Tín dụng tiêu dùng: Cơ hội để phát triển lành mạnh

Theo daibieunhandan.vn

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính sẽ tạo cơ sở pháp lý để hoạt động này phát triển an toàn, lành mạnh và hiệu quả.

Lĩnh vực cho vay tiêu dùng của công ty tài chính rất được quan tâm. Nguồn: internet.
Lĩnh vực cho vay tiêu dùng của công ty tài chính rất được quan tâm. Nguồn: internet.

Tạo hành lang pháp lý

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng vừa ký ban hành Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3 tới.

Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng đã ra mắt công ty tài chính để cạnh tranh trên thị phần nhiều tiềm năng này. Ở một số nước trong khu vực châu Á, tỷ lệ cho vay tiêu dùng hiện chiếm 25-30% tổng dư nợ. Tại nước ta, dịch vụ này mới nở rộ trong thời gian gần đây và chiếm trên 10% tổng dư nợ. Vì vậy, giới chuyên gia ngân hàng cho rằng, tốc độ tăng trưởng của cho vay tiêu dùng ở nước ta thấp so với các nước và có nhiều tiềm năng để phát triển.

Cũng theo các chuyên gia, sự ra đời của Thông tư 43 sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, qua đó đem lại sự phát triển ổn định cho lĩnh vực vay tiêu dùng, đặc biệt đối với công ty tài chính, và giúp người dân tiếp cận tín dụng chính thống thay vì tín dụng đen. Quan hệ giữa công ty tài chính và khách hàng sẽ được xử lý trên cơ sở pháp lý rõ ràng đối với trước, trong, và sau khi cho vay. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng có cơ sở pháp lý để giải quyết khi có phát sinh tranh chấp giữa khách hàng vay và công ty tài chính.

Thông tư 43 quy định: Công ty tài chính cho cá nhân vay bằng đồng Việt Nam để đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng. Nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ bao gồm: Mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao; chi phí sửa chữa nhà ở.

Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính không vượt quá 100 triệu đồng (Quy định này không áp dụng đối với trường hợp cho vay tiêu dùng để mua ô tô và sử dụng ô tô đó làm tài sản bảo đảm). Hạn mức 100 triệu đồng - cao hơn so với dự thảo - được nhận xét là hợp lý. Lãnh đạo một công ty tài chính phân tích: Với 100 triệu đồng, người vay tiêu dùng có thể sửa chữa nhà ở, mua xe máy và các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình một cách hợp lý. 

Tăng minh bạch

Thông tư 43 yêu cầu công ty tài chính phải ban hành quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng để hướng dẫn việc thu thập, cập nhật, kiểm tra số liệu, quản lý thông tin khách hàng; nhận dạng các thông tin sai lệch và ngăn ngừa gian lận để quyết định cho vay, kiểm soát khoản vay và thu hồi nợ vay...

Quy định này được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết tình trạng hiện nay rất nhiều công ty tài chính không sử dụng hệ thống dữ liệu thông tin tín dụng để thẩm tra tư cách khách hàng vay vốn, chủ động phòng tránh rủi ro ngay từ đầu. Nhiều trường hợp khách hàng đã vay tiền ở ngân hàng thương mại, khi nợ xấu phát sinh tại các công ty tài chính (thực tế này rất dễ xảy ra do khả năng thanh toán rơi vào thế bị động vì lãi suất quá cao) buộc các ngân hàng phải chấp nhận đi “mua lại” nợ từ các công ty tài chính để tránh nợ xấu tăng theo dây chuyền.

Cũng nhằm chấn chỉnh tình trạng thiếu minh bạch thời gian qua, Thông tư 43 quy định hợp đồng cho vay tiêu dùng phải bao gồm các nội dung về hình thức thông báo cho khách hàng về lịch trả nợ gốc, lãi tiền vay khi có điều chỉnh; các biện pháp để đôn đốc, thu hồi nợ; chế tài áp dụng và biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không trả nợ đúng hạn; điều kiện trả nợ trước hạn, phí trả nợ trước hạn và hình thức thông báo cho khách hàng về kế hoạch trả nợ gốc, lãi đối với dư nợ gốc còn lại đối với trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn một phần khoản vay tiêu dùng (Khoản 1, Điều 10).

Ngoài ra, để tránh xảy ra khiếu kiện (trên thực tế đã từng xảy ra) giữa khách hàng vay vốn và công ty, Thông tư quy định công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký; công ty tài chính phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng (theo Khoản 4, Điều 10); phải niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tiêu dùng tại trụ sở, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của công ty tài chính.

NHNN cho biết, việc ban hành Thông tư số 43 nhằm hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị định số 39/2014/NĐ-CP; đồng thời hoàn thiện các quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, bảo đảm hoạt động này phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh, hiệu quả.