Tình hình tài chính tiền tệ Việt Nam năm 2014

Theo tapchicongsan.org.vn

(Tài chính) Năm 2014, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã nâng xếp hạng nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ B+ lên BB-. Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cho biết: “Chúng tôi nghĩ việc đánh giá gần đây của tổ chức Fitch là một bước tiến tốt đối với Việt Nam”, bởi kinh tế vĩ mô ổn định, khu vực đối ngoại, xuất khẩu được đẩy mạnh, khiến môi trường kinh doanh lành mạnh hơn trước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia khi bước sang năm 2015.

Tình hình tài chính tiền tệ Việt Nam năm 2014
Chính sách tiền tệ đang là cơ sở vững chắc cho sự ổn định kinh tế vĩ mô. Nguồn: internet
Từ hiệu quả của chính sách tiền tệ…

Ngân hàng Nhà nước thể hiện rõ vai trò điều hành kinh tế vĩ mô. Đồng nội tệ được duy trì ổn định; Dự trữ ngoại tệ tăng; Tài khoản thanh toán được bảo đảm cân đối, quan trọng nhất là lạm phát giảm và lãi suất cũng giảm xuống đáng kể trong thời gian 12 tháng liên tục... là những lý do để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được đánh giá là “đã điều hành vĩ mô thành công”.

Chính sách tiền tệ đang là cơ sở vững chắc cho sự ổn định kinh tế vĩ mô. Thời gian qua, chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã giúp kiềm chế lạm phát ở mức khá thấp và giữ tỷ giá ở mức ổn định. Tính ổn định tương đối của thị trường tiền tệ biểu hiện ở tính thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất hạ cả trên thị trường liên ngân hàng và thị trường giao dịch giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng, tổ chức cá nhân trong nền kinh tế. Thành quả của việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng biểu hiện rõ nét nhất trên phương diện điều hành chính sách tiền tệ như lãi suất giảm nhanh, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại tệ quốc gia tăng cao, thị trường vàng được kiểm soát tốt, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được triển khai quyết liệt, phối hợp đồng bộ với tháo gỡ khó khăn về thuế, phí; hệ thống các ngân hàng thương mại đã thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ của thời điểm 2011 đầu năm 2012, nhất là đối với một số ngân hàng thương mại nhỏ; thanh khoản cải thiện mạnh, chủ động cân đối vốn; nợ xấu được tích cực xử lý bằng nội lực của các ngân hàng; khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế được mở rộng theo hướng ổn định; năng lực quản trị và năng lực tài chính một số ngân hàng tăng lên; thông tin về hoạt động của hệ thống ngân hàng ngày càng minh bạch hơn.

Những đóng góp quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và công cuộc tái cấu trúc ngân hàng cùng với tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã là điểm số quan trọng để Fitch nâng điểm xếp hạng quốc gia của Việt Nam trong thời gian vừa qua lên BB-. Thành quả kể trên cũng đã có hiệu quả tức thì khi Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế đạt kết quả tích cực với mức phát hành 1 tỷ USD nhưng các nhà đầu tư đã đăng ký gấp 10 lần. Mức lãi suất là 4,8%/năm so với mức trên 6%/năm trước đây đã tiết kiệm hàng chục triệu USD cho quốc gia.

Đến sự ổn định của thị trường…

Năm 2014, tỷ giá của VND so với USD nói chung tương đối ổn định và hoàn toàn nằm trong giới hạn kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Thanh khoản của thị trường ngoại hối tốt. Do nhu cầu cung - cầu của thị trường đôi lúc tỷ giá có biến động tăng giảm nhẹ nhưng nhìn chung thị trường hiện nay đang khá cân bằng giữa sức mua và lực bán. Biên độ giao động trong phạm vi 21.200đ/USD đến 21.300đ/USD trong năm 2014 được coi là khá ổn định so với các cặp ngoại tệ khác trong khu vực và trên thế giới.

Tính đến tháng 10-2014, Việt Nam vẫn đang có thặng dư thương mại hơn 2,2 tỷ USD và cả năm có thể đạt 1,5 tỷ USD. Thêm vào đó là dòng vốn từ nguồn kiều hối và đầu tư cũng giúp cho lượng cung của thị trường ngoại hối tăng đáng kể. Kết quả là Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng ngoại tệ khá lớn từ hệ thống ngân hàng.

Lãi suất huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng đã giảm khá sâu trong năm 2014. Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát hành một lượng tín phiếu lớn nhằm hút bớt lượng tiền đã đưa vào lưu thông để mua ngoại tệ, đảm bảo điều tiết tiền tệ theo mục tiêu lạm phát. Động thái giảm trần lãi suất huy động dưới 06 tháng của VNĐ từ 6% xuống 5,5% và lãi suất trần USD từ 1% xuống 0,75%; đồng thời hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 05 lĩnh vực ưu tiên từ 8%/năm xuống còn 7%/năm của Ngân hàng Nhà nước càng làm cho tính ổn định của thị trường được củng cố hơn.

Việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn đối với 05 lĩnh vực ưu tiên về mức không quá 10%/năm đã nhận được sự ủng hộ từ phía các ngân hàng, giúp mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường giảm, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, kể cả ngắn hạn cũng như trung dài hạn là rất thỏa đáng.

Hiện nay mức chênh lệch của trần lãi suất của VNĐ và USD được cho là đủ hấp dẫn để người gửi tiếp tục duy trì gửi tiền VND. Đó là một vòng tuần hoàn vì khu vực tài chính tiếp thêm nguồn lực cho nền kinh tế. Tài chính ổn định giúp bình ổn nền kinh tế và kinh tế ổn định sẽ góp phần thúc đẩy khu vực tài chính tăng trưởng. Đây là những dấu hiệu tích cực và cũng là thành tựu đáng ghi nhận của công tác quản lý điều hành vĩ mô của Nhà nước trong năm qua. Điều này tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có chiều hướng ổn định hơn.

Vẫn còn những ý kiến khác nhau


Nhìn tổng quan lĩnh vực tiền tệ ngân hàng trong năm qua có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Có ý kiến chuyên gia đánh giá cao công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng cũng có ý kiến cho là việc triển khai còn chậm. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, quá trình đổi mới và phát triển ngân hàng theo cơ chế thị trường với sự ra đời hệ thống ngân hàng 02 cấp từ năm 1988 đến nay đã trải qua hơn 25 năm, cũng đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Những cải cách tích cực nhằm hoàn thiện, mở rộng và phát triển, nhưng cũng có những cải cách nhằm sửa chữa sai lầm, khắc phục và loại trừ nguy cơ đổ vỡ, với những mức độ và phạm vi khác nhau trong những thời điểm cụ thể.

Dư luận còn nhớ trước thời điểm 2012, khủng hoảng tài chính - kinh tế bắt nguồn từ Mỹ (năm 2008) đã lan rộng ra toàn cầu khiến nhiều ngân hàng Mỹ có lịch sử hàng trăm năm hoạt động cũng bị sụp đổ. Việt Nam đã hội nhập cả chiều rộng và chiều sâu đương nhiên không tránh khỏi tác động của cuộc khủng hoảng này. Những yếu kém nội tại của nền kinh tế trong nước và đặc biệt là hậu quả của một thời kỳ phát triển “bong bóng” bất động sản, chứng khoán và tín dụng vào những năm 2005 - 2007 đã để lại rủi ro tín dụng tiềm ẩn cao, nợ xấu liên quan đến bất động sản tăng nhanh, cùng với hệ thống ngân hàng thương mại phát triển và mở rộng quá nhanh cả về quy mô và các loại hình nghiệp vụ nên sự bất cập là khó tránh.

Mặt khác, các ngân hàng thương mại năng lực quản trị có nhiều yếu kém so với thực tiễn đặt ra, năng lực tài chính không tương xứng với quy mô, tốc độ gia tăng tài sản; Tình trạng sở hữu, đầu tư chéo, cho vay vượt quá khả năng nguồn vốn cả về khối lượng và cơ cấu thời hạn; Nhiều doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng, hiệu quả kinh doanh thấp, tài chính kém lành mạnh, kinh doanh đa ngành nghề thiếu sự quản lý; Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tiền tệ không theo kịp, thiếu đồng bộ; Hệ thống thanh tra, giám sát chuyên ngành cũng còn yếu kém… Quá trình tích tụ những yếu kém, nếu vượt quá sức chịu đựng của nó, thì tất yếu sẽ “bùng nổ”, sự đổ vỡ có thể bao trùm lên toàn bộ hệ thống tài chính và nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua do điều hành vĩ mô khoa học, chủ động, tích cực.

Và hiệu quả đang còn ở phía trước

Ngay từ cuối năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã thực sự quyết liệt, mạnh dạn công khai thông tin về thực trạng tình hình để xác định nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách xuyên suốt của toàn ngành là phải tập trung tái cơ cấu toàn diện lại hệ thống các ngân hàng thương mại, kể cả các tổ chức tín dụng nhỏ, đồng thời thiết lập một trật tự kỷ cương mới trong quản lý và điều hành thị trường tiền tệ. Đó là một quyết định đúng vào thời điểm quan trọng, nên đã tránh được hiểm họa đổ vỡ cho nền kinh tế.

Theo lẽ thường, bất cứ cuộc cải cách nào cũng phải trả giá. Những năm trước đây khi cơ cấu lại kinh tế hợp tác xã theo mô hình mới chúng ta cũng phải mất đi nhiều tài sản như: nhà kho, sân phơi, hệ thống chuồng trại chăn nuôi tập thể, những khoản nợ vay ngân hàng về sức kéo, thủy lợi, chi phí con giống, phân bón… đều khoanh nợ lại và cuối cùng phải xóa nợ; sự đổ vỡ mô hình hợp tác xã tín dụng trước đây cũng phải hàng chục năm sau mới giải quyết xong tiền gửi của dân và các khoản nợ xấu. Để cứu khu vực tài chính thông qua chương trình Trouled Relief, Mỹ cũng phải mất 431 tỷ USD; để cứu thị trường Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã phải bơm ra thị trường 03 gói giải cứu bằng công cụ tiền tệ (QE) với 4,5 nghìn tỷ USD. Thái Lan năm 1997 cũng phải bỏ ra tới 17,75 tỷ USD để cứu khu vực tài chính, sau đó thu lại được thông qua việc bán nợ chỉ được 28%, số còn lại phải chịu thiệt tới 12,7 tỷ USD. Trong bối cảnh của Việt Nam, khi nguồn lực hết sức khó khăn, với yêu cầu không để xảy ra đỗ vỡ, bảo đảm sự ổn định để từng bước khắc phục luôn là nhiệm vụ quan trọng được Ngân hàng Nhà nước quán triệt, từ đó đề xuất những nội dung tái cơ cấu với một lộ trình, bao hàm trong đó tầm nhìn chiến lược, quyết tâm chính trị và các giải pháp khôn ngoan để hạn chế thấp nhất những tổn thất, nhất là những nguồn lực của Nhà nước và lợi ích của người dân.

Tuy nhiên, chúng ta không chấp nhận những tổn thất về mặt tài chính thì cũng buộc phải chấp nhận những tổn thất về mặt thời gian, tức là phải từng bước cơ cấu lại, với phương châm ổn định, vững chắc và hiệu quả. Chúng ta không dùng nguồn tiền ngân sách để xử lý nợ xấu như các nước, mà đòi hỏi các ngân hàng thương mại phải tự giải quyết bằng việc trích lập dự phòng rủi ro trong 05 năm cho các khoản nợ đó. Nguồn lực tự trích lập rủi ro từ hệ thống ngân hàng, ngay một lúc không có được mà cần phải có thời gian để tích lũy. Đây chính là giải pháp mà Việt Nam lựa chọn.

Cho đến nay, thực tiễn đã chứng minh đây là một hướng đi đúng, phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam và sự trả giá cho quá trình tái cơ cấu là có thể chấp nhận được, nằm trong khả năng chịu đựng của nền kinh tế, của các ngân hàng thương mại và trong tầm kiểm soát vĩ mô của Nhà nước. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được đặt trong quan hệ tổng thể với cả 03 trụ cột (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng) trong tổng thể nền kinh tế với 04 khu vực có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau (khu vực sản xuất thực, khu vực chính phủ, khu vực đối ngoại và khu vực tài chính, ngân hàng), và phải phải bảo đảm đồng bộ giữa 04 tài khoản quốc gia: (GDP thực, ngân sách, cán cân thanh toán và cân đối tiền tệ).

Đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng là những chủ thể của nền kinh tế, có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng, khách quan theo các quy luật vận động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thế, tái cơ cấu đầu tư công là thuộc khu vực chính phủ, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là thuộc khu vực sản xuất thực, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thuộc khu vực tài chính. Đó là sự ràng buộc và phụ thuộc vào nhau rất chặt chẽ trong quá trình vận động. Trong mối quan hệ đan xen đó, việc đi trước, đi sau; nhanh hơn hay chậm hơn là nghệ thuật của sự điều hành, nhưng quan trọng nhất là phải bảo đảm “sự tổng thể, đồng bộ và nhất quán”. Sự lệch pha trong việc đưa ra quyết định, chính sách sẽ tác động không nhỏ lên tổng thể cân đối chung của nền kinh tế. Bài học đắt giá về cách điều hành giá dịch vụ y tế hồi tháng 9-2012 do thiếu sự phối hợp đã đẩy CPI lên cao sau đó buộc phải điều chỉnh đã nói lên điều đó.

Thành quả bước đầu trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế mà chúng ta đang làm đã và đang tạo tiền đề quan trọng cho bước đi tiếp theo. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Lĩnh vực đầu tư công được quản lý chặt chẽ, Luật Đầu tư công đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ năm 2014; Luật Đấu thầu cũng đã có hiệu lực và được thế giới đánh giá cao; quản lý trần nợ công được Quốc hội giám sát và Chính phủ điều hành chặt chẽ. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được triển khai quyết liệt, thoái vốn đầu tư ngoài ngành được triển khai đồng bộ… Như vậy, thành quả bước đầu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng là rất quan trọng. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia thì hiệu quả thực sự vẫn còn đang ở phía trước. Vì vậy, chúng ta không chủ quan vì công cuộc tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung vẫn đang cần những quyết sách đột phá, sáng tạo, toàn diện có chiều sâu để có thể đạt được những yêu cầu như trong nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra./.