Triển vọng từ EVFTA và những gợi ý về chính sách cho Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Ngọc Loan - Học viện Ngân hàng

Sau hơn ba năm đàm phán, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) vào tháng 12/2015. EVFTA được đánh giá là Hiệp định thế hệ mới với sự mở cửa toàn diện, sâu rộng và có tác động mạnh nhất tới nền kinh tế Việt Nam cũng như các nước thành viên. Với đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại, đầu tư song phương là tính bổ sung mạnh mẽ, ít lĩnh vực cạnh tranh đối đầu, Hiệp định sẽ mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho các bên tham gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cam kết mở cửa hơn 99% số dòng thuế

Cấu trúc của Hiệp định EVFTA có sự khác biệt đáng kể so với các hiệp định thương mại tự do trước đây mà Việt Nam đã ký kết. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây chỉ có tiêu chuẩn trung bình và chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ nhưng không vượt quá cam kết trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Với EVFTA, Hiệp định cam kết mở cửa thị trường lên tới hơn 99% số dòng thuế và kim ngạch thương mại, thuế suất 0% sẽ được áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản nhiệt đới, đồ gỗ... của Việt Nam và ô tô, máy móc-thiết bị, rượu bia, dược phẩm, nông sản ôn đới... của châu Âu (EU).

Về thương mại dịch vụ, cam kết của hai bên đều đi xa hơn cam kết trong khuôn khổ WTO. Các doanh nghiệp (DN) EU sẽ được hưởng ưu đãi hơn khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà các doanh nghiệp (DN) EU có thế mạnh như dịch vụ tài chính - ngân hàng, phân phối, vận tải...

Ngoài những vấn đề trên, còn có những vấn đề Việt Nam chưa từng cam kết như: Đầu tư (cả trong sản xuất và dịch vụ), chính sách đối với DN nhà nước (DNNN), mua sắm công, lao động, môi trường… Theo đó, Hiệp định hướng tới bảo đảm bình đẳng giữa mọi DN, mọi lĩnh vực, đặt DNNN vào cuộc chơi cạnh tranh bình đẳng.

Các DNNN hiện đang hoạt động trong lĩnh vực độc quyền khi tham gia kinh doanh lĩnh vực có cạnh tranh cũng bị điều chỉnh bởi cam kết này. Phạm vi điều chỉnh của cam kết có hiệu lực cả với các DNNN trung ương và các DNNN địa phương…

Nhìn chung, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam, tác động cộng hưởng của Hiệp định EVFTA và các FTA đã ký là rất lớn, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới của các DN Việt Nam, giúp các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam ngày càng tăng trưởng tại các thị trường có FTA.

Ðối với cả Việt Nam và EU, có thể nói thương mại hàng hóa sẽ là lĩnh vực hứa hẹn nhất hiện nay do việc xóa bỏ thuế quan sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vốn đã và đang phát triển mạnh mẽ giữa hai bên. Ðối với EU, đầu tư vào một số ngành dịch vụ thế mạnh như tài chính - ngân hàng, phân phối, vận tải... sẽ được hưởng lợi ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Cụ thể:

Về thương mại hàng hóa: Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Đối với các nhóm hàng quan trọng, cam kết của EU như sau:

- Dệt may, giày dép và thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên): EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Với cá ngừ đóng hộp, EU đồng ý dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch thuế quan thỏa đáng.

- Gạo: EU dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch đáng kể đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm. Gạo nhập khẩu theo hạn ngạch này được miễn thuế hoàn toàn. Riêng gạo tấm, thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ theo lộ trình. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế nhập khẩu về 0% trong vòng 7 năm.

- Mật ong: EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.

- Toàn bộ các sản phẩm rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh: Về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Đối với xuất khẩu của EU, cam kết của Việt Nam đối với các mặt hàng chính là:

- Ô tô, xe máy: Việt Nam cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0% sau từ 9 tới 10 năm; riêng xe máy có dung tích xy-lanh trên 150 cm3  có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu là 7 năm.

- Rượu vang, rượu mạnh, bia, thịt lợn và thịt gà: Việt Nam đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu trong thời gian tối đa là 10 năm.

Về thuế xuất khẩu: Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu sau lộ trình nhất định; chỉ bảo lưu thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm quan trọng, trong đó có dầu thô và than đá. 

Các nội dung khác liên quan tới thương mại hàng hóa: Việt Nam và EU cũng thống nhất các nội dung liên quan tới thủ tục hải quan, SPS, TBT, phòng vệ thương mại… tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên hợp tác, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.

Về thương mại dịch vụ và đầu tư: Cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các DN hai bên.

Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước.

Về nội dung mua sắm của Chính phủ: Việt Nam và EU thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định mua sắm của Chính phủ của WTO. Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu...

EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này. Việt Nam bảo lưu có thời hạn quyền dành riêng một tỷ lệ nhất định giá trị các gói thầu cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước.

Đối với vấn đề sở hữu trí tuệ: Cam kết về sở hữu trí tuệ gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý... Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Về chỉ dẫn địa lý, khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Ngoài ra, Hiệp định EVFTA còn đề cập tới những khía cạnh khác như: Cạnh tranh, DNNN, phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý, thể chế. Các nội dung này đều phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai bên.

Việt Nam cần chủ động trước những tác động của EVFTA

Thảo luận về cơ hội và tác động của EVFTA, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, với các cam kết sâu rộng như vậy, dự kiến sẽ có hai loại tác động đến việc điều chỉnh về thể chế và chính sách. Các tác động trực tiếp liên quan đến các cam kết mà Việt Nam phải đáp ứng bao gồm rà soát văn bản quy phạm pháp luật và chính sách.

Tác động gián tiếp là những tác động không nhất thiết phải từ các quy định trong FTA nhưng Việt Nam cần chú ý nếu muốn tận dụng lợi thế, hoặc hạn chế những tác động tiêu cực có thể xảy ra. Tác động đến từ các cải cách thể chế và cơ cấu cũng được đánh giá là một thách thức lớn đối với Chính phủ Việt Nam nếu coi EVFTA như một công cụ để thúc đẩy cải cách.

Nghiên cứu mới công bố đầu năm 2017 của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, Việt Nam đã có những bước đệm để ứng phó những tác động có thể đem lại của EVFTA. Cụ thể:

- Việt Nam đã đạt mức độ ổn định kinh tế vĩ mô nhất định từ năm 2014. Tăng trưởng đã được phục hồi; Cơ chế về tỷ giá hối đoái đã được thay đổi để giúp ổn định tỷ giá và tạo thuận lợi phát triển thương mại.

- Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã chứng kiến sự cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây. Ví dụ, chỉ số giao dịch qua biên giới vào năm 2016 giảm một bậc, từ 98 xuống 99 trên 189 quốc gia được xếp hạng… Việc cải thiện môi trường đầu tư cũng đã đạt được một số thành công nhất định. Luật đầu tư sửa đổi năm 2014 đã đơn giản và minh bạch hơn về quá trình phê duyệt dự án đầu tư. Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm 2016 tăng 6 bậc so với năm 2015, từ thứ hạng 125 lên 119 trên 189 quốc gia.

- Hoạt động của các DNNN cũng đã có nhiều chuyển biến nhờ sự quyết liệt trong triển khai các chính sách của Chính phủ như: Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin DNNN và Nghị định 87/2015-NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN.

Khu vực DN tư nhân cũng đã chuẩn bị tâm thế ứng phó với những tác động của EVFTA. Một cuộc khảo sát 120 DN của nhóm nghiên cứu cho thấy, có tới 82% DN biết đến sự tồn tại của Hiệp định EVFTA. Mặc dù hầu hết trong số họ không có sự hiểu biết sâu sắc về Hiệp định, song đây cũng là một dấu hiệu cho thấy DN Việt đã có sự chuẩn bị bước đầu.

Một số gợi ý về chính sách

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trước khi tham gia EVFTA, Việt Nam cơ bản đã cập nhật các quy định đầu tư theo yêu cầu của WTO và các FTA khác.

Tuy nhiên, để thực hiện EVFTA, có một số điểm cần thiết phải sửa đổi các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ môi trường đầu tư như: Các cam kết về tiếp cận thị trường; Đối xử quốc gia trong hoạt động đầu tư; Tự do hóa đầu tư theo danh mục các cam kết về tự do hóa đầu tư; Yêu cầu thực hiện… Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay được nhìn nhận chính là việc cải thiện môi trường đầu tư để thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Thực tế, Chính phủ nước ta cũng đã dành sự quan tâm rất lớn trong vấn đề này, tuy nhiên những nỗ lực đó có thành công hay không phải gắn với việc thế giới đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam.

CIEM cũng dự báo về những thay đổi trong tương lai về luật pháp đầu tư, đòi hỏi thời gian tới cần phải tập trung vào các vấn đề như:

Thứ nhất, luật hóa các quy định liên quan đến đầu tư để thực thi EVFTA và các hiệp định khác. Tác động trực tiếp phải hướng đến việc cải thiện sự thuận lợi cho nhà đầu tư.

Thứ hai, xem xét, công bố và kiểm soát chặt chẽ các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư; thúc đẩy việc phổ biến, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN, nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước để đảm bảo thực hiện đầy đủ, phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư, Luật DN.

Thứ ba, xây dựng kế hoạch để thu hút đầu tư và hướng dẫn thực hiện hiệu quả các chính sách để thu hút có chọn lọc đầu tư chất lượng cao, tập trung vào các ngành công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại và các dự án có sản xuất quy mô lớn...

Thứ tư, xây dựng chính hỗ trợ như Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, kế hoạch phát triển cho các DN nhỏ và vừa… Hỗ trợ DN thâm nhập và mở rộng thị trường mới thông qua các kênh hợp tác kinh tế, thương mại và xúc tiến đầu tư, bao gồm hỗ trợ, giải quyết các vấn đề khó khăn phát sinh trong các thị trường xuất khẩu…

Thứ năm, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu, thành phần đầu vào cho sản xuất, chế biến chế tạo; Hỗ trợ DN Việt Nam tham gia tích cực trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực cơ khí, điện tử, công nghệ cao…

Thứ sáu, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư theo hướng thủ tục tranh chấp công khai, minh bạch và tạo cơ chế để công nhận và bảo đảm thi hành các phán quyết của tòa án, trọng tài nước ngoài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong đầu tư và các hoạt động kinh doanh…   

Tài liệu tham khảo:

1. CIEM (2017), Báo cáo tóm tắt “Ảnh hưởng của Hiệp định EVFTA đến thể chế và chính sách”;

2. TS. Nguyễn Bích Thủy (2016), Những tác động của Hiệp định thương mại tự do đối với kinh tế Việt Nam;

3. Mai Duyến (2016), Tác động của Hiệp định EVFTA đối với nền kinh tế Việt Nam, Trung tâm WTO (TP. Hồ Chí Minh);

4. Thanh Quân (2017), Triển vọng từ Hiệp định EVFTA, Báo Nhân dân.

5. Các website: trungtamwto.vn, mutrap.org.vn, tapchitaichinh.vn…