Nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7:

Tôn trọng sự hy sinh để hướng tới tương lai tốt đẹp

Theo Baodautu.vn

Tôn trọng sự hy sinh xương máu của thế hệ đi trước và hướng tới tương lai là cốt lõi cho sự phát triển bền vững đất nước. Đây là khẳng định của ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khi trao đổi với phóng viên xung quanh nội dung về công tác người có công trong giai đoạn hiện nay.

 Tôn trọng sự hy sinh để hướng tới tương lai tốt đẹp  - Ảnh 1

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết kết quả thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công trong thời gian qua?

“Nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công phù hợp với lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu… có chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp đối với người có công và thân nhân về phát triển sản xuất, việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhất là y tế, giáo dục - đào tạo…” là một trong những nội dung cụ thể được đề cập trong Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề chính sách xã hội trong giai đoạn 2012-2015 và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng.

Từ ngày 1/9/2012, nước ta đã triển khai chế độ cho người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81% trở lên và chế độ trợ cấp hàng tháng cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày.

Diện người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi ở nước ta có gần 1,5 triệu người. Nguồn kinh phí theo báo cáo năm 2015 là 38.000 tỷ đồng.

Mặc dù công tác người có công đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng việc khá nhiều đối tượng hưởng chính sách không đúng đang làm ảnh hưởng tới ý nghĩa của công tác này, thưa ông?

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có tiêu chí xác định người bị nhiễm chất độc hóa học (nạn nhân chất độc hóa học). Chính sách đối với người có công với Cách mạng còn từng bước phải hoàn thiện khi xác nhận thương binh, liệt sĩ, người có công khác khi họ không còn giấy tờ, căn cứ xác nhận.

Liên bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quốc phòng đã có Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, nhưng trong xã hội vẫn còn một bộ phận có công thật sự nhưng hiện không con giấy tờ, căn cứ chứng minh… là thách thức lớn nhất.

Từ năm 2008 đến hết 2013, qua thanh tra, đã phát hiện và đình chỉ trợ cấp với 7.085 đối tượng, do không đủ điều kiện hưởng, thu hồi gần 76 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước. 6 tháng đầu năm 2015, các đoàn kiểm tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Y tế kiểm tra xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học ở 7 tỉnh, thành phố và đã yêu cầu dừng chế độ của hàng trăm trường hợp kết luận sai và chấn chỉnh công tác xác nhận ở các địa phương…

Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tích cực phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan triển khai tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Kết quả rà soát hồ sơ người có công phát hiện 2.901 trường hợp hưởng sai chính sách, phát hiện 331 hồ sơ giả mạo hoàn toàn. Do đó, khi thực hiện công tác người có công cần bổ sung những quy định về việc xử lý, xác nhận người có công sai hoặc chưa đúng, chưa đủ theo quy định của pháp luật.

Chính sách xã hội hóa được xem là chìa khóa giúp giảm gánh nặng ngân sách nhà nước và tăng nguồn lực cho các hoạt động với người có công. Chính sách này được thực hiện thế nào?

Năm 2015, chúng ta đã huy động hơn 1.000 tỷ đồng cho công tác điều dưỡng người có công. Về giáo dục - đào tạo, Nhà nước đã ban hành chế độ miễn giảm học phí, trợ cấp mỗi năm một lần mua sách vở, đồ dùng học tập, trợ cấp hàng tháng nếu con em người có công học nghề, học đại học. Hiện có gần 300.000 con của nggười có công được hưởng chế độ ưu đãi khi theo học tại trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, nguồn tài chính đảm bảo trên 200 tỷ đồng mỗi năm.

Cả nước có 3.000 nghĩa trang liệt sỹ, địa phương nào cũng có các công trình ghi công để tôn vinh, biết ơn các anh hùng liệt sỹ. Đây là những công trình ghi công có giá trị lịch sử, văn hóa. Mỗi năm, có hàng ngàn tỷ đồng được huy động từ Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp, từ các chương trình tình nghĩa để xây dựng, cải tạo, bảo tồn các công trình ghi công.

Theo ông, ý nghĩa của công tác với người có công được mở rộng thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhiều chương trình hạng mục phải đầu tư cho xây dựng, phát triển, nhưng Đảng, Chính phủ vẫn ưu tiên nguồn ngân sách lớn, bảo đảm cho ưu đãi xã hội, đặc biệt là trợ cấp ưu đãi. Năm 2015, nguồn ngân sách chi cho ưu đãi xã hội gần 40.000 tỷ đồng (bằng số thu ngân sách một năm của hàng chục tỉnh, thành phố). Đời sống của người có công ngày một nâng cao, 98% số gia đình chính sách có mức sống bằng, hoặc cao hơn mức sống trung bình ở địa phương.

Ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, là đạo nghĩa dân tộc, là sự tôn trọng, tôn vinh lịch sử thấm đẫm mồ hôi, máu nước mắt của bao thế hệ Việt Nam cống hiến hy sinh vì sự trường tồn và phát triển của Việt Nam. Tôn trọng sự hy sinh để hướng tới tương lai là khởi nguồn cho nước Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.