Tín dụng tăng trưởng chậm - vì đâu?

Theo Đại Biểu Nhân dân

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay, tín dụng đến trung tuần tháng 5 mới tăng trưởng khoảng 2%. So với cùng kỳ thời điểm này năm 2012, tín dụng mới chỉ gần cân bằng - tức tăng trưởng bằng 0 - đây là tín hiệu rất tích cực. Tuy nhiên, trong khi nguồn vốn tăng gần 6% thì tín dụng chỉ tăng có 2%...

Tín dụng tăng trưởng chậm - vì đâu?
Ảnh minh họa. Nguồn: laisuat.vn

Tín dụng tăng trưởng chậm, vì đâu?

Trả lời báo giới, ĐBQH Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho hay: tổng cầu suy giảm nghiêm trọng, năng lực cạnh tranh khu vực doanh nghiệp trong nước quá yếu, trong khi doanh nghiệp FDI lại là động lực chính cho xuất khẩu và đóng góp vào GDP khá. Kinh tế đang trì trệ, giai đoạn khó khăn 1997 - 1999 chúng ta chỉ mất có 3 năm là kinh tế đã phục hồi, nay đã là gần 6 năm kể từ đầu 2008. Để tạo ra sự chuyển biến thực sự trong dài hạn,  một chu kỳ mới cho tăng trưởng phải nâng cao sức cạnh tranh kinh tế khu vực trong nước và bằng giải pháp tổng thể về chính sách, trong đó trọng tâm, đồng bộ cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; chỉ dựa vào chính sách tiền tệ là không ổn, lãi suất không tác động lớn nữa.

Thảo luận báo cáo tình hình kinh tế xã hội tại Tổ, ĐBQH Nguyễn Văn Vẻ (Thái Bình) và cũng là một doanh nhân thẳng thắn nói: khó khăn kinh tế thời gian qua đã làm suy giảm nghiêm trọng “sức khỏe” của doanh nghiệp, tiêu chí đáp ứng điều kiện vay vốn không còn đáp ứng đủ nữa rồi; nhưng quan trọng là không tìm thấy ánh sáng đầu ra cho phương án sản xuất kinh doanh, không thấy có hiệu quả thì vay vốn làm cái gì?

Số liệu về doanh số bán lẻ của cả nước quý I ước tăng có 11,7% so cùng kỳ, nếu loại trừ tăng giá thì mức tăng còn lại chỉ là 4,5%, trong khi con số này cùng kỳ là 4,7%; khối lượng vận chuyển hàng hóa chỉ tăng 5,9% (cùng kỳ tăng 10%); đầu tư ngân sách giảm 4,9% so cùng kỳ, tạo ra vòng xoáy nguy hiểm cho sản xuất, nếu giữ nguyên công suất thì hàng tồn tăng cao, cách mà các doanh nghiệp đối phó là giảm sản lượng, giảm công nhân, cắt bớt lương để “vượt cạn” ở giai đoạn hiện nay.

Hai ngành sản xuất lớn như thép và xi măng hiện nay sản xuất cầm chừng. Với ngành thép công suất có tới 11 triệu tấn, thừa so nhu cầu tới 40%, mấy tháng gần đây ngoại trừ tháng 2 ăn Tết, thì mức tiêu thụ cũng xoay quanh 400 tấn, giảm 6% so cùng kỳ. Xi măng cũng chẳng khá khẩm là mấy. Tổng công suất những 68 triệu tấn, tiêu thụ cả nước cũng chỉ 45 - 47 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 10 triệu, còn dư tới cả chục triệu tấn, hiện tại có tới 60% số doanh nghiệp ngành này sản xuất hòa vốn và lỗ. Tổng cầu thì suy giảm, trong khi phía cung thì thừa công suất, quy hoạch ngành vùng sản xuất đứng trước nguy cơ liên tục bị phá vỡ. Tình trạng phá rào, làm kinh tế theo phong trào thì Ngân hàng có nên tiếp tục “ném” vốn vào các địa chỉ này không, để rồi chu kỳ sau lại nợ xấu, lại tồn kho tăng cao?

Sống nhờ vay nợ

Báo cáo thường niên của VCCI năm 2012 cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng sống nhờ vay nợ từ bên ngoài, trong đó khá nhiều là vốn vay ngân hàng. Chỉ số nợ của doanh nghiệp trong nước tăng từ 1,6 lần lên 2,3 lần so vốn tự có. Các doanh nghiệp nhà nước có chỉ số nợ cao nhất 3,2 lần. Các doanh nghiệåp ngoài nhà nước có xu hướng tăng trong giai đoạn 2009 - 2011, lên 2,3 lần. Trong khi các doanh nghiệp FDI chỉ là 1,01 lần. Còn các doanh nghiệp của Trung Quốc có tỷ lệ 1,06 lần, của Mỹ là 1,2  lần. Sống nhờ vay nợ, chi phí vốn đi vay nói chung gia tăng, sức cạnh tranh suy giảm mạnh như Tiến sỹ Trần Du Lịch nhận xét thật xác đáng.

“Ngay cả tôi có tiền cho anh em thân thiết vay cũng phải nhìn đến khả năng trả nợ, nếu cứ đi vay bằng mọi giá để sống thì cũng có ngày vỡ nợ. Nợ công các nước châu Âu là bài học lớn cho cả thế giới. Huống chi các Ngân hàng thương mại họ đi huy động của dân, trả lãi không thiếu một đồng. Khó khăn thế này, các Ngân hàng thận trọng đẩy tín dụng ra cũng là dễ hiểu và cũng đáng mừng về tư duy trong quản trị rủi ro”- PGs.Ts Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển chia sẻ.

Ông Hùng bình luận, các quyết sách của Chính phủ đã đồng bộ, đầy đủ. Chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đang đi đúng quỹ đạo. Tuy nhiên cần có thời gian thì mới có kết quả; không thể nóng vội, chủ quan được, hơn nữa điều hành nền kinh tế đâu chỉ có chính sách tiền tệ mà quan trọng phải có phối hợp đồng bộ quyết liệt từ các chính sách khác.

Cho đến hiện nay, nhìn từ phía tổng cầu cũng chưa thấy rõ động lực nào để tín dụng tăng trưởng ngay được. Còn tiếng gọi từ phía cung thì càng yếu ớt cho tăng trưởng tín dụng, nghĩa là các nhà sản xuất, hộ sản xuất thì đang thu hẹp quy mô, thu hẹp sản lượng, tự điều chỉnh để tồn tại mới thấy rõ cái gốc của vấn đề hiện nay là làm sao tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. “Cần mạnh hơn, đặc biệt hơn, ví như khẩn trương tăng nguồn trả nợ đọng trong xây dựng cơ bản thì mới tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành này được, đồng thời cũng sẽ gỡ một phần nợ xấu của Ngân hàng” - Tiến sỹ Trần Du Lịch kết luận.