Toàn cầu hóa và nỗi lo về sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ

ThS. Bùi Ngọc Sơn - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

2017 được xem là năm trỗi dậy của làn sóng bảo hộ thương mại, thể hiện ở việc nước Anh rời khỏi liên minh châu Âu, Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và hàng loạt biện pháp bảo hộ hàng hóa của các nước được triển khai áp dụng mạnh mẽ. Sau gần 40 năm từ thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Magaret Thatcher phát động từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ trong thập kỷ 1980, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng quay trở lại. Phân tích những dấu hiệu về sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, bài viết đưa ra quan điểm đánh giá khác về thương mại toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ

Hiểu theo nghĩa rộng, toàn cầu hóa có lịch sử từ lâu đời khi mà các giao dịch kinh tế, di cư, chính trị, văn hóa… giữa các nước xuất hiện. Toàn cầu hóa bao hàm các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và nhiều khía cạnh khác. Trong phạm vi bài viết, tập trung vào quá trình toàn cầu hóa về kinh tế mà Tổng thống Hoa Kỳ Reagan cổ vũ các nước từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ, mở cửa nền kinh tế, thúc đẩy các hoạt động giao lưu thương mại, đầu tư, di cư lao động phát triển. Mục đích cuối cùng của toàn cầu hóa là thiết lập các thị trường tự do trên toàn cầu.

Lĩnh vực khởi đầu của toàn cầu hóa chính là tự do thương mại thông qua việc giảm dần và tiến tới loại bỏ các rào cản như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, trợ cấp... Tự do thương mại sẽ thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, làm cho các công ty cạnh tranh hơn và giá cả thấp hơn cho người tiêu dùng. Những người ủng hộ toàn cầu hóa lập luận rằng, toàn cầu hóa sẽ đem lại việc làm, giảm đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển trên quy mô toàn cầu, làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. 

Trong khi đó, ở trường hợp chủ nghĩa bảo hộ, một quốc gia thường áp dụng các biện pháp hay rào cản kỹ thuật nhằm cản trở các công ty nước ngoài cạnh tranh với các lĩnh vực non trẻ trong nước. Điều này tạo cơ hội cho các công ty trong nước có thời gian phát triển năng lực cạnh tranh toàn cầu của mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các công ty trong nước chỉ có thể phát triển năng lực cạnh tranh toàn cầu khi các công ty này buộc phải cạnh tranh trên toàn cầu, chứ chưa hẳn là nhờ vào sự bảo hộ.

Do vậy, về lâu dài, chính chủ nghĩa bảo hộ đã làm suy yếu nền công nghiệp trong nước. Năng lực cạnh tranh yếu kéo dài, chi phí cao, giá cả đắt đỏ hơn so với các đối thủ bên ngoài, không có khả năng đáp ứng và theo kịp các tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu. Nói cách khác, bảo hộ trong nước chỉ có tác dụng trong ngắn hạn và trong một phạm vi nhất định.

Sự trỗi dậy của trào lưu chủ nghĩa bảo hộ

Trào lưu chống lại toàn cầu hóa xuất phát từ những mặt tiêu cực của toàn cầu hóa. Chẳng hạn, toàn cầu hóa giúp tầng lớp trung lưu ở các nước phát triển có điều kiện trở nên giàu có hơn, vì họ có vốn đầu tư và kiến thức từ đó có điều kiện vươn ra bên ngoài kiếm thêm nhiều lợi ích từ thị trường toàn cầu.

Trong khi đó, tầng lớp thấp hơn lại bị bỏ rơi trong nước vì thiếu việc làm, thu nhập ít hơn. Hay do toàn cầu hóa nhiều lĩnh vực truyền thống phải đối mặt với cạnh tranh từ bên ngoài và có nguy cơ thua thiệt trong kinh doanh. Những nhóm hay lĩnh vực trước đây được nhà nước bảo hộ, trợ cấp nay phải tự lo và đối mặt với sự canh tranh từ bên ngoài, phần lớn trong số đó là cầm chắc phần thua.

Toàn cầu hóa và nỗi lo về sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ - Ảnh 1

Chuyển giao công nghệ là một nội dung quan trọng của toàn cầu hóa kinh tế. Đây cũng là con đường mà các nước phát triển áp dụng đối với các nền kinh tế đang phát triển hiện nay. Việc đánh cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ lại trở thành vấn đề để các nước đặc biệt quan tâm bởi nó đã gây thiệt hại không nhỏ cho các nước phát triển.

Quan trọng hơn, khi có được công nghệ các nước kém phát triển quay trở lại cạnh tranh với các nước phát triển, gây áp lực cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại và quan hệ kinh tế quốc tế. Trào lưu này lớn dần và trở thành lực lượng không nhỏ muốn chống lại toàn cầu hóa.

Chính sách thương mại của Donald Trump

Khi ra tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump xoáy sâu vào mặt tiêu cực của toàn cầu hóa. Donald Trump cho rằng, nước Hoa Kỳ đã bị hạ thấp và bị coi thường khi phải tự loại bỏ bớt những tiêu chuẩn cao của mình để hòa nhập với các đối tác khác; Hoa Kỳ bị “chảy máu” nguồn vốn và bị mất việc làm ra bên ngoài, thâm hụt mậu dịch, trong khi nước khác thì thặng dư do được hưởng lợi từ thương mại (tiêu chuẩn thấp hơn khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ).

Tầng lớp người thu nhập thấp không có điều kiện vươn ra bên ngoài trong quá trình toàn cầu hóa và những nhóm bị hại do phải cạnh tranh với bên ngoài là nguồn cử tri lớn cho Donald Trump. Đó là một lý do quan trọng giúp ông thắng cử.

Sau khi đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thực thi chính sách dứt khoát từ bỏ “lối chơi đa phương” và thay vào đó là “lối chơi song phương” với từng đối tác. Quan trọng hơn, Donald Trump còn có ý định ban hành các chính sách và biện pháp nhằm cân bằng thương mại, chấm dứt tình trạng thâm hụt ngân sách. Các biện pháp, chính sách này bao gồm nâng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ các nước có thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ, mà Trung Quốc là tâm điểm (Hoa Kỳ đe dọa sẽ áp dụng đánh thuế tới 45% vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc). 

Thậm chí, Hoa Kỳ còn dự định áp dụng thuế biên giới nhằm giảm thâm hụt mậu dịch. Thuế biên giới còn được gọi là thuế đánh theo nơi đến bởi vì mức thuế được quyết định dựa vào nơi mà hàng hóa hay dịch vụ được bán. Hiện tại, các công ty kinh doanh bị đánh thuế lợi nhuận bất kể là hàng hóa và dịch vụ của họ bán ở đâu.

Còn theo loại thuế biên giới với mức điều chỉnh lên tới 20% như dự định chẳng hạn một công ty nhập khẩu hàng hóa có thể sẽ phải chịu mức thuế bán hàng ở Hoa Kỳ lên tới 20%, nhưng một công ty xuất khẩu của Hoa Kỳ có thể được miễn trừ không bị thuế. Như vậy, một doanh nghiệp sản xuất và bán hàng duy nhất tại Hoa Kỳ thì có thể giảm được mức thuế bị thu, vì sẽ được khấu trừ chi phí lao động nội địa Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, thuế biên giới là loại thuế rất phức tạp ít có tác dụng làm giảm thâm hụt. Đồng thời, các hãng bán lẻ của Hoa Kỳ sẽ phải chịu sẽ thiệt thòi khi mà hàng hóa bán ở Hoa Kỳ đều là hàng nhập khẩu, nói cách khác, sắc thuế này chưa có lợi đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, thuế biên giới có thể gây nên những phản ứng tương tự từ các đối tác kinh tế, thậm chí có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại. Do đó, loại thuế biên giới đã được loại bỏ trong chương trình cải cách thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Toàn cầu hóa và nỗi lo về sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ - Ảnh 2

Với chính sách thương mại song phương thay vì đa phương, Donald Trump thực chất muốn phát huy ưu thế của Hoa Kỳ về công nghệ, tài chính - tiền tệ, quy mô thị trường… trong các đàm phán thương mại song phương với từng đối tác vì các nước cần Hoa Kỳ hơn là nước này cần các nước (chứ không phải là nhằm bảo vệ công nghiệp trong nước như lập luận làm cơ sở của chủ nghĩa bảo hộ truyền thống).

Nghĩa là, Tổng thống Donald Trump muốn có sự công bằng thực sự với các đối tác thương mại chứ không phải chịu thiệt khi phải từ bỏ lợi thế của mình trong giao thương quốc tế và cũng không hề có ý định tạo biệt lập giữa nền kinh tế này và phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu. 

Việc Donald Trump ngăn các công ty Hoa Kỳ đầu tư ra nước ngoài nhằm duy trì việc làm cho người dân nước này nhưng cũng chỉ duy trì ở mức độ hợp lý chứ không phải hoàn toàn cấm đầu tư ra nước ngoài.

Tóm lại, chính sách thương mại của chính quyền Trump không phải là chủ nghĩa bảo hộ. Bản thân Donald Trump là một nhà kinh doanh toàn cầu nên ông hiểu rõ nền sản xuất hiện nay của Hoa Kỳ là nền sản xuất được tổ chức và phân bố theo chuỗi giá trị trên toàn cầu. Lợi thế cạnh tranh của các công ty nước này tùy thuộc vào sự phân bố chuỗi, nên việc quay trở lại trong nước và cắt đứt thương mại với bên ngoài là không thể.

Brexit và các lực lượng dân tộc chủ nghĩa khác ở châu Âu

Khi nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nhiều ý kiến lo ngại rằng, chủ nghĩa biệt lập và bảo hộ có nguy cơ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trong quá trình đàm phán về Brexit lại cho thấy lo ngại này là thiếu cơ sở.

Số liệu thống kê cho thấy, những người bỏ phiếu tán thành Brexit là những người nhiều tuổi, học vấn không cao (không bằng cấp), người da trắng bản địa. Điều này khá giống với trường hợp Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ. Những người bỏ phiếu cho Brexit và những người bỏ phiếu cho Donald Trump là những nhóm người ít có cơ hội tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và bị thiệt vì quá trình này.

Tuy nhiên, với hiện tượng Brexit thì về cơ bản, sự bất bình của một nhóm người đối với EU là vấn đề chủ quyền và vấn đề quản trị thay vì các vấn đề liên kết và giao lưu kinh tế, thương mại. Nhiều người trong số họ ngay sau khi bỏ phiếu ủng hộ Brexit mới nhận ra rằng, các quyền lợi kinh tế mà họ được hưởng nhờ liên kết kinh tế với EU có thể bị tổn hại.

Hơn nữa, quá trình đàm phán Brexit còn cho thấy, nước Anh muốn duy trì các quan hệ liên kết kinh tế với EU. Bộ trưởng Thương mại Anh cho biết, nước Anh thực sự mong muốn có quan hệ thương mại với EU giống hệt như một thành viên của EU như hiện nay. Như vậy, có thể nói không hề có vấn đề chủ nghĩa bảo hộ thương mại và công nghiệp trong sự kiện Brexit.

Ngoài hiện tượng Brexit diễn ra ở châu Âu, năm 2017 còn chứng kiến sự trỗi dậy của các trào lưu tương tự ở Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, và ngay cả ở Đức. Tuy nhiên, các vấn đề chủ yếu là các vấn đề về nhập cư, quản trị và chủ quyền, chứ không phải là các vấn đề về liên kết kinh tế, thương mại. Hơn nữa, chính từ kinh nghiệm Anh rời khỏi EU, từ sự thắng thế của lực lượng ủng hộ toàn cầu hóa ở Pháp và Đức, thì dù có các trào lưu dân tộc chủ nghĩa, ly khai ở châu Âu thì cũng không thể gây ra chủ nghĩa bảo hộ.

Nguyên nhân là do kinh tế thế giới hiện nay đã có một nền tảng hoàn toàn khác so với vài thập kỷ trước. Nền sản xuất toàn cầu hiện nay là nền sản xuất dựa trên chuỗi giá trị gia tăng. Nhiều sản phẩm hiện nay có các thành phần được sản xuất từ bên ngoài. Sự phát triển ngành Logistics, vận chuyển và công nghệ thông tin làm cho chi phí của nhiều sản phẩm bộ phận được sản xuất ở bên ngoài còn rẻ hơn cả ở trong nước. Đây là lý do chuỗi sản xuất hình thành, các khâu sản suất được phân bố ở những nơi có chi phí thấp. Bên cạnh đó, trong thời đại internet kết nối toàn cầu, việc quay lại bảo hộ theo kiểu biệt lập là không thể.

2017- năm bùng nổ thương mại toàn cầu

Vượt qua những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ, thương mại toàn cầu đã có một năm bùng nổ. Báo cáo ngày 21/9/2017 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho biết, nhờ nhu cầu nhập khẩu ở châu Á và Bắc Mỹ tăng nhanh, thương mại thế giới tăng trưởng ấn tượng trong năm 2017 với mức tăng khoảng 3,6%, tăng 2,3% so với mức tăng chỉ 1,3% trong năm 2016. Còn theo báo cáo của IMF, mức tăng trưởng thương mại toàn cầu cả năm 2017 dự báo đạt khoảng 4,2%.

Như vậy, có thể coi năm 2017 là bằng chứng thực tế chứng minh nhận định không thể có sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ. Quá trình toàn cầu hóa kinh tế vẫn diễn ra, sự thay đổi nếu có chỉ là nổi lên của lối liên kết song phương bên cạnh đa phương; Nói cách khác, sự trở lại chủ nghĩa bảo hộ truyền thống là khó có thể diễn ra.     

Tài liệu tham khảo:

1. IMF, Báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới ngày 10/10/2017;

2. WTO, Báo cáo về tình hình thương mại thế giới năm 2017, ngày 21/9/2017;

3. https://globalmillennial.org/2017/05/29/protectionism-vs-globalization-policy-prevails/;

4. http://www.latimes.com/business/la-fi-tax-reform-border-20170727-story.html;

5. https://www.nytimes.com/2017/04/25/us/politics/orrin-hatch-trump-tax-cuts-deficit-economy.html;

6. http://money.cnn.com/2017/07/19/news/economy/carrier-layoffs-indiana/index.html.