Nhìn lại chỉ số phát triển kinh tế giai đoạn 2011 – 2013

Ngay năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII là: “Tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; tiếp tục củng cố quốc phòng; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”.

Nghị quyết số 02/2011/NQ-CP của Chính phủ ngày 09/01/2011 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (ngân sách nhà nước) năm 2011, đã thể hiện sự quyết tâm cao của Chính phủ thực hiện vượt mức các chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra. Tuy nhiên, đầu năm 2011, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp: lạm phát tăng, giá dầu thô, giá nguyên vật liệu cơ bản đầu vào của sản xuất, giá lương thực, thực phẩm và giá vàng trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng tăng cao đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế trong nước.

Trước tình hình đó, ngày 24/02/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP về các nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, các giải pháp trọng tâm là: (i) chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; (ii) chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; (iii) thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; (iv) điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; (v) tăng cường bảo đảm an sinh xã hội.

Nhờ những điều chỉnh chính sách kịp thời của Chính phủ theo hướng tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế đã có những chuyển biến theo hướng ổn định hơn nhưng nhìn chung vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tuy lạm phát có xu hướng giảm trong nửa cuối của năm 2011 nhưng tính chung cả năm vẫn cao khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 18,13%, cao hơn mục tiêu cuối năm đề ra là 18%.

Vốn đầu tư xã hội/GDP năm 2011 đạt 33,3% thấp hơn kế hoạch đã đặt ra 40% là nguyên nhân góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm. Cùng với đó, lãi suất chưa giảm nhiều; nhu cầu ngoại tệ và sức ép tỷ giá cuối năm còn lớn; nhiều doanh nghiệp (DN) còn rất khó khăn... Hệ quả là mức tăng trưởng kinh tế của cả năm 2011 chỉ đạt 5,89%, thấp hơn so với chỉ tiêu điều hành là 6%.

Bước sang năm 2012, kinh tế - tài chính của Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn của kinh tế thế giới, do khủng hoảng tài chính và nợ công ở châu Âu chưa được giải quyết. Suy thoái tại khu vực đồng Euro cùng với khủng hoảng tín dụng và tình trạng thất nghiệp gia tăng, khiến cho hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu bị tác động mạnh, giá cả hàng hóa diễn biến phức tạp.

Những bất lợi từ sự sụt giảm của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống dân cư trong nước. Thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, hàng tồn kho ở mức cao, sức mua trong dân giảm. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng ở mức đáng lo ngại. Nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động hoặc giải thể.

Trước bối cảnh đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 với mục tiêu là: “Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế”.

Mục tiêu đề ra trong năm 2012 đã đi đúng hướng theo mục tiêu kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2015. Theo đó, chúng ta sẵn sàng chấp nhận hy sinh tăng trưởng “duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý” để đổi lấy là “ổn định kinh tế vĩ mô”, từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Giai đoạn này có nhiều quan điểm khác nhau về cách điều hành nền kinh tế của Chính phủ. Có ý kiến cho rằng, Chính phủ đã kiên định chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm tạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Cũng có ý kiến khác cho rằng, giai đoạn này, do tổng cầu của nền kinh tế suy giảm ở cả trong và ngoài nước, hàng tồn kho của các DN bắt đầu gia tăng làm giảm nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh. Nợ xấu bắt đầu lộ ra là những “khối u” ngăn chặn dòng chảy tiền tệ.

Vì vậy, nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế không cao mà chủ yếu là nhu cầu vay để đảo nợ. Tình trạng phổ biến là những DN đủ điều kiện vay vốn thì không muốn vay, do tổng cầu suy giảm, trong khi những DN cần vay vốn để đảo nợ lại không đủ điều kiện được vay. Nhóm ý kiến này cho rằng, đây là nguyên nhân làm cho tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng chậm và tín dụng tăng trưởng thấp chứ không hoàn toàn từ chính sách tiền tệ của Chính phủ.

Kết quả là nhiều DN gặp khó khăn dẫn đến phá sản hoặc tạm dừng, thu hẹp sản xuất, công ăn việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng. Số lượng DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động năm 2012 là 54.261. Để ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho các DN, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/05/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Những giải pháp này tập trung vào miễn, giảm, gia hạn nộp thuế cho các DN nhằm giúp DN vượt qua khó khăn. Với việc ban hành, triển khai thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ kịp thời đã giúp kiểm soát được CPI của năm 2012 tăng 6,81%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,13% năm 2011 và 11,75% năm 2010; lãi suất ngân hàng giảm dần. Tăng trưởng trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt cao hơn so với kế hoạch. Điểm nổi bật là lần đầu tiên trong năm 2012 Việt Nam xuất siêu, đạt mức 780 triệu USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đây là kết quả không bền vững và chưa phải là xu thế chuyển đổi. Nguyên nhân xuất siêu là do nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm khiến nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng cũng như tư liệu sản xuất giảm. Tốc độ tăng nhập khẩu trong năm 2012 chỉ dừng lại ở mức 6,6% (chỉ số giá nhập khẩu giảm 0,33%), so với tốc độ tăng 25,83% của năm 2011. Trong khi đó, xuất khẩu tăng chủ yếu do sự gia tăng đột biến của mặt hàng điện thoại, máy vi tính và linh kiện (chủ yếu từ nhà sản xuất Samsung) đã khiến tốc độ tăng xuất khẩu của năm 2012 duy trì ở mức 18,2% bất chấp chỉ số giá xuất khẩu trong năm giảm 0,54%.

Mặc dù đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống mức “hợp lý” 6% nhưng tăng trưởng kinh tế cả năm 2012 chỉ đạt 5,03%. Tổng phương tiện thanh toán tăng 22,4% trong khi dư nợ tín dụng cả năm chỉ tăng 8,91%. Chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng; Tồn kho bất động sản và nợ xấu vẫn ở mức cao; Khu vực DN, động lực chính tạo ra của cải, vật chất, việc làm gặp nhiều khó khăn; Áp lực lạm phát và nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô còn lớn; Lãi suất, nợ xấu vẫn còn cao; Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Đời sống của người dân, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động có thu nhập thấp vẫn còn khó khăn. Tình hình kinh tế dự báo vẫn còn nhiều thách thức. Nhận thức rõ được những khó khăn tiềm ẩn, năm 2013, Chính phủ đã trình Quốc hội và ban hành Nghịquyết số31/2012/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, với mục tiêu tổng quát là: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo”.

Trước tình trạng các DN tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ngày 07/01/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Các giải pháp này bao gồm: (i) gia hạn nộp thuế thu nhập DN (TNDN): gia hạn 6 tháng đối với số thuế TNDN phải nộp trong quý I/2013 và 3 tháng đối với số thuế TNDN phải nộp trong quý II và quý III/2013; (ii) gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT): 6 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp trong quý I/2013.

Các giải pháp khuyến khích về thuế này áp dụng cho DN vừa và nhỏ; DN sử dụng nhiều lao động trong một số lĩnh vực; DN bán, cho thuê tài chính nhà ở và DN sản xuất sắt, thép, xi măng, vật liệu xây dựng. Theo ước tính của Chính phủ, tổng số thuế gia hạn lên tới khoảng 9.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thủ tướng trình Quốc hội giảm thuế suất thuế TNDN xuống còn 20% đối với DN vừa và nhỏ và 10% đối với DN tham gia đầu tư, bán hoặc cho thuê nhà ở xã hội đối với những người có thu nhập thấp, bắt đầu từ ngày 01/07/2013. Các giải pháp này đã được Quốc hội thông qua và đã được triển khai với những kết quả bước đầu.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, đến tháng 11/2013 CPI tăng 5,5%. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 11/2013 đạt 9%. Mặt bằng lãi suất giảm, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7 - 9%/năm. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2013 ước đạt 121 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 39,9 tỷ USD, tăng 3,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 81,2 tỷ USD, tăng 23,5%.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2013 ước đạt 121,1 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 52,2 tỷ USD, tăng 6%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 68,9 tỷ USD, tăng 26%. Vốn FDI trong 11 tháng đầu năm nay vào Việt Nam cả đăng ký cấp mới và tăng thêm là 20,82 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều lĩnh vực chuyển biến, tăng trưởng còn chậm, chưa vững chắc, nhất là công nghiệp và nông nghiệp. Lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng nguy cơ tiềm ẩn còn cao. Sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, nợ xấu tuy đã giảm xuống so với trước nhưng vẫn còn ở mức cao. Tiêu thụ hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá giảm, sức mua giảm, chính sách bảo hộ thương mại của một số thị trường lớn...

Giải pháp phát triển kinh tế giai đoạn 2014 – 2015

Trong giai đoạn 2011 - 2013, trước những khó khăn, nền kinh tế của Việt Nam đã phải trả giá cho những yếu kém nội tại của chính nền kinh tế trong nước với mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, năng lực cạnh tranh thấp, năng lực điều hành của nền hành chính yếu, thể chế kinh tế không phát huy được hiệu quả của các nguồn lực. Để khắc phục được những hạn chế trên và giải quyết vấn đề ngắn hạn năm 2014 - 2015, chúng tôi xin kiến nghị một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Việt Nam cần kiên định và quyết tâm tiếp tục hy sinh tăng trưởng cho nền tảng năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh. Mục tiêu tăng trưởng GDP chỉ nên ở mức 5,5 - 6%, đổi lại là sự ổn định trong CPI dưới 7%, đặc biệt là sự chuẩn bị cho các năng lực sản xuất bao gồm nhân lực được đào tạo, khoa học và công nghệ, cơ sở hạ tầng…

Thứ hai, sự can thiệp của Nhà nước nên được thu hẹp trong các lĩnh vực không quan trọng. Nhà nước chỉ can thiệp chính sách vào thị trường khi thị trường không hiệu quả và không công bằng.

Nếu áp dụng giải pháp này, Việt Nam có thể tái cấu trúc thành công hệ thống DN nhà nước, hiện đang là gánh nặng của nền kinh tế với vỏ bọc thực hiện an sinh xã hội, ổn định kinh tế. Thu hẹp vai trò của Chính phủ còn có tác dụng giảm chi thường xuyên trong tổng chi từ ngân sách nhà nước. Nhờ đó, Việt Nam có thể có thêm vốn đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển hạ tầng.

Thứ ba, xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình. Thực tế, hiện nay, nền hành chính ở nước ta vẫn đang là rào cản lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Để khắc phục vấn đề này, cần công khai các khoản chi tiêu công và minh bạch các tiêu chí phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để giảm cơ chế xin – cho; Phát huy vai trò giám sát của Quốc hội và người dân.

Đồng thời, các cơ quan nhà nước phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình về việc sử dụng các nguồn lực công để hoạt động và thực hiện các chức năng của mình; Có cơ chế gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nếu sử dụng nguồn lực không hiệu quả, không đúng mục đích. Nếu thực hiện tốt, giải pháp này sẽ làm cho những người hoạch định chính sách, người sử dụng nguồn lực công có trách nhiệm hơn với quyết định của mình.

Tài liệu tham khảo:

1. Ngân hàng Thế giới (2013) Taking stock, An update on Vietnam’s recent economic developments;

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2013;

3. Phạm Thế Anh (2013) Kinh tế Việt Nam: Từ chính sách bình ổn tổng cầu sang chính sách trọng cung để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, Nhà xuất bản Tri thức;

4. Tô Trung Thành và Nguyễn Trí Dũng (2012) Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012: Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu, Nhà xuất bản Tri thức.

Tổng quan phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011 - 2013

TS. BÙI ĐỨC THỌ - Đại học Kinh tế Quốc dân

(Tài chính) Qua 3 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (2011 - 2015), Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định như duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức thấp. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều lĩnh vực chuyển biến chậm, chưa vững chắc, nhất là công nghiệp và nông nghiệp, do đó, Chính phủ đang nỗ lực quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế với nhiều giải pháp đồng bộ trong giai đoạn 2014 - 2015.

Xem thêm

Video nổi bật