Thực trạng thị trường tài chính Việt Nam

Trong những năm gần đây, khu vực tài chính (KVTC) đã phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt là các thị trường: (i) Hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và các tổ chức tài chính (TCTC); (ii) Thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu; (iii) Thị trường bảo hiểm.

Hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính

Hệ thống NHTM và các TCTC giữ vai trò quan trọng trong KVTC Việt Nam, vì đây là thị trường cung cấp vốn chủ yếu cho các doanh nghiệp (DN). Tốc độ tăng trưởng tín dụng ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, đang có 01 NHTM Nhà nước (Agribank), 04 ngân hàng TMCP Nhà nước chiếm cổ phần chi phối (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MHB); 34 ngân hàng TMCP; 01 Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương (TDND), 968 Quỹ TDND cơ sở, 2 TCTC vi mô; 04 ngân hàng liên doanh; 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 49 văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài; 18 công ty tài chính và 12 công ty cho thuê tài chính. Tính đến 31/12/2013, tổng tài sản của toàn hệ thống các TCTD đạt khoảng 5,75 triệu tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2012; Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 3,48 triệu tỷ đồng (khoảng 100% GDP), tăng 12,52% so với dư nợ tại thời điểm 31/12/2012.

Về lãi suất, từ năm 2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành để hạ mặt bằng lãi suất cho vay của NHTM và giúp các DN có thể tiếp cận vốn. Ở thời điểm hiện tại, trần lãi suất huy động vốn được quy định ở mức 6% đối với tiền gửi dưới 6 tháng. Theo đó, các mức lãi suất cho vay được thị trường điều chỉnh tương ứng ở mức khoảng 8,5-10% tùy theo đối tượng khách hàng.

Về điều hành tỷ giá và giá vàng, NHNN đã và đang thực hiện điều hành linh hoạt tỷ giá, đảm bảo tính ổn định và có dự báo trước đối với thị trường ngoại hối. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng hiện ở mức 21.246 VND/USD và tỷ giá mua bán VND/ USD tại các NHTM vào khoảng 21.300 - 21.360 VND/USD. Đối với nghiệp vụ quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngày 03/04/2012, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Theo đó, bắt đầu từ tháng 03/2013, NHNN đã tiến hành 76 phiên đấu thầu vàng với khối lượng chào bán là 1.932.000 lượng và trúng thầu là 1.819.900 lượng, giá trị khoảng 71,3 nghìn tỷ đồng. Cùng với việc thắt chặt tín dụng ngoại tệ, hoạt động đấu thầu và điều hành thị trường vàng đã có kết quả tích cực trong việc giảm đáng kể tình trạng vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế; Tạo điều kiện thuận lợi cho NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu duy trì ổn định giá trị tiền đồng và lạm phát.

Thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán (TTCK) chỉ mới hình thành và phát triển trong hơn một thập kỷ nhưng đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý, cơ cấu và quy mô thị trường khá đầy đủ, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Về khuôn khổ pháp lý, TTCK được điều chỉnh bởi Luật Chứng khoán năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán năm 2010; Nghị định số 58/2012/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn đối với các vấn đề của TTCK như niêm yết, giao dịch, công ty chứng khoán, quản lý quỹ, công bố thông tin, hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài.

Về quy mô, cơ cấu thị trường, TTCK hiện có 02 sàn giao dịch chứng khoán với 662 công ty niêm yết, 89 công ty chứng khoán còn hoạt động môi giới, 41 công ty quản lý quỹ và 21 quỹ đầu tư chứng khoán (trong đó có 11 quỹ mở, 8 quỹ thành viên, 20 văn phòng đại diện). Cơ sở các nhà đầu tư trên thị trường đã có sự cải thiện, số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt gần 1,4 triệu, trong đó, so với năm 2013, số lượng nhà đầu tư nước ngoài tăng 10%. Đặc biệt, là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tăng 55%.

Mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, song TTCK Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan. Tính đến tháng 6/2014, chỉ số VN-Index tăng 12,43% và HNX-Index tăng 12,68% so với cuối năm 2013;

Mức vốn hóa TTCK đạt khoảng 1.144 nghìn tỷ đồng, tương đương 31,9% GDP. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong 6 tháng đầu năm 2014 (tính đến hết ngày 30/6) đạt 4.752 tỷ đồng, tăng 76,71% so với bình quân cả năm 2013 vàtăng 56,28% so với bình quân 6 tháng đầu năm 2013. Trong đó, cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đạt khoảng 2.687 tỷ đồng, tăng 79,19% so với bình quân 6 tháng đầu năm 2013 và tăng 95,52% so với bình quân mỗi phiên cả năm 2013.

Về hoạt động huy động vốn, tổng vốn huy động qua TTCK từđầu năm đến ngày 17/6 đạt 127 nghìn tỷ đồng, giảm 2,64% so với 6 tháng đầu năm 2013, trong đó: Vốn huy động qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa (không tính phát hành riêng lẻ) ước đạt hơn 7.432 tỷ đồng, giảm 1,79% so với 6 tháng đầu năm 2013; Vốn huy động qua TPCP đạt 119 nghìn tỷ đồng, giảm 2,9% so với tháng trước.

Thị trường bảo hiểm

Năm 2014, mặc dù trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, sản xuất kinh doanh phục hồi chậm, thu nhập của người dân chưa được cải thiện, thiên tai diễn biến phức tạp, nhưng với sự tham gia thị trường của 45 DN, trong đó có 29 DN bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT), 16 DN bảo hiểm nhân thọ (BHNT), 8 DN môi giới bảo hiểm (MGBH) và2 DN tái bảo hiểm (TBH), thị trường bảo hiểm (TTBH) vẫn đạt được những kết quả tăng trưởng tích cực.

Về quy mô thị trường, tổng doanh thu phíbảo hiểm toàn thịtrường 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 24.129 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2013. Trong đó, doanh thu phí BHPNT ước đạt 11.052 tỷ đồng, tăng 19,5%; Doanh thu phí BHNT ước đạt 13.077 tỷ đồng, tăng 7,3%. Về chi trả quyền lợi bảo hiểm, tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền bảo hiểm ước khoảng 9.806 tỷ đồng. Trong đó, các DN BHPNT ước đạt 5.912 tỷ đồng, các DN BHNT ước đạt 3.894 tỷ đồng.

Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DN bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 116.318 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2012, trong đó, các DN BHPNT đạt khoảng 23.181 tỷ đồng, tăng 0.05%; Các DN BHNT đạt khoảng 93.137 tỷ đồng, tăng 16%. Tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu chính phủ (TPCP) đạt gần 50%, góp phần vào công tác huy động vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong năm 2013 - 2014, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành để hạ mặt bằng lãi suất cho vay của NHTM, giúp các DN tiếp cận vốn. Ở thời điểm hiện tại, trần lãi suất huy động vốn được quy định ở mức 6% đối với tiền gửi dưới 6 tháng. Theo đó, các mức lãi suất cho vay được thị trường điều chỉnh tương ứng ở mức khoảng 8,5-10% tùy theo đối tượng khách hàng.

Về kết quả hoạt động, trong năm 2013 đã có 14/29 DN BHPNT kinh doanh có lãi, 10/16 DN BHNT có lãi và có 9/11 DN MGBH có lãi; 4 DN BHPNT và TBH đã được tổ chức xếp hạng quốc tế A.M Best xếp hạng về năng lực tài chính, trong đó, 02 DN (Samsung Vina và Vinare) được xếp hạng B++; 02 DN (Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam và Công ty TBH PVI) được xếp hạng B+.

Giải pháp phát triển thị trường tài chính

Nối tiếp những kết quả trên, nhằm phát huy vai trò của TCTC trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp để phát triển KVTC, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính:

Tiếp tục triển khai các giải pháp nêu tại “Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” được ban hành theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ; “Đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam.

- Đổi mới và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý về hoạt động ngân hàng. Cụ thể, ban hành chuẩn mực an toàn vốn phù hợp với Basel II; Sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng, phân loại nợ, trích lập; Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Bảo hiểm tiền gửi và Luật Phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; Hoàn thiện các quy định về cấp phép thành lập TCTD; Sửa đổi, bổ sung hệ thống kế toán của các TCTD phù hợp hơn với chuẩn mực kế toán quốc tế; Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 2459/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

- Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng thông qua việc hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; Phát triển hệ thống giám sát theo tiêu chuẩn CAMELS - hệ thống đánh giá tình trạng vững mạnh của các TCTC và cảnh báo sớm trong hoạt động ngân hàng...;

- Tạo điều kiện cho các TCTD sáp nhập, hợp nhất, mua lại thông qua tìm kiếm, giới thiệu đối tác, cung cấp thông tin cho các TCTD có nhu cầu tham gia, hỗ trợ về kỹ thuật, pháp lý và thủ tục;

- Điều hành chủ động, linh hoạt, có hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất theo nguyên tắc thị trường để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng; Giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững;

- Tiếp tục hiện đại hóa và phát triển đồng bộ hệ thống công nghệ ngân hàng. Đặc biệt, hệ thống thông tin quản lý của NHNN và hệ thống thanh toán ngân hàng phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của các hệ thống thanh toán trọng yếu của Ngân hàng thanh toán quốc tế.

Thứ hai, đối với thị trường chứng khoán:

TTCK Việt Nam trong thời gian qua đã có những chuyển biến khả quan, nhờ vào những tín hiệu ổn định kinh tế vĩ mô và các giải pháp tích cực trong lĩnh vực chứng khoán. Để đẩy mạnh hơn nữa, thời gian tới cần tiếp tục triển khai các giải pháp sau:

- Rà soát, đánh giá hệ thống văn bản pháp luật nhằm đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc và phát triển TTCK: Tiếp tục hoàn thiện các đề án như: Đề án TTCK phái sinh; Nghị định về TTCK phái sinh; Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và quyết định về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài trên TTCK Việt Nam;

- Thực hiện tái cấu trúc cơ sở hàng hóa: Nâng cao chất lượng DN niêm yết, tăng cường tính minh bạch trên TTCK, đẩy nhanh cổ phần hóa, đấu giá cổ phần các DN nhà nước nhằm tạo hàng hóa có chất lượng cao cho thị trường;

- Thực hiện tái cấu trúc cơ sở NĐT và tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán: Trên cơ sở phân loại và nâng cao chất lượng dịch vụ chứng khoán; Nâng cao năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro, cho phép NĐT nước ngoài sở hữu các tổ chức kinh doanh theo các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới, khuyến khích các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín tham gia;

Tiếp tục tái cấu trúc tổ chức quản lý thị trường: Xây dựng và hoàn thiện đề án, quyết định về tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam trên nguyên tắc thống nhất về chức năng như bộ máy quản lý và quản trị hoạt động; Củng cố mô hình hoạt động độc lập của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam theo hướng bổ sung chức năng đối tác thanh toán trung tâm...

Thứ ba, đối với TTBH:

Trong năm 2014, TTBH được định hướng phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững; Tiếp cận các chuẩn mực quốc tế; Nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm cho các lĩnh vực kinh tế và dân cư; Góp phần ổn định nền kinh tế - xã hội. Theo đó, giải pháp áp dụng nhằm phát triển TTBH trong thời gian tới cụ thể gồm:

- Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của TTBH; Bổ sung các quy định về bảo hiểm bảo lãnh; Ban hành tiêu chí đánh giá, xếp loại DNBH; Ban hành quy định triển khai BHNT qua ngân hàng; Sửa đổi, bổ sung chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Phê duyệt các quy chế quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; Nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển BHNT dành cho người có thu nhập thấp;

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cấu trúc DNBH theo đúng lộ trình; Tăng cường công tác quản lý, giám sát, đảm bảo mức độ an toàn vốn của các DNBH phù hợp với quy mô hoạt động, cơ cấu đầu tư và khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật; Tổ chức kiểm tra hoạt động chi trả, giải quyết quyền lợi cho khách hàng của các DNBH;

- Mở rộng, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm bảo hiểm. Đồng thời, triển khai thí điểm bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Đặc biệt là tăng cường hợp tác giữa các DNBH, khắc phục tình trạng trục lợi bảo hiểm và cạnh tranh không lành mạnh; Củng cố bộ máy tổ chức, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Hiệp hội bảo hiểm...

Tổng quan về thị trường tài chính Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

VỤ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG VÀ CÁC TỔ CHỨC TÀI CHÍNH (Bộ Tài chính)

(Tài chính) Khu vực tài chính đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, yêu cầu đặt ra là phải có một thị trường tài chính ổn định, hiệu quả, khi đó mới có thể thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước vào phục vụ cho đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Xem thêm

Video nổi bật