TPP và những lĩnh vực hóc búa

Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương

(Tài chính) Tính đến nay, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn còn gần 20 lĩnh vực cần đàm phán tiếp, như mở cửa thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước… Xin trích đăng một phần bài trình bày của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại buổi hội thảo “TPP và quá trình tham gia của Việt Nam” về 2 lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm.

Mua sắm của chính phủ

Trước hết, phải nói rõ lĩnh vực đàm phán này là mua sắm của chính phủ chứ không phải mua sắm công, mua sắm công là khái niệm rộng hơn rất nhiều so với mua sắm chính phủ. Mua sắm chính phủ chỉ là mua sắm ở các cơ quan nhà nước, trong số này việc mua sắm tại các chính quyền địa phương cũng được gọi là mua sắm chính phủ. Mua sắm chính phủ trong TPP được chia thành 2 phần.

TPP mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến những thách thức về khả năng nắm bắt cơ hội, chính sách cùng chiều và ngược chiều.

Thứ nhất, đàm phán các quy tắc áp dụng cho mua sắm chính phủ. Các quy tắc ở đây chủ yếu là quy tắc đấu thầu: tổ chức đấu thầu như thế nào, ai được quyền tham gia đấu thầu. Nhìn chung nó tương đối giống Hiệp định mua sắm chính phủ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Khi gia nhập WTO, chúng ta không tham gia vào Hiệp định mua sắm chính phủ vì hiệp định này không phải hiệp định bắt buộc. Các nguyên tắc chính được đề xuất trong TPP: đối xử tối huệ quốc (không phân biệt giữa các nhà thầu TPP với nhau); đối xử quốc gia (dành cho các nhà thầu đến từ TPP sự đối xử tương tự các nhà thầu ở Việt Nam).

Về cơ bản là đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu. Xóa bỏ các điều kiện dự thầu mang tính ưu tiên nội địa (như yêu cầu sử dụng sản phẩm hoặc nhà cung cấp trong nước), yêu cầu chuyển giao công nghệ… Minh bạch thông tin và thủ tục tại tất cả các khâu. Có quy định đảm bảo liêm chính và xem xét khiếu nại.

Về cơ bản, luật đấu thầu của Việt Nam cũng đáp ứng tương đối đầy đủ các điều kiện này, song chúng ta còn vướng 1 vấn đề là các điều kiện ưu tiên. Nhưng điều này cũng không quá khác lạ.

Nhiều nước trên thế giới có quan điểm mua sắm chính phủ là đang dùng tiền thuế của nhân dân để mua sắm và nguyên tắc phải sử dụng tiền đó mua sắm những sản phẩm nội địa, chính vì vậy tuyệt đại đa số thành viên WTO không mở cửa mua sắm chính phủ và mong muốn chính phủ toàn quyền định đoạt. Tiền thuế của dân thì phải mua hàng hóa của dân.

Tuy thế, một số nước lại đi theo tư duy khác, một khi đã dùng tiền thuế của dân, tiêu chí đầu tiên là phải sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, cho nên đơn vị nào chào bán hàng hóa tốt nhất và rẻ nhất phải mua của đơn vị đó, bất kể đó là nhà thầu nước ngoài hay trong nước. Hiện TPP vẫn đang phải xử lý vấn đề này. TPP cũng cho phép một đất nước có quyền bảo lưu không mở cửa vì lý do an ninh, quốc phòng.

Thứ hai, đàm phán mở cửa thị trường. Từng bước có biểu cam kết riêng: cam kết diện cơ quan, cam kết phạm vi hàng hóa dịch vụ, cam kết ngưỡng giá trị mà từ đó trở lên phải cho phép các nước TPP tham gia đấu thầu. Khi đi vào 3 tiêu chí này, biểu cam kết muôn hình vạn trạng và mức độ mở cửa thị trường nhiều khi rất rộng nhưng lại chẳng có gì.

Doanh nghiệp nhà nước

Đàm phán về lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước xuất phát điểm là muốn tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. Trong đàm phán, các thành viên TPP không khẳng định cứ doanh nghiệp nhà nước tham gia là cạnh tranh không bình đẳng, nhưng nó có nguy cơ đó là doanh nghiệp nhà nước nên nhà nước có nhiều cách hỗ trợ.

Cũng vì thế, các thành viên mong muốn TPP sẽ đưa ra một bộ quy tắc để điều chỉnh hành vi quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp để bảo đảm rằng doanh nghiệp nhà nước tham gia cạnh tranh một cách bình đẳng. Các thành viên của TPP thừa nhận vai trò phục vụ lợi ích cộng đồng của doanh nghiệp nhà nước và không yêu cầu xóa bỏ doanh nghiệp nhà nước.

Các nghĩa vụ chính được đề cập: khi tham gia cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước cần hoạt động theo tính toán thương mại, phù hợp với nguyên tắc thị trường; minh bạch hóa hoạt động; giảm trợ cấp, can thiệp gây tác động bất lợi cho cạnh tranh.

Các quy tắc trên thoạt nghe có vẻ đơn giản, nhưng bước vào đàm phán lại xuất hiện hàng loạt vấn đề. Vấn đề lớn nhất là khi đi tìm một môi trường cạnh tranh bình đẳng như vậy rất dễ xuất hiện tác dụng phụ. Thay vì khắc phục tình trạng doanh nghiệp ngoài quốc doanh bị phân biệt đối xử so với doanh nghiệp nhà nước, anh lại đi quá và phân biệt đối xử ngược lại doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra còn gánh nặng thực thi: Các nước có số lượng doanh nghiệp nhà nước tương đối ít, trong khi số doanh nghiệp nhà nước của chúng ta còn đông, số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vẫn còn hơn 1.000 doanh nghiệp, nên gánh nặng thực thi của chúng ta sẽ lớn hơn. Có thể nói, đàm phán về lĩnh vực này rất phức tạp vì đây là lần đầu xây dựng một bộ quy tắc cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và mối quan hệ giữa Nhà nước với doanh nghiệp nhà nước.