Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 và một số kiến nghị

ThS. NGUYỄN THỊ ƯNG – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, NGUYỄN THỊ THẢO – Đại học Thăng Long

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016, trong đó nhất trí thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,7%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Có thể nói, đây là mục tiêu khá cao trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế vẫn còn nhiều thách thức. Do vậy, để đạt mục tiêu đề ra, đòi hỏi cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.

Nhiều nhận định lạc quan

Thời gian qua, kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá dầu tiếp tục giảm và ở mức thấp, một số nước phá giá mạnh đồng tiền... đã tác động nhiều hơn đến nền kinh tế nước ta so với giai đoạn cuối năm 2014 đầu năm 2015. Tuy vậy, với sự điều hành sát sao của Chính phủ và quyết tâm của các Bộ, ngành, nền kinh tế vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%); Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD (tính theo sức mua ngang giá là trên 5.600 USD). Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh từ mức 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua.

Có thể nói, cơ sở để Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao, ở mức 6,7% trong năm 2016 ngoài kết quả tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn 2011-2015, kết quả ấn tượng từ tái cơ cấu nền kinh tế, thu ngân sách nhà nước, thu hút vốn FDI, cơ hội từ việc gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… thì còn phải kể đến nhân tố quan trọng được các tổ chức kinh tế - tài chính và giới chuyên gia quốc tế đánh giá rất cao đó là kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà hiện nay Việt Nam đang triển khai (đặc biệt từ sau Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016).

Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu (GCR) 2015-2016 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố hôm 29/9 cho thấy, chỉ số cạnh tranh quốc gia (GCI) của Việt Nam đạt 4,3 điểm, xếp ở vị trí 56/140 nền kinh tế được WEF khảo sát năm nay. Tại Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có mức tăng bậc mạnh nhất.

Mới đây nhất, ngày 28/10, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng công bố báo cáo báo cáo Môi trường Kinh doanh 2016, trong đó năm 2015 Việt Nam tăng 3 bậc so với xếp hạng năm trước, ở vị trí thứ 93 và năm 2016 được xếp ở vị trí 90, tăng 3 bậc (đáng chú ý là chỉ số về nộp thuế tăng 4 bậc, từ mức 172 trong năm 2015 lên mức 168 trong năm 2016…).

Với những nền tảng như vậy, đã có khá nhiều dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế nói chung và tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2016. Tháng 7/2015, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch Đầu tư) dự báo GDP năm 2016 của Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức cao là 6,7-7,1%.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 và một số kiến nghị - Ảnh 1

Trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2016, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dự báo năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giao động trong khoảng 6,5% - 6,7%. Thậm chí, ở góc nhìn lạc quan hơn, một số chuyên gia kinh tế còn khẳng định, trên nền tảng tạo dựng được trong năm 2015 cả về mặt chính sách, cơ chế cũng như kết quả thực tế về phát triển kinh tế - xã hội thì năm 2016 tăng trưởng kinh tế có thể đạt khoảng 7%.

Các tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế cũng đều đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam và hầu như đều có chung nhận định tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,6-6,7% vào năm 2016. Theo đó, trong báo cáo cập nhật Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương công bố ngày 5/10, WB dù hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước Đông Nam Á như Indonesia, Philippines và Thái Lan, nhưng lại nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam với dự báo tăng trưởng 6,3% trong năm 2016 và 2017.

Báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2015 và 2016 sẽ vượt mức kỳ vọng, nâng mức dự báo tăng trưởng GDP lên mức 6,6% cho năm 2016 – cao hơn so với dự báo mà ngân hàng này đã đưa ra vào đầu năm nay (6,2%). ADB kỳ vọng mức tăng trưởng này nhờ đánh giá cao vào các chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý của Việt Nam, góp phần khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô, những cải cách chính sách gần đây đã củng cố niềm tin của doanh nghiệp (DN).

Trong “Báo cáo cập nhập thông tin kinh tế toàn cầu 2015” công bố hôm 04/11/2015, Ngân hàng ANZ nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2016 của Việt Nam lên 6,9%, cao hơn mức dự báo so với mức 6,5% trước đó. Thậm chí, báo cáo này còn nhận định Việt Nam sẽ là một trong ba nền kinh tế (bao gồm cả Ấn Độ, Philippines) ít chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn nhờ xuất khẩu hay nhập khẩu đa dạng về ngành hàng và đều có tốc độ tăng trưởng đáng kể so với các nước cùng khu vực.

Nhưng không ít thách thức

Dù có nhiều nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2016, song phải thừa nhận rằng vẫn không ít thách thức phía trước. Mới đây, một số tổ chức đưa ra dự báo không mấy lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016, chỉ ở mức tăng trưởng 2,8%. Khu vực đồng Euro được dự đoán có thể đạt 1,6%, trong khi kinh tế Mỹ tụt lùi xuống còn 2,4% (so với mức 2,5% trong năm nay), kinh tế Trung Quốc dậm chân ở mức 3,7% trong cả 2 năm tới.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam bởi đây đều là những thị trường xuất khẩu chính hiện nay của Việt Nam. Bên cạnh đó, thời gian qua kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dựa trên tài nguyên, khai khoáng nên không thực sự bền vững.

Một số chỉ tiêu chủ yếu được đưa ra trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP...

Nền kinh tế trong nước phục hồi chậm, tính bền vững chưa cao, phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố bên ngoài. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, nhất là nông sản còn nhiều khó khăn, liên kết giữa DN FDI và DN trong nước còn hạn chế. Cơ cấu kinh tế trong nước vẫn chậm được cải cách, chưa tạo được động lực mới cho tăng trưởng.

Trong khi đó, dư địa chính sách (tài khóa và tiền tệ) ngày càng bị thu hẹp, khó có thể thực thi chính sách kích thích kinh tế. Tốc độ tăng thu ngân sách đang thấp hơn tốc độ chi, đặc biệt chi thường xuyên, nợ công dù an toàn nhưng đang gần sát trần giới hạn, chu kỳ trả nợ ngày càng lớn, nợ xấu ngân hàng không thể xử lý nhanh… đang trở thành những thách thức lớn cần nhanh chóng có giải pháp căn cơ.

Ngoài ra, sự kỳ vọng vào TPP trong thời gian tới là rất lớn, song việc nắm cơ hội cũng đặt ra nhiều băn khoăn. Thực tế, sự nắm bắt, hiểu biết về hội nhập cũng như những tác động tới nền kinh tế, hoạt động đầu tư, kinh doanh của từng DN đối với TPP chưa được quan tâm đúng mức. Trình độ công nghệ, chất lượng sản phẩm kém, năng lực cạnh tranh thấp sẽ là những khó khăn cho sự phát triển của nền kinh tế trong năm 2016, cần sớm có giải pháp khắc phục trong năm 2016 và trong trung và dài hạn. Vào các nước TPP, Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, có nghĩa là nhập siêu sẽ gia tăng. Khả năng này là khá cao khi Việt Nam chưa phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng hóa, thiết bị, máy móc thay thế nhập khẩu.

Bên cạnh đó, thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện chưa thực sự đa dạng, trở thành yếu tố rủi ro rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh khu vực và quốc tế biến động hiện nay. Do vậy, bên cạnh việc đa dạng hóa được thị trường mới bên cạnh những thị trường truyền thống hiện nay, Việt Nam cần chú trọng thêm thị trường nội địa với mục tiêu biến thành thị trường tiêu thụ lớn nhất với những sản phẩm trong nước.

Một số đề xuất

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7% theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016, theo các chuyên gia kinh tế, cần triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đã được Quốc hội thông qua và đã được Chính phủ chỉ ra tại Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016.

Theo đó, tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát tốt lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Trong đó, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm phát triển nhanh - bền vững. Kết hợp hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; gắn kết hài hoà tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân…

Tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi đầu tư, chi thường xuyên và chi trả nợ, theo hướng chi đầu tư tăng nhanh hơn, phấn đấu giảm dần bội chi. Tập trung xử lý cơ bản nợ đọng xây dựng cơ bản, không để phát sinh thêm nợ mới, triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính, các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ, tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn với lãi suất phù hợp…

Tiếp tục tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Nâng cao hiệu quả và tập trung nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu. Tiếp tục tái cơ cấu DNNN, đẩy nhanh cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành; bán hết phần vốn trong các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường; sử dụng một phần số tiền thu được cho đầu tư phát triển; tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu; bố trí đúng cán bộ lãnh đạo, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động…

Cần kiên định kiềm chế lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng phù hợp, xử lý nợ xấu có hiệu quả. Tín dụng sẽ tập trung vào sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên các DNNVV, các lĩnh vực như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… Đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý tốt nhập khẩu, có giải pháp cải thiện mạnh mẽ sự mất cân đối trong quan hệ thương mại với một số thị trường có nhập siêu lớn.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước phát triển, thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ nông dân, DN trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Từ phía các DNNVV cũng phải có những thay đổi, cải cách quản trị điều hành, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi... Phát triển mạnh các loại hình và nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của DN.

Bên cạnh đó, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia kiến nghị chính sách vĩ mô năm 2016 cần tập trung ưu tiên cho hỗ trợ DN, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng trong nước. Các DN cần nỗ lực tăng năng suất, cải tiến công nghệ cùng với sự tăng cường hỗ trợ từ phía Nhà nước nhằm tận dụng đầy đủ những lợi thế từ các hiệp định tự do thương mại sẽ đem lại.

Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, muốn phát triển ổn định, Việt Nam phải đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, tạo điều kiện thuận lợi để DN tư nhân phát triển, đồng thời thúc đẩy phát triển được thị trường vốn, tạo điều kiện cho DN tiếp cận được vốn dễ dàng, thuận lợi và ổn định hơn.

Bên cạnh đó, phải nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của người lao động Việt Nam bởi nguyên tắc chung trong quá trình chuyển đổi từ một nước thu nhập trung bình thành nước thu nhập cao đó là có một nguồn lao động được đào tạo, có kỹ năng cao. Đây chính là lực lượng lao động quan trọng tạo ra động lực phát triển cho DN, mà rộng ra là cho cả nền kinh tế.