TPP và câu chuyện dệt may Việt Nam

Theo nhipcaudautu.vn

Việt Nam bước vào vòng đàm phán thứ 18 với 10 nước từ ngày 15-25/7 tại Malaysia trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong vòng đàm phán này, đối với Việt Nam ngành hàng dệt may trong đàm phán với Mỹ là một trong những nội dung quan trọng và căng thẳng nhất.

 TPP và câu chuyện dệt may Việt Nam
Xuất khẩu dệt may, da giày của Việt Nam cũng chủ yếu là các sản phẩm gia công. Nguồn: internet

Nếu đàm phán thành công, 95 dòng sản phẩm dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện nay sẽ được hưởng thuế suất 0%. Hiện khoảng 55% sản phẩm dệt may Việt Nam được xuất sang Mỹ. Tuy vậy những thách thức trực tiếp xung quanh vấn đề này là đáng suy ngẫm.

Trung Quốc thích, mỹ lo

Đại diện của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết trong thời gian tới sẽ có làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào ngành dệt may của Việt Nam khi thuế suất xuất khẩu may mặc của Việt Nam được hạ xuống 0% nếu gia nhập TPP. Trả lời tờ South China Morning Post, ông Hong Tianzhu, Chủ tịch Tập đoàn Texhong Textile cho biết đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Ông này cho biết nếu sợi xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ cũng được hưởng thuế suất 0% theo TPP, công suất của họ sẽ không đủ. Công ty Dệt vải Pacific Textiles (Trung Quốc) cũng dự kiến mở một nhà máy liên doanh trị giá 180 triệu USD tại Việt Nam cùng Tập đoàn Crystal (Hồng Kông).

Ngược lại, 5 ngày trước vòng đàm phán TPP thứ 18 nói trên, ngày 10/7, ông Smyth McKissic, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về dệt may, đã nói trước quốc hội: “Thỏa thuận thương mại TPP với Việt Nam đe dọa ngành dệt may Mỹ”. Trong cuộc điều trần ở Quốc hội Mỹ hôm 9/7, ông Smyth McKissick, đại diện Hội đồng các tổ chức dệt may Mỹ, nói Hiệp định Thương mại TPP mà Mỹ đang thương lượng với Việt Nam có thể đe dọa ngành dệt may Mỹ với hơn 500.000 lao động. Ông này kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ ký tên vào thư gửi Đại diện Thương mại của Mỹ yêu cầu duy trì quy định, các sản phẩm dệt may phải được sản xuất và gia công tại một nước là đối tác tự do thương mại của Mỹ thì mới được miễn thuế khi nhập vào Mỹ. Nếu không, ngành công nghiệp dệt may Mỹ lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ đưa hàng sang may ở Việt Nam, nơi có ngành dệt may được chính phủ trợ giá, rồi lợi dụng quy chế đó để xuất hàng giá rẻ sang Mỹ. Tới nay, trên 160 nghị sĩ thuộc cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đã ký tên vào bức thư.

Thách thức cho Việt Nam

TS. Lê Đăng Doanh đã nêu vấn đề xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là tận dụng lao động giá rẻ. Trong dẫn chứng của mình, ông đưa ra con số như Samsung Vina nhập khẩu 100% linh kiện từ Samsung ở Trung Quốc để sản xuất điện thoại thông minh Galaxy; giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số 12 tỉ USD xuất khẩu của Samsung Vina trong năm 2012. Hay xuất khẩu dệt may, da giày của Việt Nam cũng chủ yếu là các sản phẩm gia công, tỉ lệ đầu vào nhập khẩu của các sản phẩm này lên đến 70-75% giá trị sản phẩm xuất khẩu, giá trị các sản phẩm đầu vào sản xuất trong nước chỉ chiếm 25-30%, kể cả chi phí hậu cần, bao bì...

Trong khi đó, ông Lê Văn Đạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đưa ra những bất lợi trong quá trình đàm phán TPP khi phía Mỹ đưa ra các yêu cầu về xuất xứ nguyên vật liệu ví dụ như sợi phải nhập từ Mỹ. Nếu phải tuân thủ yêu cầu này thì dệt may Việt Nam khó được hưởng thuế suất ưu đãi. Hiện nay trong chuỗi sản xuất khép kín từ trồng bông, xơ, kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất vải, may thì Việt Nam chỉ mới có ưu thế ở đoạn cuối là may. Dệt, nhuộm, hoàn tất vải vẫn là khâu yếu nhất của Việt Nam.

Với thực lực hiện tại của ngành công nghiệp phụ trợ trong nước thì rõ ràng yêu cầu xuất xứ phía Mỹ đưa ra là bất lợi đối với ngành dệt may.

Với các câu chuyện nói trên, cho thấy người hưởng lợi trực tiếp và lớn nhất nếu đàm phán TPP với Mỹ về dệt may thành công sẽ không phải là các nhà sản xuất Việt Nam. Phải chăng đây là cơ hội của các nhà đầu tư nước ngoài và họ chỉ coi Việt Nam như một bàn đạp để nhảy vào các thị trường khổng lồ mà họ không vào được. Xin mở ngoặc thêm ở đây là con số đầu tư nhà máy sợi khổng lồ của Tập đoàn Trung Quốc tại Việt Nam nêu ở đầu bài viết chỉ tương đương gần 15% trị giá gói cứu trợ 30.000 tỉ đồng mà Chính phủ tung ra cứu thị trường bất động sản. Dệt may cũng cần một sự hỗ trợ lớn và dứt khoát như vậy để có thể sẵn sàng cho cuộc chơi mới.

Nếu không có thay đổi nào đáng kể thì những giá trị gia tăng mà Việt Nam nhận được qua các ưu đãi trong Hiệp định với các nước đã và sẽ có trong tương lai là rất bé.