Tìm hướng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

PV.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy, trong những thập niên gần đây, các doanh nghiệp này đang là mục tiêu trọng tâm của các chính sách hỗ trợ phát triển của các quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển do những hạn chế về quy mô nhỏ, thiếu vốn và khó tiếp cận nguồn vốn, trình độ công nghệ còn lạc hậu, khả năng quản trị doanh nghiệp yếu... Trên thế giới, các mô hình hỗ trợ DN đầu tiên xuất hiện từ đầu thập niên 1950.

Chính phủ các nước đã xây dựng các chính sách phát triển DNNVV theo chiều rộng nhằm chủ yếu thực hiện các mục tiêu chính trị, xã hội như giải quyết công ăn việc làm hay phát triển cân đối vùng.

Trong thời gian đầu, mô hình can thiệp mạnh mẽ của chính phủ cũng gặt hái được một số thành quả nhất định với sự gia tăng nhanh chóng của khu vực doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, mô hình này đã bộc lộ nhiều nhược điểm cùng với đặc thù của chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng và hướng về xuất khẩu trong giai đoạn này đã thường xuyên tạo ra sự phân tán các thị trường giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn.

Khu vực doanh nghiệp lớn với công nghệ sử dụng nhiều vốn thì cung cấp hàng hoá cho thị trường bậc cao, trong khi đó khu vực doanh nghiệp nhỏ với công nghệ lạc hậu thì cung cấp hàng hoá kém chất lượng cho thị trường thấp cấp. Kết quả là các biện pháp chính sách đã tạo ra một môi trường biệt lập giữa hai khu vực doanh nghiệp, luôn xem phía bên kia như là đối thủ. 

Kết quả trên đã góp phần chuyển dịch mô hình hỗ trợ DNNVV theo chiều rộng sang dạng phát triển DNNVV có lựa chọn. Theo cách này, trọng tâm của chiến lược phát triển DNNVV ở các nước là chương trình hỗ trợ DNNVV trong một số ngành sản xuất kỹ thuật cao hoặc dịch vụ mới với những khoản trợ cấp lớn từ ngân sách nhà nước. 

Tuy nhiên, sự hỗ trợ thái quá của Chính phủ trong nhiều trường hợp sẽ dẫn đến việc bóp méo thị trường để ưu tiên phát triển DNNVV, làm giảm tính cạnh tranh của các ngành nghề nói chung, đồng thời hạn chế lợi thế đầu tư quy mô lớn nói riêng. Do đó, xu hướng hỗ trợ DNNVV đã có những thay đổi.

Từ năm 1991 Ngân hàng Thế giới đã chấm dứt toàn bộ các khoản cho vay trực tiếp đối với DNNVV, phản ánh một xu thế chuyển dịch quan điểm từ bỏ việc hỗ trợ trực tiếp DNNVV sang các biện pháp hỗ trợ gián tiếp. Trong nền kinh tế thị trường hoàn toàn tự do, các DNNVV được bảo trợ bởi pháp luật về chống độc quyền, cũng tự tìm được các thị trường ngách thích hợp với lợi thế của sản xuất quy mô nhỏ.

Khu vực DNNVV ở nhiều nước theo trường phái thị trường tự do cũng đạt được những thành tựu phát triển nhất định, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của các nước đó. Tuy nhiên, mô hình phát triển DNNVV theo trường phái này thường chỉ đạt được kết quả khả quan tại các nước phát triển, sự phân bổ các nguồn lực đã được thị trường điều tiết khá hiệu quả.

Ngược lại, đối với các nước đang phát triển, việc áp dụng mô hình trên không thu đựoc kết quả đáng kể nào như trường hợp của nhiều quốc gia châu Phi trong nhiều thập kỷ qua. 

Đến cuối thập niên 1980 và đầu những năm 1990, với xu hướng toàn cầu hoá và khu vực hoá một cách phổ biến, một mô hình mới với cách tiếp cận là “tạo điều kiện thuận lợi để DNNVV phát triển”, với trọng tâm nhấn mạnh vào năng lực cạnh tranh của DNNVV được hình thành và trở nên phổ biến ở nhiều nước. 

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong việc can thiệp vào thị trường dịch vụ phát triển cho DNNVV, nhà nước chỉ lên đóng vai trò là người tạo ra các điều kiện thuận lợi để thị trường cung cấp những dịch vụ phát triển tốt nhất cho các DNNVV.

Như vậy, phương thức can thiệp của chính phủ các nước vào thị trường để thúc đẩy sự phát triển DNNVV đã trải qua rất nhiều mô hình khác nhau. Mỗi mô hình đều đã đạt được những kết quả nhất định.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, các chuyên gia cho rằng, phương thức tiếp cận của mô hình “tạo điều kiện thuận lợi để DNNVV phát triển” là phù hợp hơn cả. Vai trò của Nhà nước trong phát triển DNNVV chỉ nên tập trung vào việc sửa chữa và bù đắp khiếm khuyết của thị trường, với các nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng các chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DNNVV, thiết kế và áp dụng các biện pháp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính để tạo điều kiện về vốn kinh doanh cho DNNVV và tăng cường các dịch vụ phát triển doanh nghiệp mà DNNVV cần để bù đắp những kỹ năng thiếu hụt do nguồn nhân lực trong DNNVV không có.