Tín dụng giảm và câu chuyện quản lý rủi ro

Theo Đầu tư Chứng khoán

Dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng đến ngày 19/2 âm 0,16% so với cuối năm 2012. Nhiều ngân hàng cho biết, họ không chạy đua theo chỉ tiêu tín dụng, mà đặt mục tiêu trọng tâm là quản lý chất lượng tín dụng để giảm nợ xấu.

Tín dụng giảm và câu chuyện quản lý rủi ro
Các ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận năm 2013 sẽ tốt hơn so với năm 2012
Tăng trưởng tín dụng trong năm nay là bài toán không dễ giải, song các nhà băng cho biết, sẽ không chạy đua theo chỉ tiêu như mọi năm.

“Mục tiêu của chúng tôi trong năm 2013 là từng bước rà soát lại các hợp đồng tín dụng, cùng khách hàng giải quyết khó khăn để có thể thu hồi nợ đọng, giảm trích lập dự phòng. Chúng tôi chỉ chọn lọc và cung ứng vốn cho khách hàng cũ có ‘sức khỏe’ tốt, không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Lợi nhuận ngân hàng xuất phát từ quản lý rủi ro, nếu quản lý rủi ro tốt thì lợi nhuận thu về sẽ khả quan. Chẳng hạn, với hoạt động tín dụng, nếu quản trị tốt, tỷ lệ nợ xấu không tăng thì nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận sẽ tăng lên, ngược lại phải trích lập dự phòng cao. Do đó, nếu không quá chạy đua theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động lãi suất cao, mà tập trung vào một mục tiêu vừa phải thì sẽ đạt được lợi nhuận bền vững”, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM nói và chia sẻ, năm 2012, ngân hàng ông được phép tăng trưởng tín dụng 15%, nhưng đến cuối năm chưa sử dụng hết phân nửa. Trong khi đó, trích lập dự phòng của ngân hàng tăng cao, khiến lợi nhuận không đạt chỉ tiêu đề ra, cho dù kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức 500 tỷ đồng.

Năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 2.828 tỷ đồng so với kế hoạch xây dựng ban đầu là 4.600 tỷ đồng. Tổng giám đốc Eximbank, ông Trương Văn Phước cho biết, nếu quản lý tốt hơn chất lượng tín dụng thì lợi nhuận năm 2012 của Ngân hàng đạt mức cao hơn. Tuy nhiên, so với các ngân hàng bạn, trong năm qua, các khoản nợ xấu của Eximbank phát sinh ít nên Ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều, chỉ ở mức vài trăm tỷ đồng. Năm nay, Eximbank xây dựng kế hoạch lợi nhuận ở mức 3.200 tỷ đồng.

Theo ông Phước, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho toàn ngành năm 2013 ở mức 12% không phải là thấp, nhưng để đạt được mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng, đòi hỏi Ngân hàng phải kiểm soát tốt nhất rủi ro các khoản vay.

“Eximbank không đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao, mà quan trọng hơn chính là chất lượng tín dụng. Năm qua, tín dụng của Eximbank chỉ tăng có 0,34%, nhưng vẫn đạt lợi nhuận ở mức chấp nhận được, chính là nhờ kiểm soát chất lượng khoản vay, giảm dự phòng”, ông Phước nói.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, ông Phạm Hữu Phú cho hay, sở dĩ lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng năm qua chỉ đạt ở con số 2.800 tỷ đồng, không hoàn thành kế hoạch đưa ra ở mức 3.400 tỷ đồng là do Ngân hàng phải trích lập dự phòng ở mức cao, trên 1.000 tỷ đồng. Phần lớn khoản trích lập dự phòng này của Sacombank đều dành cho SBS - công ty chứng khoán trực thuộc Ngân hàng.

Nợ xấu của Sacombank dù được kiểm soát ở mức tương đối thấp, xấp xỉ 1,6% trong năm qua, song cũng đã tăng gấp đôi so với năm trước đó. Vì thế, lãnh đạo Sacombank cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng trong năm nay cũng sẽ thận trọng và có sự chọn lọc kỹ khách hàng trước khi cung ứng vốn tín dụng.

Thực tế, các ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận năm 2013 sẽ tốt hơn so với năm 2012. Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn và để có thể tăng trưởng bền vững, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu quản trị rủi ro lên hàng đầu, thay vì lợi nhuận cao nhưng rủi ro tiềm ẩn. Do đó, khi tín dụng gặp khó khăn, ngân hàng không thể kỳ vọng đạt lợi nhuận cao. Bởi lợi nhuận của các ngân hàng chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng, chiếm khoảng 60 - 70% ở nhà băng lớn và khoảng 80 - 90% ở ngân hàng nhỏ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận định, khó khăn và thách thức đối với hoạt động của ngành ngân hàng năm 2013 là không ít, nợ xấu vẫn là mối đe dọa, nên muốn tăng trưởng bền vững, đòi hỏi các ngân hàng thương mại phải biết chủ động tái cơ cấu, nâng tầm quản trị rủi ro, quản lý chặt chất lượng tín dụng.

Năm 2012, kết quả kinh doanh của các ngân hàng trên toàn hệ thống sụt giảm do nợ xấu tăng cao, trích lập dự phòng nhiều. Để cải thiện hiệu quả kinh doanh trong năm 2013, ông Bình cho rằng, ngoài xử lý nợ xấu, ngân hàng phải tăng trưởng tín dụng hiệu quả, để từ đó giảm trích lập dự phòng thì mới có thể kỳ vọng lợi nhuận.