Tín dụng nông nghiệp, nông thôn: Đột phá tầm nhìn, mở nút giải pháp

Theo nhandan.org.vn

(Tài chính) Thực hiện yêu cầu của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang khẩn trương phối hợp các bộ, ngành nhằm xây dựng chương trình tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn (NN-NT) với quy mô, đối tượng, thời hạn hợp lý và lãi suất thấp; tiếp tục thực hiện chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo, bảo đảm hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Tín dụng nông nghiệp, nông thôn:  Đột phá tầm nhìn, mở nút giải pháp
NHNN đang khẩn trương phối hợp các bộ, ngành nhằm xây dựng chương trình tín dụng cho phát triển NN-NT. Nguồn: internet

Dồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn

Với khoảng 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, sản xuất nông nghiệp đã có những đóng góp hết sức to lớn. Lĩnh vực này luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thể hiện thông qua hàng loạt các chủ trương, chính sách lớn về phát triển NN-NT, trong đó, Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT được coi là bước đột phá quan trọng.

Đến nay, không chỉ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - ngân hàng chủ lực trong lĩnh vực đầu tư cho tam nông mà hầu hết các ngân hàng thương mại khác như Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Vietcombank, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và một vài đại diện đến từ khối ngân hàng thương mại cổ phần như Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng đều có các chương trình cho vay ở lĩnh vực này, dưới các hình thức như: cho vay nuôi trồng thủy sản, mua tạm trữ lúa gạo; cho vay xuất khẩu nông sản, cho vay thu mua, chế biến chè, cà-phê...

Tính chung trong cả nước, trước khi có Nghị định 41, dư nợ cho vay trong lĩnh vực NN-NT mới chỉ đạt gần 293 nghìn tỷ đồng (năm 2009) thì đến hết quý II-2013, con số này đã tăng gấp gần 2,2 lần, đạt hơn 621 nghìn tỷ đồng. Qua thu thập số liệu về tình hình dư nợ tín dụng NN-NT ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước đến tháng 9/2013, tại hầu hết các địa phương, hoạt động tín dụng đều đạt kết quả khả quan. Thí dụ, tại Hà Nội, dư nợ tín dụng NN-NT đạt 46.876 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân (2010 đến 2013) đạt 25,3%, tăng trưởng 95,3% so với năm 2010, chiếm tỷ trọng 6,95% tổng dư nợ; tại Hà Giang tương ứng lần lượt là 3.840 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 17%, tăng trưởng 51% so với năm 2010, chiếm tỷ trọng 45% tổng dư nợ...

Đổi mới chính sách tín dụng

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động cho vay đối với lĩnh vực NN-NT vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Do công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa tốt, vì vậy nguồn vốn tín dụng cho NN-NT tuy đã tăng trưởng lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là việc hướng tới phát triển nền nông nghiệp kỹ thuật cao, bền vững mang lại giá trị gia tăng cao. Tình trạng người nông dân "được mùa mất giá, được giá mất mùa" thường xuyên xảy ra; các sản phẩm thủy hải sản như tôm, cá tra của Việt Nam cũng là đối tượng bị các nước đe dọa áp dụng các luật chống bán phá giá thiếu công bằng; bên cạnh đó là tình trạng thiếu quy hoạch nuôi trồng thủy sản, hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, đầu tư tràn lan và kém hiệu quả của các doanh nghiệp... cũng ảnh hưởng chất lượng tín dụng, hạn chế mở rộng đầu tư cho lĩnh vực này.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam TS. Nguyễn Văn Thạnh, mặc dù nguồn vốn ngân hàng nói chung đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo trong những năm qua, song hoạt động tín dụng đối với NN-NT còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế phát triển kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long đến nay vẫn có xu hướng là khai thác tiềm năng tự nhiên của nông nghiệp. Việc trồng lúa, cây ăn trái hay nuôi tôm, cá xuất khẩu ở khu vực này gần như tự phát. Sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ, manh mún; chất lượng thấp, bảo quản sau thu hoạch còn nhiều hạn chế, gây hao hụt lớn và ảnh hưởng chất lượng nông sản; hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, chưa có những thương hiệu mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank TS. Nguyễn Đức Hưởng, giá cả bấp bênh, thiên tai thường xuyên rình rập,... là những nguyên nhân khiến người nông dân không an tâm vay vốn, mà ngược lại, ngân hàng cũng không dám mạnh dạn trao vốn cho họ. Ở khu vực nông thôn, bảo hiểm tín dụng nông nghiệp còn rất hạn chế, gần như mới phát triển ở mức thử nghiệm. Vì chưa có các sản phẩm bảo hiểm đi kèm nên nếu có sự biến động lớn về giá cả, thị trường tiêu thụ, thiên tai, dịch bệnh... thì khả năng trả nợ ngân hàng của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì thế các ngân hàng chỉ cho vay nhỏ giọt và cầm chừng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình mới đây cho biết, chương trình tín dụng thí điểm phục vụ phát triển NN-NT năm nay sẽ tập trung vào một số trọng tâm lớn, cụ thể như: tín dụng phục vụ ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất nông nghiệp; tín dụng phục vụ mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp; tín dụng phục vụ xuất khẩu nông thủy sản. Để triển khai, NHNN hiện đang phối hợp các bộ, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ,... để xây dựng cơ chế nhằm giúp các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp áp dụng công nghệ cao.

Theo Vụ trưởng Tín dụng NHNN Nguyễn Viết Mạnh, thời gian qua NHNN đã nghiên cứu một số mô hình sản xuất quy mô lớn, có tính khả thi cao và có thể nhân rộng như trang trại sữa của Tập đoàn TH, các nhà máy thủy sản phía nam có sự tham gia tái cấu trúc của ngân hàng, các mô hình cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long,... Đây là những mô hình sản xuất nông nghiệp có sự liên kết theo chuỗi sản xuất, phân phối, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, có kết hợp yếu tố khoa học - công nghệ. Chương trình tín dụng mới sẽ được triển khai thí điểm ở các mô hình này để mang lại hiệu quả cao nhất. Cũng theo ông Nguyễn Viết Mạnh, thực tế hiện nay, nông dân sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có liên kết. Vì vậy, để có chính sách tín dụng hiệu quả phải có quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể; có sự liên kết từ đầu vào tới đầu ra, khi đó tín dụng sẽ bền vững.

Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Đức Hưởng, để khu vực NN-NT thật sự phát triển bứt phá cần có tầm nhìn đột phá, chính sách đột phá và các biện pháp đột phá như: cho phép tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, khai thác chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, biến người nông dân thành công nhân và cổ đông của doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp; có chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp NN-NT, có thể gọi là "cổ phần kim cương cho nông dân"; mở các nút thắt, tăng cường hơn nữa việc thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào khu vực NN-NT; có cơ chế kích thích bảo hiểm và bảo hiểm từ thiện vốn vay NN-NT. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế bắt buộc các ngân hàng duy trì tỷ lệ dư nợ tín dụng phục vụ NN-NT (tối thiểu 20%). Đây là cách hỗ trợ thiết thực cho người nông dân và các doanh nghiệp NN-NT từ gốc vì các ngân hàng là kênh bơm vốn chủ yếu cho khu vực NN-NT.