Trao đổi về giá đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi

Hoàng Văn Phức - Cục Tài chính Doanh nghiệp

Mới đây, Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo, dự thảo, quy định đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc Ngân sách Trung ương thì Bộ Tài chính quy định giá tối đa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định giá cụ thể. Đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc ngân sách địa phương Ủy ban nhân dân tỉnh quy định giá cụ thể.

Qua thời gian theo dõi và thực tế triển khai chính sách miễn thu thủy lợi phí trên toàn quốc, đối chiếu với Luật Phí và Lệ phí, Luật Giá, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, tác giả muốn trao đổi đôi điều về dự thảo Nghị định này.

Thứ nhất, Điều 24 của Luật Phí và Lệ phí (Luật số 97/2015/QH13) quy định: "Các khoản phí trong Danh mục phí và lệ phí kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá do Nhà nước định giá theo Danh mục tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này được thực hiện theo Luật giá kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Chính phủ quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền quy định giá và hình thức định giá".

Phụ lục số 02 của Luật Phí và Lệ phí quy định danh mục các sản phẩm dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá. Theo đó, thủy lợi phí là sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá.

Như vậy, theo quy định của Luật Phí và Lệ phí, Chính phủ sẽ quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền quy định giá và hình thức định giá kể cả các sản phẩm dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá bao gồm cả giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Thứ hai, tại Điều 22, Chương II của Luật Giá quy định thẩm quyền quyết định giá của các cấp, nêu rõ: "Chính phủ quy định: Khung giá đất; Khung giá cho thuê mặt nước; Khung giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ.

Thủ tướng Chính phủ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 19 của Luật này theo sự phân công, phân cấp của Chính phủ. Cơ quan, cá nhân quyết định định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp luật".

Luật Giá được Quốc hội thông qua từ năm 2012 khi đó chưa có quy định danh mục các sản phẩm dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá, trong đó có giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. 

Thứ ba, điểm đ khoản 2 Điều 12 của Luật Ngân sách Nhà nước quy định: Đối với những khoản chi cho công việc thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch phải theo quy định về giá hoặc phí và lệ phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Điều này có nghĩa là giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch phải theo quy định về giá hoặc phí và lệ phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Như vậy, 03 luật trên không có gì mâu thuẫn khi thực hiện định giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Thứ tư, về chính sách thủy lợi phí: Ngày 04/4/2001, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và mức thu thủy lợi phí được quy định theo khung đối với từng biện pháp tưới tiêu, từng vùng và được tính từ vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước đến công trình đầu mối.

Đối với khoản phí dịch vụ nội đồng từ vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước đến mặt ruộng do người dân tự lo liệu và do UBND các tỉnh quy định giá trần phí dịch vụ nội đồng.  

Từ năm 2008, Nhà nước thực hiện chính sách miễn thu thủy lợi phí bằng Nghị định số 154/2007/NĐ-CP; Nghị định số 115/2008/NĐ-CP và Nghị định số 67/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Theo đó, mức thu thủy lợi phí được Chính phủ quy định chỉ một mức giá (cũng là mức cấp bù) đối với từng biện pháp tưới tiêu, từng vùng và được hỗ trợ toàn bộ từ ngân sách nhà nước (phạm vi miễn thủy lợi phí được tính từ vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước đến công trình đầu mối, người dân phải đóng góp để duy tu sửa chữa công trình từ vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước đến mặt ruộng). Khoản chi cấp bù do miễn thu thủy lợi phí là khoản chi phục vụ an sinh xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là từ ngày 1/1/2017 thủy lợi phí là sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi chuyển từ phí sang giá dịch vụ do nhà nước định giá. Ai sẽ là người định giá sản phẩm dịch vụ này?

Về mặt lý luận, người mua sản phẩm (hay là người đặt hàng, hoặc giao kế hoạch) là người định giá.

Về mặt thực tế, suốt trong các năm qua từ khi thực hiện chính sách thu thủy lợi phí và miễn thu thủy lợi phí và ngân sách cấp bù do miễn thu thủy lợi phí thì việc định giá đều do Chính phủ quy định.

Theo quy định của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá và dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc Ngân sách Trung ương thì Bộ Tài chính quy định giá tối đa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định giá cụ thể.

Đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc Ngân sách địa phương Ủy ban nhân dân tỉnh quy định giá cụ thể.

Tuy nhiên, điều này đang dẫn đến một thực tế phi lí: Người bỏ tiền túi của mình ra để mua sản phẩm do người khác định giá. Ngân sách nhà nước không thể bỏ tiền ra để mua sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh quy định.

Xuất phát từ tình hình thực tế trên thiết nghĩ:

Một là, giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi được quy định một mức giá thống nhất đối với từng biện pháp công trình cho từng vùng và do Chính phủ quy định. Không quy định mức giá tối đa, giá cụ thể và phân cấp giá giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Hai là, về Phí sử dụng nước (tiền nước): Đề nghị Chính phủ quy định một mức thống nhất thực hiện trong toàn quốc.

Trong khi Nghị định số 67/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi chưa được sửa đổi bổ sung thì việc dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, đề nghị đưa vào dự thảo Nghị định: “Việc thực hiện chính sách miễn thu thủy lợi phí được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Trong khi chưa ban hành nghi định mới thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 67/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ”.