Triển khai quản lý ngân quỹ theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015

TS. Nguyễn Văn Quang

Để triển khai thực hiện quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN) an toàn và hiệu quả theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã và đang triển khai một số việc như: Xây dựng khuôn khổ pháp lý cho cải cách quản lý ngân quỹ, xây dựng công cụ quản lý ngân quỹ và hệ thống tài khoản thanh toán tập trung, hình thành bộ phận chuyên môn thực hiện chức năng quản lý NQNN. Đó là bước chuẩn bị bài bản,bước đi thích hợp để đảm bảo triển khai nghiệp vụ quản lý ngan quỹ theo quy định của Luật NSNN năm 2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Quản lý NQNN là một trong ba chức năng cơ bản KBNN được quy định tại Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN trực thuộc Bộ Tài chính (Quyết định 26).

Luật NSNN năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã khẳng định rõ địa vị pháp lý của KBNN trong quản lý ngân quỹ, theo đó  KBNN quản lý tập trung, thống nhất NQNN để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch tại KBNN; bảo đảm quản lý an toàn và sử dụng có hiệu quả NQNN, Luật cũng giao Chính phủ quy định chế độ quản lý NQNN an toàn và hiệu quả.

Luật NSNN năm 2015 sẽ có hiệu lực từ năm 2017, vì vậy, việc chuẩn bị tốt  các điều kiện cần thiết để triển khai Luật NSNN là một công việc hệ trọng của hệ thống KBNN, trong đó phải giải quyết nhiều vấn đề như cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ, công nghệ và tổ chức bộ máy, con người...

Công tác xây dựng cơ chế chính sách

KBNN đã nghiên cứu trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2016/NDCP ngày 05/4/2016 quy định về chế độ quản lý NQNN với 4 chương, 19 điều, Nghị định quy định về  phạm vi điều chỉnh; các nguyên tắc, nghiệp vụ quản lý NQNN; nhiệm vụ và quyềnhạn của các đơn vị có liên quan; đối tượng áp dụng.

Nghị định quy định về nghiệp vụ quản lý NQNN bao gồm: Phương án điều hành NQNN; dự báo luồng tiền, bao gồm dự báo thu, chi NQNN; xác định nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi hoặc thiếu hụt trong kỳ; việc  sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi theo thứ tự ưu tiên: Tạm ứng cho ngân sách trung ương; tạm ứng cho ngân sách cấp tỉnh; gửi có kỳ hạn tại ngân hàng; mua lại có kỳ hạn TPCP; biện pháp xử lý NQNN tạm thời thiếu hụt gồm: Phát hành tín phiếu kho bạc; thu hồi trước hạn các khoản đang gửi có kỳ hạn tại ngân hàng; số tiền vay bù đắp NQNN tạm thời thiếu hụt được hạch toán riêng và không tính vào bội chi NSNN; đồng thời, chi trả lãi vay là khoản chi nghiệp vụ quản lý NQNN.

Ngoài ra Nghị định cũng quy định về quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý NQNN: Các rủi ro trong quản lý NQNN, bao gồm: Rủi ro thanh toán; rủi ro trong hoạt động sử dụng NQNN; các loại rủi ro khác.

Quy định các biện pháp phòng ngừa rủi ro như: Các hạn mức sử dụng NQNN; KBNN triển khai đầy đủ, đồng bộ các biện pháp để giảm thiểu và phòng ngừa đối với các rủi ro trong quản lý NQNN; quy định về tài khoản thanh toán tập trung của KBNN.

Để thực hiện được nghiệp vụ quản lý ngân quỹ, Nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan đơn vị trong quản lý NQNN.

KBNN đã trình Bộ Tài chính ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định quy định chế độ quản lý ngân quỹ. Bộ Tài chính đã ký Thông tư số 314/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 và Thông tư số 315/2016/TT-BTC ngày 30/11/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại NHNN và NHTM.

Đối với quy định nghiệp vụ quản lý ngân quỹ, Thông tư  đã hướng dẫn chi tiết các quy định về nghiệp vụ quản lý ngân quỹ như làm rõ về phương án điều hành ngân quỹ, nội dung dự báo dòng tiền bao gồm cả dự báo bằng đồng Việt Nam; bằng ngoại tệ và dự báo chung cả đồng Việt Nam và ngoại tệ.

Thông tư cũng đã quy định rõ về thông tin dự báo ngân quỹ và cung cấp thông tin ngân quỹ, thời hạn gửi và nhận thông tin NQNN… Bên cạnh đó, Thông tư cũng hướng dẫn chi tiết về sử dụng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi hoặc bù đắp ngân quỹ tạm thời thiếu hụt, các hạn mức thiết lập để phòng ngừa rủi ro trong công tác quản lý NQNN.

Có thể nói, các văn bản pháp lý được ban hành trong năm 2016 đã tạo điều kiện cần thiết cho việc triển khai quản lý NQNN an toàn và hiệu quả.

Trên cơ sở quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ngân quỹ, sự phát triển đồng bộ củathị trường tài chính và cơ chế quản lý tài chính, ngân sách, KBNN cũng đang xây dựng quy trình nghiệp vụ về quản lý ngân quỹ, bao gồm các quy trình về dự báo luồng tiền, sử dụng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi và bù đắp ngân quỹ tạm thời thiếu hụt, quy trình về quản lý rủi ro.

Công tác tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực

KBNN đã thành lập cơ quan chuyên quản lý ngân quỹ là Cục Quản lý ngân quỹ bao gồm các phòng: Quản lý rủi ro; Giao dịch ngân quỹ; Thống kê và dự báo; Huy động vốn, qua đó xác định các bộ phận nghiệp vụ để bố trí sắp xếp nhân sự phù hợp với vị trí việc làm.

Xác định cụ thể nhiệm vụ công tác quản lý ngân quỹ như công tác xây dựng chính sách, chế độ, công tác dự báo dòng tiển, công tác quản lý rủi ro đề sắp xếp cán bộ phù hợp với khả năng, sở trường. Hiện tại Cục Quản lý ngân quỹ có 19 cán bộ đều có trình độ từ đại học trở lên, trong thời gian tới, đội ngũ cán bộ của Cục sẽ tiếp tục được KBNN tăng cường đội ngũ cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý ngân quỹ.

Để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý ngân quỹ luôn được KBNN chú trọng, đội ngũ cán bộ thường xuyên được học tập, bồi dưỡng kiến thức cả ở trong nước và ngoài nước như các khóa học tại New Zealand, Vương quốc Anh về tài chính, về quản lý rủi ro, qua đó giúp cho công chức nắm vững kiến thức cơ bản về quản lý ngân quỹ và am hiểu các thông lệ tốt trên thế giới.

Xây dựng các công cụ để quản lý ngân quỹ

KBNN đang tập trung xây dựng hệ thống dự báo luồng tiền nhằm dự kiến các luồng tiền thu, chi qua KBNN trong ngắn hạn cũng như dài hạn, là cơ sở xây dựng phương án điều hành NQNN linh hoạt, hiệu quả.

Xây dựng hệ thống kiểm soát và quản lý rủi ro; trong đó, phân loại xác định rõđối tượng, lĩnh vực thường có độ rủi ro cao cần được quản lý chặt chẽ trong hoạt động quản lý ngân quỹ; từ đó, lựa chọn chính sách và giải pháp an toàn để quản lý ngân quỹ hiệu quả, giảm thiểu rủi ro.

Song song với việc xây dựng các công cụ mới, KBNN sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thiện hệ thống tài khoản thanh toán tập trung hiện đại dựa trên nền tảng của hệ thống TABMIS, giao diện với các hệ thống thông tin khác (hệ thống thu NSNN, hệ thống thanh toán của ngân hàng…) nhằm quản lý ngân quỹ tập trung, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính của nhà nước.

Đến nay, KBNN đã thực hiện xây dựng hệ thống tài khoản kho bạc tập trung thông qua việc triển khai thanh toán điện tử liên ngân hàng (với NHNN) và thanh toán song phương điện tử (với 04 NHTM cổ phần nhà nước).

Hiện nay, KBNN đã hoàn thành công tác triển khai mở rộng thanh toán song phương điện tử tại 4 NHTM mà KBNN đang có mở tài khoản bằng VNĐ; đồng thời, triển khai thanh toán điện tử liên ngân hàng tại 9 đơn vị KBNN có mở tài khoản tại NHNN và dự kiển sẽ mở rộng cho toàn quốc vào năm 2017.

Dự kiển sẽ mở rộng cho toàn quốc vào năm 2017. Với những biện pháp đã triển khai và sự quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ công chức, viên chức, hệ thống KBNN hoàn toàn tự tin và sẵn sàng cho việc triển khai công tác cải cách quản lý ngân quỹ theo quy định của Luật NSNN năm 2015 ngay từ năm 2017, góp phần hoàn thành thắng lợi Chiến lược phát triển KBNN.