Tính chuyện nâng tầm ngân hàng lớn

Theo Baodautu.vn

(Taichinh) - Các ngân hàng lớn đang ráo riết tìm cách mở rộng quy mô. Theo nhiều chuyên gia, để đạt tầm khu vực, các ngân hàng lớn cũng phải tính chuyện “góp gạo thổi cơm chung”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo mong muốn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, Vietcombank và VietinBank sẽ là hai ngân hàng phấn đấu đạt tầm khu vực. Trong khi đó, Ngân hàng BIDV cũng tự đặt cho mình mục tiêu đảm bảo cạnh tranh được với các ngân hàng trong khu vực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các ngân hàng trên vẫn quá nhỏ so với quy mô của các ngân hàng khác trong khu vực.

Sau hai thương vụ sáp nhập đình đám vừa được đại hội đồng cổ đông thông qua, tiềm lực tài chính của cả VietinBank và BIDV đều đã được nâng lên đáng kể. Với thương vụ sáp nhập PGBank vừa được chốt, Ngân hàng VietinBank sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ 40.234 tỷ đồng, tổng tài sản 600.039 tỷ đồng, dư nợ 440.000 tỷ đồng. Hậu sáp nhập, ngân hàng này có tới 168 chi nhánh và 1.063 phòng giao dịch.

Tương tự, BIDV hậu sáp nhập với MHB cũng sẽ tăng vốn điều lệ lên 31.512 tỷ đồng, tổng tài sản 695.000 tỷ đồng, tổng dư nợ 461.000 tỷ đồng, với mạng lưới tới 171 chi nhánh và 787 phòng giao dịch.

Với Vietcombank, dù việc sáp nhập chưa được nhắc đến trong đại hội đồng cổ đông vừa qua, song nhiều khả năng, ngân hàng này sẽ sáp nhập một ngân hàng nhỏ, nâng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng, tổng tài sản 650.000 tỷ đồng.

Như vậy, dù sáp nhập, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng lớn trong nước cũng chỉ mới đạt 1 - 2 tỷ USD, tổng tài sản đạt trên dưới 30 tỷ USD - quy mô quá nhỏ so với các ngân hàng trong khu vực.

“Việc đạt 1 - 2 ngân hàng tầm cỡ khu vực là mục tiêu rất quan trọng đối với hệ thống ngân hàng nước ta, song việc này không hề đơn giản. Theo tôi được biết, quy mô các ngân hàng hoạt động trong khu vực có tổng tài sản tối thiểu 50 tỷ USD, vốn chủ sở hữu khoảng 5 tỷ USD. Trong khi đó, ở nước ta, ngân hàng TMCP lớn nhất cũng chỉ có tổng vốn chủ sở hữu vài tỷ USD”, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thừa nhận, Đề án Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hướng tới xây dựng 1 - 2 ngân hàng hàng đầu Việt Nam với quy mô ngang tầm khu vực là nhiệm vụ khó. Để làm được điều này, NHNN hướng VietinBank tham gia sáp nhập ngân hàng yếu, vừa hỗ trợ hệ thống, vừa nhanh chóng mở rộng quy mô.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc sáp nhập ngân hàng nhỏ khó lòng giúp các “ông lớn” như VietinBank, Vietcombank hay BIDV lớn mạnh. Bên cạnh việc mua bán, sáp nhập ngân hàng nhỏ để hỗ trợ hệ thống, các ngân hàng lớn cũng nên tính chuyện xe duyên với nhau để hình thành những ngân hàng lớn.

“Nếu những “ông lớn” về chung một nhà thì sẽ nhanh chóng tạo thành những người khổng lồ ngang tầm khu vực”, TS. Hiếu nói.

Một yếu tố còn yếu nữa của ngân hàng nội trong cuộc đua trở thành ngân hàng vươn tầm khu vực là mạng lưới trong khu vực còn rất hạn chế. Hiện nhiều ngân hàng đã đặt chân vào thị trường nước ngoài như Lào, Đức, Campuchia, Singapore…, song hiệu quả chưa cao, mới chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Điều này không có gì ngạc nhiên, bởi ngay trên sân nhà, các ngân hàng nội cũng khó lòng “vời” được khối khách hàng là doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, nhiều ngân hàng trong khu vực đã “đổ bộ” mạng lưới của mình tại hầu hết các nước ASEAN.

Rõ ràng, yêu cầu hình thành những ngân hàng lớn đạt tầm khu vực đang trở nên hết sức cấp thiết, song để có thể lớn mạnh một cách nhanh chóng, các ngân hàng lớn và ngân hàng tầm trung phải tính đến chuyện sáp nhập với nhau.

Ông Keith Pogson, lãnh đạo cao cấp Ngân hàng EY khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, mục tiêu giảm còn 15 - 17 ngân hàng từ hơn 30 ngân hàng của Việt Nam vẫn là nhiều. Theo ông Keith, Việt Nam chỉ cần 5 ngân hàng “trụ cột quốc gia”, bên cạnh một số ngân hàng nhỏ hơn phục vụ thị trường ngách.

Trên thực tế, các nước trong khu vực như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Malaysia… cũng chỉ có 3 - 5 ngân hàng lớn và đa số các ngân hàng lớn này đều được hình thành bằng cách thực hiện nhiều cuộc sáp nhập trước đó.