Tìm hướng mới để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

T. Hương (eFinance)

Thời gian qua, bên cạnh những đóng góp tăng trưởng cũng như tác động lan tỏa đến khu vực khác của nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện đã nảy sinh một số vấn đề nổi cộm, mà một trong những nguyên nhân là do thiếu thống nhất trong cơ chế quản lý cũng như hành lang pháp lý.

Tìm hướng mới để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Đây là nội dung chính được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thảo luận tại buổi Họp lấy ý kiến trong việc xây dựng cơ chế thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hôm nay, ngày 10/9, tại Hà Nội.

Thiếu nhất quán trong chính sách thu hút

Sự phát triển của khu vực FDI hiện đang có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế như thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ ở khu vực doanh nghiệp trong nước; tạo sức ép cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất; gián tiếp tạo việc làm và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần đưa Việt Nam từng bước nâng cao vị trí trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Tuy vậy, một lẽ tự nhiên là đi cùng với những ảnh hưởng tích cực, khu vực FDI cũng bộc lộ những mặt trái của mình. Nhìn lại vài năm gần đây, khi Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế với số lượng dự án và tổng vốn đăng ký dự án FDI tăng trưởng đột biến thì khu vực FDI lại nảy sinh một số vấn đề nổi cộm. Trong đó, nhiều doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ triền miên dẫn tới những câu hỏi về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp cũng như hiệu quả của nguồn vốn này.

Thêm vào đó, một số vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường của doanh nghiệp FDI cũng đặt ra những vấn đề về tác động môi trường của khu vực kinh tế này. Dù luôn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng công nghiệp nhưng Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi nấc thang khá thấp của chuỗi giá trị toàn cầu; tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành/ lĩnh vực vẫn còn thấp; tình trạng cấp giấy phép tràn lan trong một số lĩnh vực như khai thác khoáng sản, sân golf… gần đây, dẫn đễn những quan ngại trong việc thực hiện phân cấp toàn diện công tác quản lý FDI, phá vỡ không nhỏ đến định hướng chung của ngành Kế hoạch.

Về cơ bản, trong giai đoạn 1988 đến nay, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam không ổn định, biến động tăng giảm theo các giai đoạn. Nếu như năm 2008 chứng kiến sự tăng đột biến của vốn FDI thì giai đoạn 2009 đến nay, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng như một số hạn chế trong nội tại nền kinh tế, dòng FDI chảy vào Việt Nam lại giảm sút mạnh.

Thêm vào đó theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Đào Quang Thu: Sắp tới, do những yếu kém trong nước như cơ sở hạ tầng chậm cải thiện, chất lượng lao động, môi trường đầu tư, đặc biệt là chính sách thu hút thiếu nhất quán…đã khiến lợi thế của Việt Nam đang bị giảm sút, khó cạnh tranh với các nước trong khu vực như Indonesia, Philippins, Malaysia và Thái Lan. Trong tình hình như thế, câu hỏi đặt ra là phải chăng Việt Nam nên điều chỉnh mục tiêu thu hút đầu tư theo hướng tăng chất lượng và hiệu quả đầu tư.

Xây dựng cơ chế nhất quán

Với bối cảnh quốc tế và trong nước đang thay đổi nhanh, cùng những vấn đề đã bộc lộ trong thực tiễn thu hút, sử dụng, cũng như quản lý vốn FDI thời gian qua đã đặt ra nhu cầu bức thiết là phải đánh giá toàn diện về khu vực FDI, từ đó, xác định rõ những mặt được cũng như chưa được trong công tác thu hút, sử dụng và quản lý nguồn vốn này nhằm điều chỉnh và hoạch định chính sách về FDI cho giai đoạn tới.

Theo ông Thu, Việt Nam cần mở ra hình thức và lĩnh vực đầu tư mới thay vì hình thức truyền thống, theo đó, những lĩnh vực cụ thể mà Việt Nam cần phát triển sẽ mời nhà đầu tư tham gia vào, tránh tình trạng “vơ bèo vạt tép” như thời gian qua. Thực tế, cơ cấu đầu tư theo hình thức đầu tư cũng có thay đổi đáng kể do ảnh hưởng của chính sách thu hút FDI. Kể từ năm 1997, Việt Nam đã khuyến khích một số hình thức đầu tư mới. Điều này đã làm thay đổi cơ cấu FDI theo hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài tăng lên, tỷ lệ các dự án đầu tư theo hình thức liên doanh giảm đáng kể. Ngoài các hình thức truyền thống này, còn có các hình thức khác như BOT, BT, BTO, BCC, góp vốn mua cổ phần và công ty mẹ - con…

Tuy vậy, ông Bùi Huy Hùng, Vụ trưởng phụ trách hợp tác quốc tế và quản lý dự án của Văn phòng Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế trong thu hút đầu tư FDI. Điển hình như ngành công nghiệp ô tô, xe máy… cho tới thời điểm này, gần như “phá sản” mà nguyên nhân chủ yếu là do chủ quan về thể chế, chính sách duy ý chí, xa rời thực tế. Do thiếu một chiến lực về thu hút, sử dụng và quản lý FDI ở tầm dài hạn cho một số mục tiêu quan trọng của việc thu hút, sử dụng FDI chưa đạt như mong muốn, trong đó có mục tiêu chuyển giao công nghệ.

“Đừng đổ lỗi hết cho nhà đầu tư, về cơ bản là do chính sách của chúng ta không rõ ràng”. - Ông Hùng chia sẻ. Cụ thể, mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư nước ngoài về ưu đãi theo dự án hay ưu đãi cho doanh nghiệp với các văn bản luật khác. Luật “đá” Luật khiến vô hiệu hóa chính sách chung của Chính phủ.

Hơn nữa, xem xét căn bản việc phân cấp đầu tư, đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng khó có thể quay lại cơ chế phân cấp tập quyền nhưng câu chuyện phân cấp đang vô hiệu hóa quy hoạch chung. Nếu vẫn để cơ chế Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan thường trực phối hợp “dàn hàng ngang” cùng các Bộ khác thì sẽ vẫn “loay hoay”, và điều này cần sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.

Hoạt động quản lý FDI đã có thời điểm lúng túng, thiếu chủ động khi bối cảnh và tình hình thay đổi, trong đó có việc phân cấp quản lý FDI giữa Trung ương và địa phương. Cũng do thiếu một chiến lược nên việc phối hợp dài hạn, thống nhất, phối hợp giữa các bộ, ngành, trung ương và địa phương lỏng lẻo, các điều kiện thu hút, sử dụng FDI không đồng bộ và chậm cải thiện.

Chính vì thế, hướng sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài sắp tới cần hướng tới xây dựng tiêu chí, theo đó, hạn chế việc hiểu sai quy định trong việc cấp phép, lựa chọn dự án… quản lý theo ngành và theo lĩnh vực, tiếp đó mới đến quản lý vùng. Chỉ cần xác định thật rõ ngành và lĩnh vực cần ưu tiên phát triển trong từng thời kỳ để tập trung ưu đãi vào các ngành đó. Ngoài chính sách ưu đãi chung còn cần tới chính sách ưu đãi linh hoạt cho từng dự án cụ thể. Có như thế mới tạo cơ chế vừa minh bạch vừa hiệu quả trong thu hút và quản lý đầu tư FDI - ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khuyến nghị.