Tỉnh táo chọn cách cứu doanh nghiệp

PV.

Không thể chậm trễ hơn trong quyết định lựa chọn nhóm giải pháp chính sách tổng thể từ Chính phủ và có địa chỉ rõ ràng để cứu doanh nghiệp.

Sự đuối sức trong hoạt động của doanh nghiệp hiện rõ trên các bảng báo cáo tài chính quý I/2012 đang được công bố, với phần lợi nhuận âm ngày càng lớn. Tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm ở mức âm, trong đó dư nợ mới giảm mạnh, cho thấy, không chỉ nhu cầu, mà cả điều kiện để vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp cũng đã giảm mạnh. Với thực tế có tới 80% vốn hoạt động của doanh nghiệp dựa vào nguồn vốn ngân hàng, thì dường như, mọi hoạt động của doanh nghiệp đang dần đóng băng.

Không chỉ doanh nghiệp nhỏ yếu sức, nhiều đại gia cũng đang dần gục ngã trên đống hàng tồn kho chưa thấy cửa ra. Tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau, tín dụng đen tràn lan... báo trước những hiểm họa khôn lường về hiệu ứng đôminô, nếu không có sự kiểm soát và giải cứu kịp thời từ Chính phủ.

Hàng loạt đề xuất phương án giải cứu đã và đang được thực hiện. Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện đúng lộ trình về giảm lãi suất huy động, với cam kết sẽ đưa trần lãi suất huy động về 10%. Bộ Tài chính đang đề xuất tiếp phương án giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, sau khi đã thực hiện giải pháp này cho năm tài chính 2011…

Tuy nhiên, cùng với đó, những thông tin về tăng giá điện, giá xăng, thực hiện lộ trình về tăng lương tối thiểu cũng đồng thời được đưa ra. Đó là chưa kể hàng loạt đề nghị về bổ sung, tăng các loại phí mà nhiều bộ, ngành đưa ra ngay trong lúc cả nền kinh tế, các doanh nghiệp phải xoay vần với tốc độ gia tăng của chi phí đầu vào và sự thu hẹp của thị trường đầu ra sau những tác động của các chính sách kiểm soát lạm phát… Dường như hiệu quả của các giải pháp giãn, giảm thuế hay nỗ lực giảm trần lãi suất huy động để kéo mặt bằng lãi suất cho vay khó phát huy khi các thông điệp chính sách không được phát đi rõ ràng.

Sự thống nhất về mục tiêu và tính tổng thể trong điều hành chính sách một lần nữa lại được đặt ra, bởi sẽ không thể chờ đợi một liều thuốc thần tiên cứu được toàn bộ hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang cần phao cứu trợ sau khi đã nỗ lực hết cách để tự cứu mình.

Câu hỏi là, những cái phao cứu trợ ấy sẽ được dành cho những doanh nghiệp nào, theo những tiêu chí nào, để đảm bảo quy luật sàng lọc doanh nghiệp năng lực yếu kém của thị trường không bị can thiệp quá tay.

Đang có quan điểm cần lựa chọn những doanh nghiệp đầu tàu, năng lực cạnh tranh tốt trong các nhóm ngành, lĩnh vực, dựa trên phân loại của các hiệp hội và sự đánh giá của các ngân hàng để tiến hành các gói giải cứu. Mục tiêu được xác định là sự chuyển động tích cực của các doanh nghiệp này sẽ đủ sức kéo theo dòng chuyển của sản xuất, mở dần sức mua cho thị trường hàng hoá. Hơn thế, cùng với đề xuất về một gói kích cầu tiêu dùng cho sản xuất, các doanh nghiệp này sẽ là đầu kéo cho nền kinh tế khi khủng hoảng chấm dứt.

Tuy nhiên, với 96% doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực đang đi đầu trong tạo việc làm, nên không ít người coi trọng tâm cứu trợ phải là khu vực doanh nghiệp này.

Thử nhìn lại nhóm tiêu chí mà Chính phủ Mỹ đã đưa ra khi chọn đối tượng hỗ trợ cho một phần trong gói cứu trợ kinh tế lên tới 850 tỷ USD vào cuối năm 2008. Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng, song đối tượng và đánh giá tác động mà gói hỗ trợ này đưa ra có thể là một phương án cần được nghiên cứu. Khi đó, việc giải ngân dòng tiền hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ Mỹ căn cứ trên quy mô doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng đến nền kinh tế và hệ thống tài chính. Chính nhờ gói cứu trợ này, General Motors, từ điểm “phá sản hụt” vào năm 2008-2009, mới đây đã tuyên bố chính thức giành lại danh hiệu là hãng xe bán số 1 thế giới từ tay Toyota. Chrysler cũng tưng bừng ăn mừng thắng lợi khi doanh số bán hàng tăng tới 44% so với cùng kỳ năm 2011.

Tất nhiên, những gói cứu trợ doanh nghiệp luôn có hai mặt của nó, đáng lo nhất là những tác động bất thường ảnh hưởng tới sự phục hồi lành mạnh của thị trường cũng như khả năng phát sinh lợi ích nhóm. Song, đúng như các chuyên gia kinh tế đang khuyến cáo, trong bối cảnh kinh tế không bình thường, Chính phủ phải sẵn sàng đặt ra những giải pháp bất thường với sự tỉnh táo và cân nhắc rõ lợi ích và chi phí. Đồng thời, cũng cần kêu gọi sự chia sẻ và đồng hành của doanh nghiệp và ngân hàng.