Tự chủ phát triển nông nghiệp trong mối quan hệ với Trung Quốc

GS., TS. Võ Tòng Xuân

(Tài chính) Nằm ngay cạnh một nước láng giềng có một dân số lớn gấp 15 lần, đáng lẽ ra Việt Nam phải trở nên giàu có nhờ thị trường khổng lồ của Trung Quốc, nhưng sự thể đã xảy ra ngược lại. Việt Nam luôn luôn là quốc gia nhập siêu từ Trung Quốc trong khi hàng xuất của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô theo đường tiểu ngạch, giá trị gia tăng thấp. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đang có sự phụ thuộc rất lớn vào người láng giềng Trung Quốc.

Tự chủ phát triển nông nghiệp trong mối quan hệ với Trung Quốc
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Những lệ thuộc trong nông nghiệp

Để có hàng nông sản của Việt Nam, nhất là gạo, xuất cho Trung Quốc, Việt Nam phải nhập về phân bón và hàng trăm loại nông dược. Theo báo Tia Sáng (21/4/2014) trích từ thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng giá trị nhập khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2013 là 18,84 tỷ USD, thì nhập khẩu vật tư nông nghiệp tiêu tốn tới 12,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với năm 2012. Lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu gia tăng khủng khiếp, nếu năm 2005 ta nhập khoảng 20.000 tấn, thì đến năm 2012 ta đã nhập tới 55.000 tấn, tiêu tốn 704 triệu USD và năm 2013 lên tới 778 triệu USD, tăng 11,2% so với năm 2012... Đại thể, ta phải nhập gần như 100% thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, trong đó khoảng 90% nhập từ Trung Quốc.

Tình trạng thức ăn chăn nuôi còn thê thảm hơn! Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi năm 2013 đã tiêu tốn 3,08 tỷ USD, lớn hơn tiền ta thu về từ xuất khẩu gạo, tăng 22,3% so với năm 2012. Có người cho rằng, ngoài mảnh đất, chuồng trại và lao động sống, tuyệt đại đa số đầu vào của sản xuất nông nghiệp là nhập khẩu từ nước ngoài, dành dụm được đồng nào lại đi mua vật tư nông nghiệp của nước ngoài để tái sản xuất. Vì thế, nền nông nghiệp của Việt Nam về cơ bản đã theo "vết xe" của công nghiệp, lại vẫn là nền nông nghiệp gia công.

Nền nông nghiệp gia công của Việt Nam làm ra hàng xuất khẩu cho Trung Quốc chủ yếu là ở dạng thô, ít qua chế biến sâu và cao cấp: gạo, mủ cao su, khoai mì, khoai lang, đọt khoai lang, dưa hấu, thanh long… Các doanh nghiệp Việt Nam đưa sang bán cho bạn hàng Trung Quốc với giá rẻ theo đường tiểu ngạch để có thể lách thuế, ăn gian trọng tải, ép giá nông dân, làm thiệt hại cho nông dân và thất thu ngân sách của Nhà nước.

Hãy lấy một thí dụ điển hình nhất về sản xuất nông nghiệp để thấy mức độ lệ thuộc của nước ta với Trung Quốc như thế nào? Đó là sản xuất lúa ở miền Bắc, Việt Nam. Chuẩn bị đất phải dùng máy bơm nước ra cho cày bừa và sau đó bơm nước vào tưới lúa. Máy bơm rất có thể là máy “Made in China,” máy cày kéo có thể của Liên Xô cũ, nhưng cũng có của Trung Quốc. Sử dụng giống lúa, 70% giống là lúa lai nhập từ Trung Quốc. Phân đạm 1/3 nhập từ Trung Quốc, bình bơm có thể cũng từ Trung Quốc, mặc dù trong nước cũng có sản xuất, nhưng chất lượng kém, giá bán cao, nông dân không mấy "mặn mà". Gặt lúa nếu dùng máy gặt đập, thì 80% là máy của Trung Quốc. Còn lại là con người nông dân chỉ lo cày cấy, nhổ cỏ, rải phân, phun thuốc, cắt lúa, phơi lúa. Như vậy, chẳng khác gì làm gia công ra hạt gạo. Cụ thể:

- Máy cày của Việt Nam không có công nghiệp chính quy nào làm ra; chỉ có vài xưởng cơ khí nhỏ ở nông thôn miền nam có sản xuất máy gặt đập liên hợp, nhưng không có vốn đầu tư máy móc thiết bị chế tạo, nên không phát triển được. Ngay công nghiệp làm lốp xe, ta chỉ làm được lốp xe đạp, lốp xe máy cày, thì phải đưa cao su qua Trung Quốc chế biến rồi mới mua thành phẩm lốp xe máy cày. Thế thì ai đã để cho có tình trạng này kéo dài triền miên: chính sách đầu tư của Nhà nước không hiệu quả, chuyên viên cơ khí chưa đạt trình độ, thiếu chuyên viên hóa công nghiệp…? Nhìn chung, ngành công nghiệp Việt Nam còn rất kém phát triển. Công nghiệp cơ bản (luyện kim) hỗ trợ cho các công nghiệp chế tạo chưa được đầu tư đúng mức mặc dù ta có nhiều tài nguyên, khoáng sản...

Nhiều chuyên gia cơ khí quốc tế làm việc ở Việt Nam đã than “thậm chí một con vít tốt, mà Việt Nam cũng không chế tạo được khiến chúng tôi phải nhập từ Trung Quốc sang.” Ở miền Nam, nhiều thợ máy ở nông thôn, không có bằng cấp đại học vẫn có thể chế tạo máy gặt đập liên hợp, máy sạ cấy, máy công cụ…, nhưng họ không được lãnh đạo địa phương chú ý đầu tư, không được Bộ Công Thương phát huy tài năng. Do đó, Việt Nam sẽ khó mà có được những "ông" Toyota, "ông" John Deere.

- Việt Nam phải nhập phần lớn giống lúa lai từ Trung Quốc. Theo một báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do khả năng tự sản xuất hạt lúa lai tại Việt Nam chỉ đạt 3.500-4.000 tấn/năm (đáp ứng 24% nhu cầu), nên mỗi năm Việt Nam phải nhập khoảng 13.000 tấn hạt giống lúa lai. Ngay cả nguồn giống bố mẹ để sản xuất ra hạt lúa lai nước ta cũng không chủ động được, mà vẫn phải nhập một lượng lớn từ Trung Quốc.

Thực tế, "điệp khúc" nghiên cứu khó, thiếu kinh phí, mà các nhà quản lý ngành nông nghiệp đưa ra không có gì mới so với cách đây hàng chục năm. Trong khi đó, Việt Nam đã chi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng cho chương trình sản xuất giống lúa lai, nhưng do cách quản lý lỏng lẻo nên không đạt kế hoạch. Những chương trình hỗ trợ công tác nghiên cứu giống trong nước không đủ để các công ty đầu tư dài hạn, trong khi nhập khẩu hạt giống về bán sẽ ít rủi ro và thu lợi nhanh hơn.

- Công nghiệp phân bón của nước ta cũng chưa được đầu tư đến nơi đến chốn, nên sản xuất không đủ dùng, phải nhập từ nước ngoài, mà trong đó 1/3 lượng phân nhập là từ Trung Quốc. Rất có thể do quy trình chế tạo phân bón của ta chưa hiện đại, nên phân bón sản xuất nội địa lại đắt tiền hơn phân nhập. Vì thế, cần điều chỉnh lại để có mức đầu tư đích đáng.

- Công nghiệp thuốc bảo vệ thực vật của ta chỉ mới đầu tư thiết bị pha chế từ nguyên liệu nhập của Trung Quốc và một số nước khác, như: Thụy Sỹ, Cộng hòa liên bang Đức, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ.

Chúng ta chưa có công nghiệp hóa học với nhiều chuyên gia có khả năng bào chế/tổng hợp hóa chất làm nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật. Trong số 390 hoạt chất thuốc kỹ thuật được sử dụng ở Việt Nam, thì chỉ có vài hoạt chất được sản xuất trong nước, nhưng cũng là của các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ nhập nguyên liệu về để sản xuất thành phẩm.

Ngay cả chế biến thành phẩm cũng đòi hỏi kỹ thuật cao, thiết bị phù hợp. Thế nhưng, trong số 200 doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật, có 97 doanh nghiệp có cơ sở sản xuất và khoảng 50 doanh nghiệp có đủ điều kiện sản xuất, nhưng không có địa điểm xây dựng nhà máy, phải liên kết sản xuất với các doanh nghiệp khác. Vì thế, cho đến nay, nhập nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật vẫn là rẻ tiền hơn đầu tư vào hóa công nghiệp để tự phát minh hóa chất nguyên liệu dùng cho nông nghiệp trong nước hoặc xuất khẩu.

Do đâu nông nghiệp nước nhà vẫn chưa thể tự lực phát triển?

Thực tế là, từ khâu chọn tạo giống cây, con cho đến chế biến ra thành phẩm đến tay người tiêu dùng, nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chưa thể tự lực phát triển là do:

Công tác nghiên cứu tạo ra giống mới trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản thích hợp cho từng vùng sinh thái đều rất yếu. Trong sản xuất nông nghiệp, yếu tố “giống” giữ vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong sản xuất hàng hóa bởi nó quyết định năng suất và chất lượng nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, theo Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những giống đang canh tác có quy mô diện tích từ 50.000 ha trở lên lại chủ yếu là… giống của 10-20 năm trước, đặc biệt là các giống lúa thuần, giống rau, điều, hồ tiêu, đậu tương… Sở dĩ bà con vẫn phải “bám” vào những giống đó là do đề tài nghiên cứu giống mới, tuy nhiều, nhưng không nổi bật hơn mấy so với giống cũ.

Cán bộ nghiên cứu không đủ trình độ, không đáp ứng yêu cầu. Theo thống kê sơ bộ, hệ thống nghiên cứu khoa học công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện gồm: 11 viện chuyên đề và viện vùng; 4 viện quy hoạch; 39 trường đại học, cao đẳng. Lực lượng cán bộ trong các lĩnh vực từ giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao là gần 11.000 người, chưa kể hơn 36.000 người thuộc hệ thống khuyến nông cũng tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống mới… Tiền trả lương hàng năm là 350 tỷ đồng, chưa kể tiền phân bổ theo đề tài.

Thế nhưng, trong số 11.000 cán bộ, có rất ít người giỏi còn làm trong khu vực nhà nước, mà đều chuyển ra ngoài làm việc.

Kinh phí nghiên cứu luôn luôn không đủ. Để các nhà khoa học thực hiện, phải tranh thủ xin kinh phí nhiều tổ chức quốc tế. Những doanh nghiệp trong nước chưa có tập quán cung cấp kinh phí nghiên cứu cho các cơ quan khoa học. Thí dụ: doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam là VinaFood chưa tài trợ kinh phí cho các viện, trường nghiên cứu về cây lúa.

Máy móc thiết bị: Việt Nam chưa có nhà máy chế tạo thiết bị phòng thí nghiệm khoa học, từ cái cân chính xác cũng chưa sản xuất được, thì làm sao nói đến các máy móc tối tân dùng trong nghiên cứu phân tử.

Nhiều thiết bị trong sản xuất nông nghiệp, như: máy kéo, lưỡi cày… cũng phải nhập. Đơn cử là cái máy bơm nước, dù Việt Nam đã chế tạo được bộ phận bơm, nhưng động cơ, thì vẫn phải nhập từ Trung Quốc, hoặc lắp ráp từ linh kiện Nhật Bản, Đài Loan. Cùng tình cảnh, thiết bị đông lạnh của các nhà máy chế biến thủy sản phần lớn đều phải nhập.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trị giá nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt gần 10,45 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá gần 3,62 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hóa chất phân tích: phần lớn đều nhập từ các nước, nhất là Trung Quốc. Nguyên liệu hóa chất nông nghiệp (thuốc trừ sâu bệnh, thuốc thú y) đều phải nhập, phần lớn từ Trung Quốc. Riêng trong lĩnh vực sản xuất phân bón, chúng ta chỉ sản xuất đủ lượng vôi, phân nửa nhu cầu về phân đạm và lân. Còn lại là phải nhập nguyên liệu phân đơn về phối chế thành phân hỗn hợp.

Về thu hoạch: Người thợ máy tại An Giang tên Đặng Văn Khoái (Ba Khoái) đã phát minh máy tuốt lúa rất hiệu quả từ năm 1974. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc cải tiến, hiện đại hóa máy tuốt lúa lên máy đập lúa và đến nay là máy gặt đập liên hợp lại không được chú trọng.

Đến nay, buồn thay, phần lớn máy gặt đập liên hợp được nhập từ Trung Quốc và Nhật Bản. Mặc dù, trên thực tế, một số thợ cơ khí địa phương cũng sáng chế được máy gặt đập rất hiệu quả dựa trên nền máy cũ của Trung Quốc, nhưng đó là tự phát, còn các viện nghiên cứu của Nhà nước "nằm ngoài cuộc chơi này!".

Về công đoạn xay xát chế biến lúa gạo: Theo điều tra của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, ở nước ta, hiện tổn thất về sản lượng đối với lúa từ 11%-13%, tập trung ở các khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản và xay xát, chế biến.

Ngoài sự tổn thất về sản lượng còn bị sụt giảm đáng kể về chất lượng. Nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, việc tổ chức ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch còn nhiều khó khăn; năng lực nghiên cứu, chế tạo, cung ứng máy móc, thiết bị trong nước về thu hoạch, bảo quản nhiều hạn chế, bất cập; chưa có được công nghệ và thiết bị phù hợp. Việc lựa chọn nhập khẩu công nghệ, máy móc của các nước phát triển, phù hợp điều kiện của nước ta chưa được quan tâm đúng mức.

Tồn trữ và bảo quản thóc gạo là một vấn đề quan trọng đối với các quốc gia có sản lượng lúa gạo lớn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hệ thống kho tồn trữ, bảo quản thóc, gạo hiện nay vừa ít về số lượng, vừa nhỏ về năng lực tồn trữ, bảo quản với công nghệ và thiết bị lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Mặc dù, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp làm tốt trong lĩnh vực này, nhưng chưa được nhân rộng. Cụ thể, Công ty Bùi Văn Ngọ (Long An) đã chế tạo thành công toàn bộ các máy móc sử dụng trong chế biến từ lúa mới gặt đem về cho đến hạt gạo được phân cỡ, cho bao, đóng gói. Tuy nhiên, Công ty này cũng đang gặp những khó khăn tương đồng với khó khăn chung của ngành cơ khí nông nghiệp Việt Nam. Đó là: thiếu công nghiệp hỗ trợ, thiếu nhân lực và thiếu vốn...

Một số đề xuất

Qua những nhận xét khái quát trên, có thể thấy rõ ràng rằng, Việt Nam chưa thể tự lực phát triển nông nghiệp của mình. Rất nhiều vật tư, thiết bị chưa có thể được chế tạo trong nước vì công nghiệp của Việt Nam chưa có khả năng sáng chế. Những doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp phần lớn làm dưới dạng gia công. Công nghiệp chế biến nông sản còn rất yếu, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất “hàng dởm” chất lượng thấp.

Vì thế, dù Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng người tiêu dùng vẫn phải tìm mua hàng nhập vừa rẻ hơn, vừa dùng bền hơn. Đây là một lỗ hổng lớn của nền kinh tế Việt Nam, hậu quả của chủ trương chính sách không nhất quán, đầu tư tràn lan không theo cấp ưu tiên quan trọng.

Tuy nhiên, cần xem lại vị thế của nông nghiệp Việt Nam. Việc phải lệ thuộc vào những nhu cầu về vật tư, thiết bị máy móc của nước ngoài không có nghĩa rằng, chúng ta không có quyền chủ động. Trong thị trường quốc tế, chúng ta toàn quyền chọn lựa nhà cung cấp các nhu cầu đó, ai có hàng tốt bền và giá thấp hơn là ta sẽ chọn.

Theo tiêu chuẩn đó nếu hàng của những quốc gia khác không đạt, chúng ta sẽ phải chọn hàng từ Trung Quốc. Thế nhưng, trong thế giới toàn cầu hóa, mức độ phụ thuộc giữa các nền kinh tế ngày càng tăng lên, phân công lao động quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, thì đòi hỏi phải củng cố niềm tin, nhất là niềm tin chiến lược giữa các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi vậy, niềm tin có thể được xem là tiêu chí giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững trong hợp tác, làm ăn giữa các quốc gia.

Mặc dù lợi thế của hàng Trung Quốc là chi phí vận chuyển rẻ nhất nhưng chúng ta cần cảnh giác, bởi nhiều trường hợp, nhà nhập khẩu của Việt Nam không nghiên cứu và đánh giá chính xác chất lượng hàng nhập sẽ dễ bị lừa gạt.

Về lâu dài, chúng ta không nên quá tham vọng phải tự chủ hoàn toàn, mà chỉ nên tự chủ phần Việt Nam có lợi thế. Nhà nước cần xác định những lợi thế đó để có quyết sách đúng khắc phục những hậu quả về định hướng tập trung đầu tư vào những mũi nhọn cơ bản của công nghiệp./.