Trốn đóng bảo hiểm xã hội là tội trốn thuế

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Công nhân vẫn trích tiền lương để đóng bảo hiểm hàng tháng, nhưng không ít doanh nghiệp chây ỳ không nộp khoản tiền này cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Biết quyền lợi bị xâm phạm nhưng công nhân không dám phản ứng do lo ngại mất việc. Vì vậy cần có giải pháp cứng rắn để thu hồi số tiền nợ đọng này.

Trốn đóng bảo hiểm xã hội là tội trốn thuế
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Doanh nghiệp cho biết, nợ đóng bảo hiểm xã hội là do tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm khó khăn, phải chờ kinh doanh có lãi mới đóng. Tình hình kinh tế trong và ngoài nước khó khăn đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp, nhưng nguyên nhân sâu xa của tình trạng này không phải vậy. Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn thu tiền đóng bảo hiểm của người lao động sau đó chiếm dụng để gửi vào ngân hàng hưởng lãi suất cao hoặc đầu tư cho sản xuất, kinh doanh thay vì vay vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, do cơ quan bảo hiểm xã hội không có chức năng thanh tra nên không thể phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng này. Đây cũng là kẽ hở để các doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp hiện đã lên tới trên 11.600 tỷ đồng, bằng gần 5% tổng số thu bảo hiểm hàng năm. Không chỉ trốn đóng, nhiều doanh nghiệp còn cố tình chậm nộp, thậm chí không nộp bảo hiểm xã hội. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương chỉ có cách đến từng doanh nghiệp vận động họ nộp tiền đúng hạn. Thế nhưng, các doanh nghiệp có rất nhiều cách để thoái thác, kéo dài việc nộp khoản tiền này. Vì thế, dù có khoảng 1.500 đơn vị nợ đọng bảo hiểm bị khởi kiện nhưng số tiền thu hồi chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng và việc thu nợ liên tục bế tắc. Chế tài xử phạt nhẹ, cơ quan bảo hiểm chỉ có thể vận động nên doanh nghiệp thích đóng lúc nào thì đóng, không đóng cơ quan chức năng cũng chịu.

Như vậy, nếu chỉ dừng lại ở chế tài phạt nộp chậm như hiện nay thì không đủ sức răn đe đối với những doanh nghiệp trốn, nợ bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, việc thu hồi số lượng tiền đóng bảo hiểm xã hội còn nợ sẽ có tác động lớn đến trật tự an toàn xã hội, bảo đảm lợi ích căn bản và an sinh xã hội của hàng triệu người lao động. Đại diện Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đề nghị, cần coi hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội tương tự như trốn thuế và bị truy tố hình sự, để có sức răn đe hơn với doanh nghiệp trốn đóng, chây ỳ nộp tiền.

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của UBTVQH đã khẳng định, bảo hiểm xã hội là cơ quan nhà nước được giao trách nhiệm đối với trụ cột an sinh xã hội chủ yếu, liên quan đến an sinh xã hội của hàng chục triệu người lao động. Bảo hiểm xã hội không chỉ là đơn vị chuyên môn mà còn là một tổ chức tài chính, được Nhà nước giao chức năng quản lý, sử dụng, đầu tư sinh lời đối với quỹ bảo hiểm xã hội; tổ chức cung cấp dịch vụ công. Vì thế, việc bổ sung chức năng thanh tra đóng bảo hiểm xã hội sẽ tạo điều kiện nâng cao trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội, khắc phục những hạn chế đối với việc chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động. Theo báo cáo này, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã quy định giao chức năng thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội (khoản 3, Điều 13); bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội. Quyền năng tăng thêm này của cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ góp phần chấn chỉnh tình trạng chậm đóng hoặc không đóng bảo hiểm xã hội.