Tồn tại độc quyền nhóm?

VIR

Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế năm 2012 đã chỉ ra được 6 lĩnh vực đang tồn tại độc quyền nhóm. Tuy nhiên, báo cáo vẫn chưa phân tích, làm sáng tỏ một số điều mà chuyên gia và doanh nghiệp (DN) quan tâm.

Tồn tại độc quyền nhóm?
Chống độc quyền nhóm, cấu kết thao túng thị trường là bài toán toàn cầu
Độc quyền nhóm chiếm thế thượng phong

Ô tô tải, kính xây dựng, bột giặt, giấy, dầu thực vật, phân phối dược phẩm, vận tải biển, bảo hiểm nhân thọ, quảng cáo và truyền hình trả tiền là 10 lĩnh vực lớn của nền kinh tế năm 2012 được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) nhắm tới để đánh giá về cạnh tranh. Đáng chú ý là, có tới 6 lĩnh vực, gồm bột giặt, dầu thực vật, ô tô tải, bảo hiểm phi nhân thọ và truyền hình trả tiền đang tồn tại độc quyền nhóm.

Theo Luật Cạnh tranh, tỷ lệ CR3 lớn hơn 65% (tức 3 DN lớn nhất nắm giữ trên 65% thị phần), thì được coi là vị trí thống lĩnh thị trường hay còn gọi là độc quyền nhóm.

Cụ thể, trong 5 lĩnh vực sản xuất được nghiên cứu, có tới 3 ngành là ô tô tải, bột giặt và dầu thực vật đều tồn tại cấu trúc này.

Ở 5 lĩnh vực dịch vụ nghiên cứu, có 2 lĩnh vực là bảo hiểm phi nhân thọ và truyền hình trả tiền có mức độ tập trung cao nhất. Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ có 3 DN dẫn đầu nắm giữ 76,7% thị phần; truyền hình trả tiền có 3 DN chiếm 65% thị phần.

Riêng ở lĩnh vực vận tải biển, mảng kinh doanh cảng biển có mức độ tập trung khá cao khi có 3 DN lớn nhất đã nắm trên 65% thị phần.

Bà Trần Phương Lan, Trưởng ban Giám sát và Quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh) nhận xét: “Việc một số ít DN dẫn đầu nắm giữ thị phần lớn sẽ dẫn tới nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, như lạm dụng vị trí thống lĩnh hay các thỏa thuận để hạn chế cạnh tranh. Biểu hiện rõ nét nhất là thao túng thị trường, lũng đoạn giá cả, gây thiệt hại cho các DN nhỏ và người tiêu dùng”.

Mặc dù vậy, báo cáo cũng khẳng định là các lĩnh vực sản xuất này vẫn chưa thấy xuất hiện hành vi hạn chế cạnh tranh. Trong khi đó, vấn đề này lại đang khá nhức nhối ở các ngành dịch vụ. Nổi lên thời gian qua là quảng cáo với nhiều dạng hành vi nói xấu nhau, cố tình đưa ra các chỉ dẫn gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng thương hiệu đối thủ. Liên quan tới vấn đề này, TS. Đinh Văn Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, đề nghị, Cục Quản lý cạnh tranh cần giám sát hành vi phản cạnh tranh kỹ hơn. “Trong thời gian qua, nhiều DN nhỏ có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhưng trong Báo cáo này đã không công bố danh tính những doanh nghiệp đó. Liệu việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với những DN này có quá khó hay không?”, ông Thành đặt câu hỏi.

Doanh nghiệp nội vẫn giữ chân phụ

Trong 10 lĩnh vực kinh doanh sôi động nêu trên, phần lớn DN trong nước mới chỉ lo được phần chi phí đầu tư sản xuất, còn chiến lược quảng cáo và hệ thống quản lý, kinh nghiệm, nguồn lực… vẫn còn yếu thế hơn các DN nước ngoài. Tình trạng trên buộc DN phải làm gia công, làm thầu phụ, vệ tinh, đại lý cho DN nước ngoài. Điển hình trong lĩnh vực quảng cáo, bảo hiểm phi nhân thọ, vận tải biển.

Theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, trong tổng số hơn 4.000 công ty đang cung cấp dịch vụ quảng cáo tại thị trường Việt Nam, chỉ có khoảng 50-100 công ty là hoạt động quảng cáo đúng nghĩa. Còn lại quy mô nhỏ, hoạt động gia công, cung ứng dịch vụ phụ trợ, sản xuất bảng biển. Điều đáng nói là, số lượng DN nước ngoài chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, với tên tuổi lớn như Saatchi & Saatchi, Leo Burnett…, nhưng lại nắm giữ đến 80% thị phần, chủ yếu loại hình quảng cáo truyền hình.

Vì vậy, nhóm chuyên gia trong lĩnh vực này kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh cần kiểm soát chặt các hoạt động mua bán – sáp nhập DN (M&A) được dự báo sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới. M&A sẽ giúp DN quảng cáo Việt Nam có cơ hội tham gia trực tiếp cung cấp dịch vụ quảng cáo, chứ không đơn thuần làm đại lý cấp II hoặc nhà thầu phụ cho các công ty quảng cáo nước ngoài như hiện nay.

Liên quan đến lĩnh vực vận tải biển, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế cho hay, nước ta đã có chiến lược phát triển kinh tế biển, trong đó lấy vận tải biển là ngành chủ đạo, nhưng thực tế doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm một phần rất nhỏ và chủ yếu làm đại lý cho các hãng tàu nước ngoài. Đây là câu hỏi đặt ra cho DN và cơ quan hoạch định chính sách.

“Báo cáo cần phân tích rõ vì sao lại có chuyện như vậy và ảnh hưởng như thế nào đến cạnh tranh. Đặc biệt, việc phân tích rõ vai trò của Nhà nước với tư cách là nhà đầu tư thông qua DN nhà nước để đầu tư trên thị trường cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác”, ông Huỳnh nói.

Bên cạnh đó, vai trò các hiệp hội, ngành hàng cũng hoạt động với chức năng, nhiệm vụ rất mờ nhạt. Trong khi đó, các hiệp hội DN nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam lên tiếng rất mạnh mẽ để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên.