Trích lập dự phòng: Nhiều nhưng chưa đủ

Theo Đầu tư Chứng khoán

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ, khả năng trong năm nay, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn khó đạt cao. Trong khi đó, nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm, khiến các nhà băng phải gia tăng khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Trích lập dự phòng: Nhiều nhưng chưa đủ
Cuối năm 2012, nợ có khả năng mất vốn của ACB lên tới 1.150 tỷ đồng
Lợi nhuận 2012 teo tóp vì nợ xấu

Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy, lợi nhuận quý IV/2012 của các tổ chức tín dụng này đã sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ. Lợi nhuận giảm mạnh cũng được các nhà băng lý giải là do chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh so với các năm trước.

Chẳng hạn, tại Sacombank, quý IV/2012, ngân hàng này đã thua lỗ 802 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi tới 638 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2012, Sacombank lãi trước thuế 1.366 tỷ đồng, kém xa so với mục tiêu lợi nhuận 3.400 tỷ đồng mà Ngân hàng đặt ra từ đầu năm. Theo ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng, lợi nhuận trước trích lập dự phòng cả năm 2012 đạt 2.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phải trích lập dự phòng các khoản liên quan đến công ty chứng khoán trực thuộc (SBS) lên đến trên 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của Sacombank chỉ còn 1.366 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng đạt 714,4 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2011 do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng chứng khoán và dự phòng phải thu khó đòi theo chỉ thị 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

ACB lỗ sau thuế 158,6 tỷ đồng trong quý IV/2012 và chỉ đạt lợi nhuận 928,4 tỷ đồng trong cả năm 2012, so với lần lượt mức lãi 1.349 tỷ đồng và 3.207,8 tỷ đồng cùng kỳ năm 2011. Nguyên nhân chủ yếu kéo lợi nhuận của ngân hàng này tụt mạnh là hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối của ACB trong năm qua đã lỗ 1.863 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tình trạng nợ xấu cũng tăng mạnh, dẫn đến khoản trích lập dự phòng rủi ro của ACB tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu của ACB ở thời điểm cuối năm 2012 là 2,5% tổng dư nợ, tăng gấp hơn 2 lần so cuối năm 2011. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 1,7 lần; nợ nghi ngờ tăng gần gấp đôi và nợ có khả năng mất vốn tăng gấp 2,8 lần (khoảng hơn 1.150 tỷ đồng). Riêng quý IV/2012, trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu của ACB đã tăng 100% so với cùng kỳ.

Không chỉ những nhà băng gặp biến cố năm qua, mà ngay cả các “ông lớn” trong ngành như: Vietcombank, Vietinbank, Eximbank… cũng chịu cảnh teo tóp lợi nhuận vì khoản trích lập dự phòng rủi ro, khi nợ xấu tăng cao.

Tại Vietinbank, nếu như trong cả năm 2011, mức dự phòng rủi ro chỉ hơn 1% tổng dư nợ tín dụng thì chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm 2012, con số trích lập đã tăng gấp đôi. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2012 của Vietinbank là 1,46%, so với mức 0,75% cuối năm 2011. Chi phí dự phòng rủi ro tại thời điểm cuối năm 2012 chiếm đến 4.352 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế quý IV/2012 của Vietinbank giảm 24%, xuống 1.350 tỷ đồng và cả năm giảm gần 1,3%, đạt 6.178 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính cả năm 2012, Vietinbank vẫn là ngân hàng đạt chỉ tiêu lợi nhuận lớn nhất.

Nợ xấu chưa giảm

Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu giảm, vì thế, dù tín dụng khó tăng, nhưng các nhà băng vẫn rất thận trọng trong việc cho vay, nhất là ở các lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cao, do lo ngại cho vay nhiều trích lập dự phòng tăng mạnh… Số liệu từ Vụ Tín dụng (NHNN) cho thấy, tăng trưởng tín dụng trong gần 2 tháng đầu năm 2013 âm 0,16% so với cuối năm 2012.

Giám đốc NHNN. TP. Hồ Chí Minh ông Tô Duy Lâm cho biết, mặc dù Chính phủ đã có các giải pháp đưa ra trong năm 2013 thể hiện ý chí, quyết tâm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải quyết nợ xấu…, nhưng trong ngắn hạn, những khó khăn từ kinh tế vĩ mô vẫn chưa thể giải quyết được. Vì vậy, NHNN TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo, các ngân hàng phải đặc biệt quan tâm và chủ động tái cơ cấu hoạt động, đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Các ngân hàng cần chủ động các giải pháp tái cơ cấu hoạt động gắn liền với xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh. Trong đó, tăng cường các giải pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo nợ vay, dự phòng rủi ro… là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, với quyết tâm xử lý nợ xấu, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2013 về hướng dẫn phân loại các khoản nợ, với những tiêu chí chặt chẽ hơn, áp dụng đồng nhất cho toàn bộ hệ thống ngân hàng, được áp dụng từ 1/6/2013, dự báo con số nợ xấu của nhiều ngân hàng sẽ còn gia tăng. Triển vọng lợi nhuận của ngành trong năm 2013, vì thế, sẽ không mấy sáng sủa do các ngân hàng phải tích cực phân loại nợ và dự phòng nợ xấu đầy đủ.