Tìm nguồn hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới

Theo baohaiquan.vn

Theo Bộ Tài chính, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ ngành liên quan tìm nguồn để trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ các địa phương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2015 và các năm tiếp theo.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Gửi kiến nghị về vốn cho xây dựng nông thôn mới, tỉnh An Giang cho rằng, địa phương đang gặp khó khăn về vốn, vì việc thực hiện các tiêu chí (về giao thông, đường nội đồng, thủy lợi, đê bao) của Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới. Địa phương kiến nghị Chính phủ xem xét cấp vốn kịp thời để hoàn thành các hạng mục công trình.

Bộ Tài chính cho biết, cơ chế hỗ trợ vốn cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gồm: vốn ngân sách (trung ương và địa phương) khoảng 40% (bao gồm vốn từ các Chương trình MTQG và chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai thực hiện và sẽ tiếp tục triển khai trong các năm tiếp khoảng 23%; vốn bố trí trực tiếp cho Chương trình khoảng 17%); vốn tín dụng khoảng 30%; vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác khoảng 20%; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%.

Với việc xác định nguồn vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới chỉ hỗ trợ để tập trung vào một số nhiệm vụ như: Hỗ trợ 100% từ NSNN cho các xã để thực hiện công tác quy hoạch; xây dựng trụ sở xã; kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn bản, cán bộ hợp tác xã.

Hỗ trợ tối đa 100% cho các xã thuộc các huyện nghèo thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ để xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đường giao thông thôn, xóm; giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã...

Căn cứ quy định trên và khả năng ngân sách trung ương, ngân sách trung ương đã hỗ trợ cho tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015 là 308.712 triệu đồng (vốn đầu tư là 225.216 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 83.484 triệu đồng). Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị địa phương sử dụng phần ngân sách trung ương hỗ trợ, chủ động cân đối từ nguồn ngân sách địa phương và huy các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện Chương trình.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ ngành liên quan tìm nguồn để trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ cho các địa phương để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2015 và các năm tiếp theo.

Được biết, tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Danh mục các chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020 được cắt giảm còn 2 Chương trình, trong đó có Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được Quốc hội quyết định với tổng mức vốn thực hiện từ NSNN tối thiểu là 193.155,6 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương: 63.155,6 tỷ đồng; Ngân sách địa phương: 130.000 tỷ đồng. Trong quá trình điều hành, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để có thể hỗ trợ thêm cho Chương trình và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện.

Về nguyên tắc, đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương phải bố trí vốn ngân sách địa phương ở mức cao hơn so với các địa phương khác và huy động hợp lý theo quy định của pháp luật nguồn vốn ngoài NSNN để thực hiện mục tiêu của Chương trình.

Đối với các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương với mức từ 50% trở lên, ưu tiên bố trí ở mức độ cao phù hợp với tổng số xã; xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; xã an toàn khu; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương với mức dưới 50%, bố trí vốn ở mức thấp hơn so với nhóm nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương với mức từ 50% trở lên.

Qua rà soát, Chính phủ cũng đã bố trí tăng thêm 23.155,6 tỷ đồng, nâng mức bố trí ngân sách trung ương cho CTMTQG xây dựng nông thôn mới từ 40.000 tỷ đồng như đã báo cáo Quốc hội lên mức 63.155,6 tỷ đồng.

Báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ cho biết, trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để có thể hỗ trợ thêm cho Chương trình và các địa phương sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn lực để thực hiện.