Triển vọng nợ công châu Âu và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam

ThS. LÊ THỊ MINH NGỌC - Học viện Ngân hàng

Cuộc khủng hoảng nợ công để lại nhiều khó khăn cho khu vực châu Âu trong những năm qua đã có dấu hiệu hạ nhiệt và đang có nhiều chuyển biến tích cực sau những nỗ lực giải cứu của Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB, Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF cùng các chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ các quốc gia từng rơi vào vòng xoáy khủng hoảng nợ. Châu Âu đã thực sự thoát khỏi khủng hoảng nợ hay vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, đe doạ đến khả năng phục hồi kinh tế trong thời gian tới? Bài viết đánh giá tình hình nợ công khu vực châu Âu, qua đó đề xuất một số gợi ý chính sách đối với thực trạng quản lý nợ công Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

“Bức tranh” nợ công khu vực châu Âu

Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), năm 2015, nợ chính phủ của khu vực đồng Euro giảm còn 93,5% GDP so với mức 94,5% GDP năm 2014, đây là dấu hiệu khả quan đầu tiên từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 trở lại đây.

Nhiều nước châu Âu vẫn có nợ công cao hơn rất nhiều so với mức tham chiếu 60% GDP của quy định trong Hiệp ước Maastricht. Hy Lạp vẫn duy trì tỷ lệ nợ cao nhất khu vực châu Âu (196,95%), chỉ sau Nhật Bản (quốc gia có tỷ lệ nợ công cao nhất thế giới – 245,9% năm 2015). Tiếp theo là Italia (133,11%), Bồ Đào Nha (127,8%), Bỉ (106,75%), Cyprus (106,37%), Ireland (100,63%, Tây Ban Nha (98,6%). Trong khi đó, các nước Estonia, Luxembourg, Bulgaria vẫn duy trì được khoản nợ công thấp dưới 30% GDP.

Hy Lạp vẫn được gọi là “tâm bão” của nợ công. Tuy nhiên, mối đe dọa Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung Euro đã tạm thời lắng dịu, khi ECB tăng cường các chương trình kích thích kinh tế đối với quốc gia này. Theo dự báo của IMF, gói cứu trợ cần thiết để trang trải nhu cầu tài chính của Hy Lạp từ tháng 6/2015 đến cuối năm 2018 lên đến 60 tỷ Euro và phải đến năm 2020 tỷ lệ nợ công Hy Lạp mới có thể ổn định hơn ở mức dưới 110% GDP.

Đối với Italia, nợ công cao vẫn là một nguyên nhân dẫn đến sự tổn thương đối với nền kinh tế trong thời gian qua. Tỷ lệ nợ công tăng trung bình 4,7 điểm phần trăm của GDP mỗi năm trong giai đoạn khủng hoảng 2008-2014, nâng tỷ lệ nợ/GDP lên 133,11% trong năm 2015 (từ mức đáy trước khủng hoảng là 100% năm 2007). Theo dự báo của Uỷ ban châu Âu, tỷ lệ nợ của Italia dự kiến sẽ giảm nhẹ còn 132,4% năm 2016, 130,6% năm 2017 và đến năm 2020 còn khoảng 120%. Sự phục hồi này một phần là nhờ những cải thiện về hiệu quả kinh tế (tăng trưởng kinh tế Italia tăng từ mức -0,4% năm 2014 lên 0,8% năm 2015 và dự kiến đạt 1,4% năm 2016) cùng với sự giảm sút về lãi suất trả nợ. Ngoài ra, sự thay đổi về cấu trúc kỳ hạn theo hướng tăng dần các trải phiếu chính phủ dài hạn (kỳ hạn nợ công Italia tăng lên khoảng 6,5% vào thời điểm cuối năm 2015) cùng với những cải cách về chính sách lương hưu, đã góp phần cải thiện vấn đề nợ công của Italia theo hướng ngày càng bền vững hơn.

So với mức nợ công năm 2014 là 130,2%, năm 2015 nợ công của Bồ Đào Nha giảm xuống còn 127,8%. Với những nỗ lực về cải thiện nền kinh tế, vấn đề thâm hụt ngân sách và hoạt động vay nợ dự kiến sẽ tạo động lực cho khoản nợ công Bồ Đào Nha và tiếp tục giảm xuống còn 124% vào cuối năm 2016. Tương tự, các chính sách khắt khe của Chính phủ Tây Ban Nha nhằm đảm bảo kỷ luật ngân sách, cải cách thuế và tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong suốt thời gian từ năm 2008 đến năm 2014 đã thu lại được những kết quả khả quan, khi Tây Ban Nha đã dần thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng nợ với mức nợ công giảm còn 98,6% năm 2015. Nợ công Tây Ban Nha tính đến thời điểm này không còn được xem là gánh nặng lớn đối với nền kinh tế, mà còn tạo tiền đề cho việc kích thích tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Triển vọng nợ công châu Âu và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam - Ảnh 1

Một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam

Từ những kinh nghiệm xử lý nợ công của các nước châu Âu, bài viết đề xuất một số gợi ý nhằm cải thiện sự an toàn và bền vững nợ công Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, tập trung cải thiện hiệu quả kinh tế. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn phụ thuộc vào yếu tố vốn (đóng góp trên 50% vào tăng trưởng kinh tế hàng năm), như vậy cần khắc phục thực trạng này theo hướng tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực (vốn, tài nguyên thiên nhiên, đất đai…), qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng khả năng tích luỹ. Tiềm lực kinh tế nội tại của quốc gia được củng cố sẽ là nền móng vững chắc, để đảm bảo nguồn kinh phí đáp ứng nhu cầu đầu tư và trang trải cho các khoản nợ công khi đến hạn mà không tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Thứ hai, thực hiện nghiêm túc kỷ luật ngân sách, cải cách thuế và thực thi các chính sách, nhằm đảm bảo nguồn thu bền vững. Chính phủ Tây Ban Nha đã triển khai thực hiện cải cách thuế và tăng khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế, để đảm bảo kỷ luật ngân sách đã thu lại những kết quả đáng kể, cải thiện tình hình nợ công của quốc gia này. Có thể thấy, trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 – 2015, chi đầu tư luôn ở mức thấp nhất, trong khi chi trả nợ tăng khoảng 1,83 lần và chi thường xuyên tăng tới 2,53 lần. Chi thường xuyên và trả nợ tăng nhanh, nhiều khoản chi lại chưa được quản lý chặt chẽ, kém hiệu quả, dẫn đến hầu hết các khoản chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ, càng làm cho áp lực nợ công tăng cao và áp lực trả nợ ngày càng lớn.

Về chi tiêu công, đối với chi đầu tư cần loại bỏ các dự án không hiệu quả và có cơ chế đủ mạnh để kiểm tra, giám sát và xử lý các vấn đề phát sinh, đặc biệt là tình trạng nhiều dự án trì hoãn triển khai nhằm điều chỉnh tăng vốn đầu tư, làm giảm hiệu quả sử dụng đồng vốn. Chi thường xuyên cần phải được kiểm soát để tránh tình trạng chi quá lớn cho hoạt động quản lý hành chính Nhà nước nhưng chưa hiệu quả, cải cách các khoản chi lương hưu, an sinh xã hội theo hướng nâng cao phúc lợi xã hội; đồng thời, giảm thiểu sự thất thoát và lãng phí ngân sách quốc gia.

Thứ ba, tiếp tục tái cơ cấu nợ theo hướng bền vững. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp là kết cấu nợ thiếu an toàn với tỷ trọng nợ nước ngoài và nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn, vì vậy Việt Nam cần tiếp tục cải thiện các chỉ tiêu này trong thời gian tới. Tăng tỷ trọng nợ trong nước thông qua việc tăng tính hấp dẫn đối với trái phiếu chính phủ trong nước đối với các nhà đầu tư về tính thanh khoản, linh hoạt, lợi tức, kỳ hạn… Thực hiện tăng dần kỳ hạn trái phiếu chính phủ (kỳ hạn trung bình phải trong khoảng 5-10 năm), để cân đối với việc sử dụng nguồn vốn vay, phòng ngừa rủi ro thanh khoản khi các khoản nợ đến hạn và phải dùng đến các biện pháp phát hành trái phiếu chính phủ quốc tế để đảo nợ. Kết hợp với điều này, cần tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu chính phủ nói riêng và thị trường vốn nói chung, để đảm bảo nhu cầu huy động vốn và thanh khoản ngân sách về lâu dài.

Tài liệu tham khảo:

1. European Commission (2016), European Commission staff working document, Country Report Portugal 2016, Brussels;

2. European Commission (2016), European Commission staff working document, Country Report Italy 2016, Brussels;

3. Chính phủ (2015), Báo cáo số 231/BC-CP ngày 18/5/2015 về sử dụng vốn vay, quản lý nợ công;

4. Bộ Tài chính (2014) Bản tin nợ công;

5. Website: http://ec.europa.eu/eurostatim; http://www.imf.org/; www.tradingeconomics.com; www.cafef.vn.