Trái phiếu địa phương: Không phải muốn là được

Theo Thời báo Ngân hàng

Một chuyên gia giải thích, phát hành trái phiếu địa phương không phải “muốn” là được. Bởi điều kiện cần và đủ để phát hành trái phiếu địa phương là khả năng thanh khoản. Đây là một điều quá khó đối với các tỉnh thu chưa đủ bù đắp chi, trong khi đó, đây lại là những tỉnh có nhu cầu cấp thiết nhất về vốn để phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển cũng như an sinh xã hội.

Trái phiếu địa phương: Không phải muốn là được
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Việc ra đời Thông tư 81/2012/TT-BTC hướng dẫn về phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước hồi giữa năm 2012 được cho là một lối ra cho các địa phương trong việc đầu tư phát triển. Nhất là trong bối cảnh ngân sách ngày càng eo hẹp lại phải gánh quá nhiều nhiệm vụ, trong khi chỉ tiêu phát hành trái phiếu Chính phủ đã bị khống chế theo kế hoạch được Quốc hội phê chuẩn (giai đoạn 2011-2015).

Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ có các tỉnh, thành phố lớn lên kế hoạch phát hành trái phiếu địa phương. Khởi động là Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu huy động khoảng 5.000 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu để đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho đầu tư phát triển.

Ủy ban Nhân dân TP. Đà Nẵng cũng vừa phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương để bổ sung ngân sách đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, nguồn hoàn trả trái phiếu được bảo đảm từ nguồn thu của ngân sách thành phố…

Đem thắc mắc, sao không thấy các địa phương nhỏ tiến hành, một chuyên gia giải thích, phát hành trái phiếu địa phương không phải “muốn” là được. Bởi điều kiện cần và đủ để phát hành trái phiếu địa phương là khả năng thanh khoản.

Thông tư số 81/2012/TT-BTC quy định, đối với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, nguồn thanh toán lãi, gốc trái phiếu được đảm bảo từ ngân sách cấp tỉnh. Đối với các chương trình, dự án đầu tư có khả năng hoàn vốn tại địa phương, nguồn thanh toán lãi, gốc trái phiếu từ nguồn thu hợp pháp của các chương trình, dự án này. Trường hợp dự án không có khả năng thanh toán lãi, gốc trái phiếu, ngân sách cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí nguồn để chi trả.

Đây là một điều quá khó đối với các tỉnh thu chưa đủ bù đắp chi, trong khi đó, đây lại là những tỉnh có nhu cầu cấp thiết nhất về vốn để phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển cũng như an sinh xã hội. Ngay cả khi cân đối được nguồn thì theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, mức dư nợ từ nguồn vốn huy động không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh. Một con số quá nhỏ nhoi so với nhu cầu phát triển của các địa phương, đặc biệt là các địa phương còn nhiều khó khăn.

Trái với quan điểm lo sợ nợ công tăng cao do áp lực của trái phiếu địa phương, một chuyên gia phân tích, không thể đem ngưỡng an toàn nợ công của một quốc gia này áp dụng vào một quốc gia khác. Bởi nói một cách đời thường, một quốc gia cũng như một con người, trong mỗi giai đoạn phát triển đòi hỏi chất dinh dưỡng khác nhau. Kẻ đang phát triển thì cần phải ăn nhiều, người đã phát triển, thì lo kiêng khem để giữ gìn thân thể.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, cũng như người đang độ trưởng thành, cần nhiều dinh dưỡng hơn mới không bị “còi cọc”. “Điều quan trọng là trái phiếu địa phương đó được sử dụng như thế nào, có hiệu quả hay không. Và phía cơ quan quản lý thẩm định và giám sát như thế nào cho phù hợp với lợi ích của cả quốc gia”, vị chuyên gia này nói.

Hơn thế, việc các địa phương lớn đảm bảo được thanh khoản trong những kế hoạch phát hành trái phiếu địa phương sẽ khiến ngân sách nhà nước cũng như trái phiếu Chính phủ có thêm dư địa để đầu tư vào các dự án đầu tư cấp thiết cho các địa phương nhỏ, thu hẹp khoảng cách phát triển vùng miền, địa phương.