làm chậm tiến độ CPH của DN.

Về nguyên tắc, quy định này là phù hợp vì theo cơ chế quản lý tài chính hiện hành thì DN phải thực hiện đối chiếu công nợ thường xuyên, định kỳ khi kết thúc năm tài chính (không chỉ khi CPH). Tuy nhiên, để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN trong thời gian tới, căn cứ vào kiến nghị của bộ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh theo hướng: giao các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ đạo DN CPH thực hiện đối chiếu toàn bộ các khoản công nợ (phải thu, phải trả) đến thời điểm xác định giá trị DN theo quy định. Trong một số trường hợp do thời điểm CPH không trùng với thời điểm kiểm kê khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính, DN quy mô lớn, đối tượng công nợ nhiều, không kịp đối chiếu hết thì DN CPH phải báo cáo các bộ, địa phương xem xét, xử lý theo hướng:

- Đến thời điểm xác định giá trị DN có thể chấp thuận một số khoản công nợ cóđầy đủ hồ sơ chưa  được đối chiếu, xác nhận nhưng Hội đồng thành viên DN CPH phải giải trình rõ nội dung các khoản nợ và phải công bố công khai trong quyết định phê duyệt giá trị DN cũng như phương án CPH làm cơ sở bán đấu giá cổ phần và xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan phải hoàn tất việc đối chiếu công nợ trước thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN.

- Khi DN đăng ký chuyển sang công ty cổ phần, tiến hành lập báo cáo tài chính tại thời điểm này, nếu vẫn còn các khoản công nợ chưa được đối chiếu, xác nhận thì xem xét, xử lý theo hướng: (i) Đối với nợ phải trả DN đã làm đủ thủ tục đối chiếu nợ nhưng không xác nhận được chủ nợ thì được hạch toán ghi tăng vốn nhà nước tương ứng và công ty cổ phần mới có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ, tiếp tục kế thừa, theo dõi để thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi chủ nợ yêu cầu. Căn cứ hồ sơ tài liệu liên quan và yêu cầu của chủ nợ, công ty cổ phần mới thực hiện trả nợ và hạch toán vào chi phí trong kỳ; (ii) Đối với nợ phải thu DN đã làm thủ tục đối chiếu nhưng vẫn chưa đối chiếu được thì phải xem xét, xử lý trách nhiệm bồi thường với tập thể, cá nhân có liên quan. Giá trị khoản nợ còn lại (sau khi bù trừ khoản bồi thường của các cá nhân, tập thể) DN cổ phần mới có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ, tiếp tục kế thừa, theo dõi để đôn đốc thực hiện thu nợ.

Bốn là, việc quy định tổ chức đấu thầu chọn tổ chức tư vấn định giá.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định 59/2011/NĐ-CP, trường hợp có từ 02 tổ chức tư vấn định giá thực hiện đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn định giá trở lên thì phải tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện tư vấn định giá theo quy định hiện hành.

Theo phản ánh của một số bộ, ngành và DN thì việc tổ chức đấu thầu lựa chọn tổ chức tư vấn định giá cũng là một nguyên nhân làm chậm quá trình CPH của DN. Phần lớn các hợp đồng tư vấn xác định giá trị DN có giá trị không lớn (dưới 100 triệu đồng) nhưng phải tổ chức đấu thầu theo đúng quy định cũng làm hạn chế quá trình CPH của DN. Ngoài ra, cũng có một số ý kiến đề nghị bỏ quy định tổ chức đấu thầu lựa chọn tổ chức tư vấn định giá.

Đến nay, đối tượng thực hiện CPH chủ yếu là DN quy mô lớn, trong đó có các công ty mẹ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; theo thống kê chi phí tư vấn CPH bình quân các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con trong giai đoạn trước đây vào khoảng 500 triệu đồng, ngoại trừ những trường hợp thuê tư vấn nước ngoài hoặc phải tổ chức xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý đất thuê cơ chế trước đây thì chi phí tư vấn lớn hơn. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ CPH các DN trong thời gian tới, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh quy định này theo hướng:

- Đối với các gói thầu tư vấn định giá có giá trị không quá 01 tỷ đồng thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án CPH có thể chỉ định thầu để lựa chọn tổ chức tư vấn định giá trong danh sách công bố của Bộ Tài chính hoặc xét thấy cần phải tổ chức đấu thầu thì thực hiện đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

- Đối với các gói thầu tư vấn không thuộc quy định trên thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án CPH quyết định lựa chọn tổ chức tư vấn định giá trên cơ sở kết quả đấu thầu.

Năm là, đối với việc CPH các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có đơn vị sự nghiệp có thu (bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu), dự thảo Nghị định quy định rõ:

- Nếu các DN CPH tiếp tục kế thừa sẽ tổ chức định giá tính vào giá trị DN CPH.

- Nếu các DN CPH không kế thừa thì báo cáo Thủtướng Chính phủxem xét, quyết định chuyển giao cho các bộ, ngành có liên quan để thực hiện xã hội hóa theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước (đối với các bệnh viện đề xuất giao Bộ Y tế tiếp quản; đối với các trường đạo tạo nghề đề xuất giao Bộ Lao động Thương binh và xã hội tiếp quản; đối với các trường đại học, cao đẳng đề xuất giao Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp quản; đối với các viện nghiên cứu đề xuất giao bộ quản lý ngành kinh doanh chính tiếp quản). Trong thời gian chưa bàn giao thì giao bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh tiếp quản và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu tại các đơn vị này.

Sáu là, đối với vướng mắc về việc tính giá trị lợi thế vị trí địa lý của đất thuê vào giá trị DN, báo cáo Chính phủ xem xét tháo gỡ theo hướng:

- Đối với các DN CPH trước Nghị định số 59/2011/NĐ-CP đã xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý đất thuê vào giá trị phần vốn Nhà nước tại DN để CPH nay phải chuyển sang thực hiện chế độ thuê đất theo mặt bằng giá mới thì được khấu trừ giá trị lợi thế vị trí địa lý vào tiền thuê đất phải nộp hàng năm của DN CPH.

- Đối với các DN CPH theo Nghị định số 109/2007/ NĐ-CP mà chưa tính giá trị lợi thế vị trí địa lý thì được áp dụng Nghị định số 59/2011/NĐ-CP không phải tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý và điều chỉnh vốn Nhà nước tại DN.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

ThS. NGUYỄN DUY LONG

(Tài chính) Bên cạnh những kết quả đạt được trong tiến trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thực tế vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế bắt nguồn từ cơ chế chính sách dẫn đến việc triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp chậm so với kế hoạch. Bài viết phân tích những bất cập từ cơ chế chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Nghị định 59/2011/ NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; đồng thời đưa ra những đề xuất sửa đổi, bổ sung…

Xem thêm

Video nổi bật