Tổng quan về tiền mã hóa trên thế giới và thực trạng tại Việt Nam

Theo Tạp chí Chứng khoán 06/2018

Tiền mã hóa (TMH) xuất hiện trên thế giới từ những năm 2009, cho đến nay, mặc dù sự tồn tại của nó mang nhiều tranh cãi, nhưng nhiều tổ chức tài chính, nhà đầu tư đã chấp nhận TMH như là một xu hướng của tương lai. Tại Việt Nam, các quy định về pháp luật đối với TMH còn thiếu và chưa đồng bộ, trong khi hoạt động đầu tư vào loại hàng hóa này khá phổ biến trong cộng đồng đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bitcoin bắt đầu hình thành từ tháng 01/2009 và được coi là đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới, nhưng đến tận 2 năm sau, cụ thể vào tháng 4/2011, nó mới được chú ý đến.

Ngày nay, có hàng trăm đồng TMH đang được giao dịch phổ biến trên các thị trường, và có hàng trăm đồng TMH khác đang tồn tại nhưng được ít người biết đến. Theo thống kê đến cuối năm 2017, ngoài Bitcoin, có 5 đồng TMH khác có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường: Ethereum (ETH), DASH, Monero (XMR), Ripple (XRP) và Litecoin (LTC).

Mặc dù Bitcoin được coi là “vua tiền kỹ thuật số” với tỷ trọng vốn hóa thị trường vẫn luôn giữ vị trí đứng đầu qua các năm, nhưng đang bị các đồng TMH mới chiếm dần tỷ trọng. Từ 86% vốn hóa toàn thị trường năm 2015, tỷ trọng của Bitcoin giảm xuống còn 80% năm 2016, và đến năm 2017 còn 72%.

Trong khi đó, đồng tiền Ethereum (ETH) đạt mức tăng trưởng ấn tượng, từ 10% năm 2016 lên đến 16% tổng vốn hóa thị trường TMH năm 2017. Kế đến là các đồng tiền khác như DASH, Ripple (XRP) cũng có tỷ trọng đáng kể trong rổ TMH hiện nay.

Ngoài ra, mức độ được chấp nhận trong giao dịch, lưu trữ và thanh toán của TMH hiện nay, Bitcoin chiếm gần tuyệt đối (98%) tại mọi góc độ; tiếp đến là đồng Ethereum (33%) và Litecoin (26%); còn lại là thị phần của các đồng TMH số khác.

Môi trường hoạt động của TMH

Để một đồng TMH được tồn tại, hình thành, phát triển, cần hội tụ đủ 4 yếu tố: (1) được đào lên (Mining) – hoặc được phát hành dựa trên một loại TMH khác; (2) được lưu giữ tại các ví điện tử (Wallets); (3) được chấp nhận thanh toán (Payments); và (4) được giao dịch tại sàn giao dịch (Exchanges).

Theo nghiên cứu của Hileman & Rauchs (2017), khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm tỷ trọng đào TMH lớn nhất trên thế giới (50%), sau đó là khu vực Bắc Mỹ; trong khi đó, lưu giữ tại ví điện tử loại hình tiền này tại châu Âu chiếm tỷ trọng lớn nhất (42%), kế tiếp đó là Bắc Mỹ (39%); châu Âu có số lượng sàn giao dịch TMH lớn nhất (37%), sau đó là châu Á - Thái Bình Dương (27%) và Bắc Mỹ (18%).  (xem Bảng 1).

Đào TMH (Mining)

Thuật ngữ “đào TMH” được hiểu là các cá nhân hoặc tổ chức sử dụng các thiết bị đào của mình nhằm tìm kiếm các đơn vị TMH để sở hữu và kiếm lời. Người đào đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái TMH, họ cung cấp, lưu giữ, xác nhận sự tồn tại của các đồng TMH trong mạng lưới.

Việc đào TMH dựa trên công nghệ blockchain, hiểu đơn giản là mọi hoạt động này sẽ được ghi nhận bởi mạng lưới máy tính trên toàn cầu, vì thế việc giả mạo, đánh cắp rất khó xảy ra, do nó chỉ được công nhận khi hai bên đều xác nhận giao dịch thì mới được coi là hợp lệ.

Việc đào TMH bắt đầu kể từ khi Bitcoin xuất hiện, với giá trị đào tăng lên nhanh chóng qua thời gian, từ 0,2 triệu USD năm 2010, lên 350 triệu USD năm 2013, đến năm 2016, tổng giá trị TMH đào được quy ra giá thị trường đã lên đến hơn 2 tỷ USD.

Khu vực có nhiều mỏ đào (máy đào) nhất là Trung Quốc, chiếm tới 58% thị phần toàn cầu, Mỹ chiếm 16%, còn lại là các khu vực khác (26%). Ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất là tiếng Anh (100%), tiếng Trung (74%), kế đến là tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nga.

Lợi nhuận thu được từ việc đào TMH đã thúc đẩy nhiều người mua máy đào. Một mặt, thực trạng này làm dấy lên lo ngại về số năng lượng tiêu tốn cho lĩnh vực này, trong khi tương lai về TMH vẫn còn là một ẩn số.

Mặt khác, chính việc mong muốn tối đa hóa lợi nhuận từ việc đào tiền này, đã thúc đẩy lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển hơn nhằm tăng sức mạnh cho hệ thống máy đào, đồng thời phát triển lĩnh vực năng lượng sạch (như sử dụng điện mặt trời) nhằm có được chi phí tiêu tốn năng lượng ít nhất.

Ví lưu trữ điện tử (Wallets)

Ví lưu trữ điện tử được hiểu là một chương trình được sử dụng để lưu trữ, gửi và nhận tiền điện tử với các thuật toán phức tạp nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt đối đối với người sở hữu. Ví điện tử cũng cung cấp các thông tin như tra cứu số dư, tính toán các khoản phí dự kiến phải trả trong các giao dịch.

Một công ty được coi là nhà cung cấp ví điện tử khi họ cung cấp dịch vụ đơn lẻ lưu trữ TMH, phải được tách riêng khỏi các dịch vụ thương mại khác, và trong nguyên tắc hoạt động công ty cũng phải ghi rõ như vậy.

Phần lớn các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử hoạt động tại Mỹ (34%), Anh (15%), kế sau đó là Đức, Thụy Sĩ và Trung Quốc đứng thứ 3 (8%), còn lại tại các khu vực khác trên thế giới.

Số lượng tài khoản của các nhà đầu tư gia tăng liên tục qua các năm. Số lượng người sử dụng ví TMH tại châu Âu và Bắc Mỹ chiếm đa số, lên đến 61% số lượng người sử dụng trên toàn cầu.

Các công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ TMH cung cấp cho các nhà đầu tư nền tảng lưu ứng dụng liên kết với kho lưu trữ rất đa dạng, phong phú.

Với thời đại sử dụng điện thoại thông minh (smart phone) phổ biến như hiện nay, không ngạc nhiên khi tỷ lệ hỗ trợ điện thoại chiếm phần lớn (65%), nền tảng máy tính (PC) chiếm 42%, kế đến là Website (38%), máy tính bảng (31%) và ổ cứng khác (23%).

Đối với loại hình tiền tệ được tích hợp tại các ví lưu trữ điện tử, có tới 96% ví hỗ trợ lưu trữ thông tin về Bitcoin.

Thanh toán

Tất cả hệ thống TMH đều liên kết với các hệ thống thanh toán nhằm đảm bảo tính bảo mật, tiện dụng cho khách hàng khi đầu tư vào đồng TMH đó.

Mặc dù các đồng TMH đều cam kết họ có nền tảng liên kết chặt chẽ để có thể giao dịch độc lập, trực tiếp với các đơn vị thanh toán, nhưng hầu hết các khách hàng (nhà đầu tư) thường ưu tiên sử dụng dịch vụ do một bên thứ ba cung cấp.

Chức năng thanh toán của TMH được chia thành 4 nhóm chính:

Nhóm 1, nhóm dịch vụ chuyển tiền: Nhóm này chủ yếu cung cấp dịch vụ chuyển tiền quốc tế cho các cá nhân, nó tương tự dịch vụ chuyển tiền truyền thống và dịch vụ chi trả các hóa đơn thông thường.

Nhóm 2, nhóm thanh toán B2B: Cung cấp dịch vụ thanh toán cho các doanh nghiệp, thường là các giao dịch xuyên biên giới.

Nhóm 3, nhóm dịch vụ Merchant: Hướng đến việc thanh toán trong thương mại điện tử, cho phép giao dịch thông qua các phương thức khác nhau, từ thẻ tín dụng, TMH đến các dạng thanh toán khác. Có thể hiểu đây là dịch vụ bán hàng thương mại điện tử.

Nhóm 4, nhóm dịch vụ chung khác: Dịch vụ này cho phép sử dụng TMH với nhiều mục đích khác nhau, từ thanh toán nhanh chóng cho những người sử dụng TMH khác, đến thanh toán các dịch vụ, chuyển đổi TMH thành đồng nội tệ tại các quốc gia khác nhau, và ngược lại.

Mỹ và Anh có số lượng các công ty chấp nhận thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng TMH áp đảo toàn cầu (30%). Hệ thống thanh toán của TMH đóng hai vai trò quan trọng: (1) Sử dụng TMH để thanh toán như một kênh giao dịch nhanh chóng, thuận tiện và bảo mật cho các hàng hóa, dịch vụ mà người dân sử dụng tại các quốc gia, xuyên quốc gia… (2) Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sự tồn tại của hệ sinh thái TMH (thanh toán chéo các TMH với nhau).

Trong các giao dịch của mình, TMH được sử dụng trong các dịch vụ thương mại điện tử chiếm đa số (52%), với các mục đích chung (46%), mục đích chuyển tiền (29%), và dịch vụ B2B (19%). Trong các đồng TMH, Bitcoin được sử dụng áp đảo trong các thanh toán (86%), Ripple đứng thứ 3 (3%). Thực tế Bitcoin thường được sử dụng như một đồng tiền trung gian khi chuyển đổi các đồng tiền khác, vì thế nó được sử dụng nhiều nhất là điều tất yếu.

Về quy mô giao dịch, phần lớn các giao dịch giá trị nhỏ (dưới 100 USD) là các giao dịch nội địa, chiếm gần 50%; trong khi các giao dịch xuyên quốc gia có giá trị lớn. Bình quân giá trị giao dịch B2B đạt giá trị lớn nhất (1.878 USD/giao dịch), giữa các khách hàng với nhau bình quân đạt 351 USD/giao dịch, giữa khách hàng với doanh nghiệp bình quân đạt 210 USD/giao dịch.

Tại các điểm giao dịch, chấp nhận thanh toán bằng TMH, có tới 79% đơn vị có mối quan hệ/liên kết với ngân hàng hoặc mạng lưới thanh toán địa phương; 25% đơn vị có liên kết với mạng lưới thẻ tín dụng, mạng lưới Mobile Money.

Ngoài ra, các đơn vị này còn có liên kết với mạng lưới thương mại điện tử, mạng lưới thẻ ATM, hệ thống PoS… Như vậy, với mạng lưới, phương thức thanh toán đa dạng, đã chứng minh được sự tiện lợi của TMH tại các quốc gia khác nhau, từ đó thu hút được mạng lưới các nhà đầu tư, người sử dụng quan tâm và sử dụng TMH trên thế giới.

Sàn giao dịch TMH (Exchanges)

Sàn giao dịch TMH cung cấp các dịch vụ để mua, bán các loại TMH và các loại tài sản KTS khác, với đơn vị trao đổi là các loại tiền tệ trên thế giới hoặc chính các loại TMH. Sàn giao dịch đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại của TMH, bởi nó cung cấp địa điểm giao dịch, tạo tính thanh khoản cũng như cơ chế xác lập giá cho các loại đồng tiền này.

Sàn giao dịch TMH đầu tiên được thành lập từ năm 2010 (sàn Mt.Gox) nhằm tạo ra địa chỉ để các nhà đầu tư giao dịch đồng Bitcoin, cho đến nay, đã có hàng trăm sàn giao dịch TMH được thành lập, có thể kể đến tên một số sàn lớn như Binance, Bitfinex, Bitflyer, Kraken, OKCoin, Coinbase, Bitstamp, BTCC, Huobi…

Trong các giao dịch TMH tại các sàn trên thế giới, USD chiếm tỷ trọng cao nhất (65%).

Tại các sàn giao dịch TMH, 100% các sàn đều chấp nhận giao dịch hoặc thanh toán bằng Bitcoin, Ether và Litecoin lần lượt là 43% và 35%. Đồng Ripple, Ether Classic, Monero và DASH chiếm tỷ trọng nhỏ hơn, với tỷ lệ lần lượt là 16%, 14%, 12% và 10%.

Dịch vụ chủ yếu mà các sàn giao dịch nhỏ cung cấp cho các nhà đầu tư là môi giới (42%), nền tảng giao dịch và đấu giá (15%); trong khi các sàn giao dịch lớn chỉ cung cấp dịch vụ môi giới và đấu giá.

Số lao động làm việc tại các sàn giao dịch TMH đông nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (608 người), bình quân mỗi sàn 51 người; tại khu vực Bắc Mỹ, có trên 200 người làm việc tại các sàn giao dịch, bình quân 24 người/sàn; con số tương ứng ở khu vực Mỹ Latin là 102 và 15; châu Phi và Trung Đông là 9 và 5 người.

Ngoài ra, số liệu từ Cambridge Centre for Alternative Finance (2017) cho thấy, tính hợp pháp của các sàn giao dịch TMH cũng là vấn đề rất đáng lưu tâm, với 52% số sàn giao dịch nhỏ và 35% số sàn giao dịch lớn được chính phủ hoặc các cơ quan thẩm quyền có liên quan cấp phép hoạt động.

Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có đến 85% sàn giao dịch TMH hoạt động không phép, trong khi tại các khu vực khác, tính hợp pháp của các sàn giao dịch được coi là tiêu chí rất quan trọng của các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư, với 78% sàn hoạt động có phép tại Bắc Mỹ, 47% tại châu Âu và 43% tại khu vực Mỹ Latin.

Mặc dù không được cấp phép hoạt động từ chính quyền, nhưng các sàn giao dịch TMH vẫn có các quy tắc hoạt động rất nghiêm ngặt, như các sàn giao dịch đang hoạt động tại Trung Quốc hiện nay.

Do đặc thù là loại hàng hóa KTS, nên một khi đã được giao dịch thì không thể khôi phục lại được. Việc tăng giá liên tục của TMH trong các năm gần đây đã biến các sàn giao dịch thành mục tiêu cho các loại tội phạm an ninh mạng.

Rất nhiều vụ tội phạm lấy cắp TMH của nhà đầu tư từ các sàn giao dịch, với đối tượng hacker có thể từ bên ngoài, hoặc thậm chí bên trong các sàn giao dịch, làm dấy lên nhiều lo ngại đối với các nhà đầu tư. Nghiên cứu của Moore & Christin (2013) tại 40 sàn giao dịch Bitcoin cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2013, có tới 22% sàn giao dịch TMH đã bị các hacker tấn công, làm cho 56% số sàn đó phải đóng cửa.

Chính vì vậy, vấn đề đảm bảo an ninh mạng tại các sàn giao dịch luôn được đặt lên hàng đầu. Theo Hileman & Rauchs (2017), tại các sàn giao dịch nhỏ, có tới 28% số sàn có 21 - 50% số nhân viên làm việc toàn thời gian công việc liên quan đến an ninh mạng, trong khi tại các sàn lớn, có 26% số sàn có trên 10% nhân viên làm việc toàn thời gian trong lĩnh vực an ninh mạng.

Đối với chi phí chi trả cho việc đảm bảo an ninh mạng tại các sàn giao dịch TMH, 39% sàn nhỏ chi tiêu dưới 10% cho chi phí an ninh mạng, 29% số sàn tiêu tốn 21 - 50% tổng chi phí cho an ninh mạng. Tại các sàn lớn, 72% các sàn chi tiêu dưới 10% tổng chi phí cho an ninh mạng, 14% các sàn tiêu tốn 11 - 20% và 21 - 50% tổng chi phí cho an ninh mạng.

Như vậy, các sàn giao dịch TMH đều nhận ra vấn đề quan trọng của việc đảm bảo an ninh mạng, an toàn cho các giao dịch của các nhà đầu tư.

Thực tế cho thấy, không khó để thành lập nên các sàn giao dịch, tuy nhiên để sàn hoạt động được ổn định, nhận được niềm tin từ các nhà đầu tư, đòi hỏi các sàn giao dịch cần đầu tư kỹ lưỡng, từ khâu quảng bá, an ninh cho đến vấn đề thuận tiện trong việc giao dịch cho các nhà đầu tư.

Cũng theo số liệu từ Cambridge Centre for Alternative Finance (2017), trên 70% sàn giao dịch sử dụng hệ thống an ninh mạng từ các nhà cung cấp bên ngoài, bao gồm các công ty kiểm soát các đoạn mã hóa (code), nhà cung cấp dịch vụ ví tiền đa chữ ký (multi-signature wallet) và các nhà cung cấp dịch vụ bảo mật hai nhân tố (two-factor authentication – 2FA).

Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt lớn giữa các sàn giao dịch lớn và nhỏ: trên 80% sàn lớn sử dụng đơn vị cung cấp an ninh bên ngoài, trong khi đối với sàn nhỏ là 69%. Con số thống kê cũng cho thấy, tại các sàn giao dịch nhỏ, 29% sàn sử dụng 1 công ty, 48% sử dụng 2 công ty và 23% sử dụng trên 3 công ty cung cấp các biện pháp an ninh mạng bên ngoài; trong khi đối với các sàn lớn, con số lần lượt là 25%, 25% và 50%.

Nhằm đảm bảo an toàn các giao dịch TMH, các sàn giao dịch thường yêu cầu nhà đầu tư sử dụng phương pháp xác thực đa nhân tố để đăng nhập vào tài khoản cá nhân (ví dụ dùng token tạo mật khẩu một lần, gửi số xác thực đến số điện thoại được đăng ký…).

Hình thức được sử dụng phổ biến nhất là phương pháp xác thực hai nhân tố (two-factor authentication – 2FA), theo đó sẽ yêu cầu người sử dụng phải cung cấp hai bước xác thực nhằm đảm bảo tính an toàn cho khâu đăng nhập.

Hiện nay, 75% sàn giao dịch đã cung cấp cho khách hàng lựa chọn 2FA để đăng nhập vào tài khoản của mình, 77% nhà đầu tư đã sử dụng 2FA để rút tiền. Liên quan đến giao dịch, chỉ 51% số sàn giao dịch cung cấp 2FA cho giao dịch TMH, số sàn còn lại cho rằng chỉ cần bắt buộc đăng nhập thông qua 2FA là đủ, không cần bắt buộc sử dụng 2FA một lần nữa khi tiến hành giao dịch.

Cần lưu ý là, 2FA là một lựa chọn an ninh mà các sàn giao dịch cung cấp cho các nhà đầu tư, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng kích hoạt bước bảo mật này, điều này cho thấy bản thân các nhà đầu tư cũng chưa hoàn toàn nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo mật tài khoản của mình. 

Thực trạng TMH tại Việt Nam

Từ đầu năm 2014 đã có hàng loạt loại TMH du nhập vào Việt Nam như Bitcoin, Litecoin, Ether… Lúc này, mô hình kinh doanh TMH đa cấp xuất hiện, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư bằng các lời hứa hẹn mức sinh lời khủng. Khi số tiền thu thập được từ các nhà đầu tư đạt đến mức nhất định, các đối tượng “nhà cái” sẽ đánh sập sàn giao dịch, hoặc chiếm tài khoản mã hóa để các nhà đầu tư không đăng nhập được nữa.

Việc quản lý TMH ở nước ta còn gặp nhiều vướng mắc do vẫn chưa có các quy định cụ thể đối với lĩnh vực này. Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản khẳng định không thừa nhận TMH là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Tuy vậy, các nhà đầu tư TMH vẫn có thể sử dụng từ khác trong thanh toán, đó là trao đổi hàng hóa.

Trong Luật Dân sự (2005) có quy định người dân được phép mua bán quyền tài sản, trong đó có quyền đòi nợ, bản quyền. Như vậy, có thể coi TMH là một loại bản quyền của nhà đầu tư, do loại hàng hóa này họ phải đào từ các cỗ máy chuyên biệt mới có. Tuy nhiên, Luật Dân sự vẫn chưa có quy định về tài sản ảo, do đó, đây vẫn là một vấn đề đang còn gây tranh cãi.

Ngoài ra, Bộ Công thương ban hành Văn bản số 1402/BCT-ĐTĐL ngày 22/02/2018 hướng dẫn thực hiện giá bán điện, theo đó “điện năng sử dụng cho hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền ảo thuộc đối tượng áp dụng giá bán lẻ điện cho mục đích kinh doanh”, tuy nhiên Bộ Công thương không quy định và không công nhận đồng tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán.

Đối với các sàn giao dịch TMH, ở Việt Nam vẫn chưa có sàn giao dịch chính thức do quy định hiện hành của pháp luật chưa cho phép. Tất cả các sàn đang hoạt động đều mang tính chất môi giới, bên cạnh đó có nhiều sàn mang tính chất đa cấp, hoặc lừa đảo.

Đối với hoạt động đào TMH, hệ thống máy móc đào TMH nhập vào Việt Nam (đa số từ Trung Quốc) thông qua đường chính ngạch, do Tổng cục Hải quan xác định, loại máy móc này không thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP5 của Chính phủ.

Với đặc thù không cho phép TMH là phương tiện thanh toán, do vậy khi giao dịch TMH tại các sàn tại Việt Nam, hoặc khi các nhà đầu tư đào được TMH, không cho phép họ tự do mua hay bán bằng đồng tiền nội tệ hoặc ngoại tệ, mà phải thông qua là trao đổi với một loại TMH khác, sau đó lấy đó làm cơ sở để trao đổi các loại TMH khác nhằm kiếm lời.

Tóm lại, TMH là một khái niệm mới, việc thừa nhận, giao dịch, mua bán đối với TMH còn nhiều tranh cãi không chỉ ở Việt Nam mà ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Việt Nam không thể đơn phương cấm loại hàng hóa này xuất hiện tại quốc gia mình, mà cần xây dựng các hành lang pháp lý để kiểm soát, quản lý các hoạt động liên quan đến TMH, tránh các hiện tượng tiêu cực như thông qua loại hàng hóa này để rửa tiền, chuyển tiền xuyên biên giới, các mô hình lừa đảo trục lợi, gây bất ổn trong cộng động nhà đầu tư và cho xã hội.