Tự chủ tài chính với giáo dục đại học và một số vấn đề đặt ra

Hoàng Nhung

Tự chủ đối với giáo dục đại học là xu thế tất yếu, điều này không những làm giảm áp lực ngân sách nhà nước mà còn mở rộng cơ hội cho các cơ sở đào tạo phát huy tính chủ động, sáng tạo, đổi mới trong giáo dục, đào tạo. Tại Việt Nam, tự chủ đối với giáo dục đại học đã và đang được thực hiện và cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là việc tự chủ về tài chính.

Trong nhừng năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng nâng cao chất lượng, trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đào tạo
Trong nhừng năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng nâng cao chất lượng, trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đào tạo

Tự chủ tài chính với giáo dục đại học

Trong những năm quan, trước xu thể đổi mới, hội nhập trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam đã có nhiều cải cách trong lĩnh vực giáo dục đại học. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng nâng cao chất lượng, trao quyền tự chủ, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước…

Điển hình nhất là Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục đại học công lập. Đặc biệt, ngày 14/2/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Với việc ban hành một số chính sách tạo điều kiện thuận lợi, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học bước đầu đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Trong đó, các đơn vị đánh giá cao về các cơ chế đối với tự chủ tài chỉnh, bởi đây là yếu tố quyết định đến việc phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra cho đơn vị.

Theo thống kê, hiện nay nguồn tài chính của các trườn đại học công lập cơ bản là từ ngân sách nhà nước và thu từ học phí, đề tài khoa học…

Trong đó, ngân sách nhà nước chiếm từ 30% - 40% tổng thu của các trường đại học hàng năm. Nguồn tài chính quan trọng thứ hai cho các trường là thu từ hoạt động sự nghiệp, bao gồm nguồn thu từ sinh viên và các nguồn thu khác chiếm khoảng 60% - 70% tổng nguồn thu của các trường. Bình quân các trường đại học tự đảm bảo cân đối chi thường xuyên được khoảng 75% từ nguồn thu sự nghiệp.

Tuy nhiên, với tỷ lệ chi thường xuyên này vẫn chưa thể đảm bảo đủ nguồn lực để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và đảm bảo thu nhâp tăng thêm cho cán bộ, giảng viên hàng năm.

Trước thực trạng này, các trường phải tự cân đối bù đắp chi thường xuyên đối với khối đào tạo chính quy tập trung từ các khoản thu của các hệ đào tạo liên kết trong và ngoài nước, đào tạo bằng đại học thứ 2, đào tạo thường xuyên… và các khoản thu khác do nhà trường tự quy định như: Phí thi lại, phí bảo vệ luận văn, kiểm tra ngoại ngữ…

Trung bình học phí giai đoạn 2011 - 2016 là trên 10 triệu đồng/01 sinh viên, so với mức trần học phí áp dụng tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP trước đây và Nghị định 86/2015/NĐ-CP hiện tại cùng với mức hỗ trợ ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế sẽ gây nhiều khó khăn cho các trường trong quá trình cung cấp dịch vụ đào tạo có chất lượng cho người học.

Theo phản ánh của một số đơn vị, hiện nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cấp cho giáo dục đại học còn hạn chế, cơ chế phân bổ ngân sách vẫn mang tính bình quân giữa các trường đại học công lập, chưa gắn với các tiêu chí phản ánh chất lượng và kết quả đầu ra. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu động lực cạnh tranh giữa các trường đại học.

Cơ chế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ chủ yếu giao quyền tự chủ một số nhiệm vụ chi, chưa giao quyền tự chủ về huy động nguồn lực tài chính từ học phí do người học đóng góp và chưa cấp bù học phí, lệ phí cho sinh viên thuộc diện chính sách.

Đối với các trường thuộc khu vực miền Trung, có nhiều sinh viên thuộc diện chính sách đến học, chiếm từ 20 - 30% tổng số sinh viên, được Nhà nước miễn, giảm học phí, nhưng Nhà nước lại không cấp bù kinh phí này cho trường.

Bên cạnh đó, sự kiểm soát và lệ thuộc về nguồn tài chính cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự khó khăn trong công tác quản lý tại các trường đại học công lập.

Do nguồn ngân sách được cấp là nguồn thu chủ yếu và lại lệ thuộc rất lớn vào quy mô hay cụ thể hơn là số lượng sinh viên đầu vào của trường cho nên để gia tăng ngân sách chỉ có thể có được khi tăng quy mô sinh viên.

Khi quy mô sinh viên tăng nhanh hơn so với sự gia tăng giảng viên, đồng thời để tiết kiệm chi phí một số trường thực hiện việc ghép lớp làm tăng sỹ số sinh viên, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo.

Mặc dù, việc cải cách, đổi mới chính sách học phí, lộ trình tăng học phí của các trường đại học trong thời gian qua đã được thực hiện theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 15/5/2010 của Chính phủ cho giai đoạn 2010-2015 và Nghị định số 86/2015/NĐ-CP từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Tuy nhiên, việc thực hiện cải cách này vẫn còn nhiều hạn chế về việc phân loại nhóm ngành, mức học phí vẫn còn thấp, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành và các loại hình đào tạo bậc đại học.

Giải pháp tăng quyền tự chủ tài chính…

Để tăng quyền tự chủ nói chung và tự chủ tài chính cho các trường đại học công lập nói riêng, theo các chuyên gia giáo dục, cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

 Cần xây dựng bộ máy, các chuyên gia, chuyên viên thực hiện các hoạt động tham mưu cho Ban Giám hiệu về nội dung, biện pháp thực hiện, cung cấp các thông tin, các phương án lựa chọn để người lãnh đạo có thể ban hành các quyết định kịp thời, cần thiết.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động thu thập, khai thác thông tin, xử lý thông tin cần được trang bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác, giúp người quản lý nắm bắt được thực tiễn, bản chất vấn đề, làm cơ sở cho việc ra quyết định và thực thi quyết định.

Xây dựng cơ chế kiểm soát các hoạt động độc lập, tự chủ, thực hiện trách nhiệm của các đối tượng. Muốn vậy, nhà trường cần đặt ra những tiêu chuẩn, tiêu chí chặt chẽ để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, thực hiện sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đối tượng trên các lĩnh vực như tài chính, cơ sở vật chất, thực hiện nguyên tắc và chế độ trong quản lý, trong công việc, trong đào tạo… đồng thời có cơ chế để xác định các tiêu chí đó.

Cùng với đó, đảm bảo sự minh bạch trong tài chính, trong khi vận hành các quy trình, quá trình. Việc này có liên quan đến quản lý chất lượng tổng thể của nhà trường trong từng loại công việc. Quan trọng hơn cả là giúp người thực thi nhiệm vụ tự kiểm soát bản thân theo các nguyên tắc, tiêu chí - một yếu tố quan trọng của sự tự chủ.

Nghiên cứu - phát triển, nghề nghiệp và ứng dụng, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, nâng cao kỹ năng thực hành; đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường liên thông trong đào tạo giữa các ngành và các trường.

Sử dụng các thành tựu công nghệ đánh giá hiện đại trong kiểm tra, đánh giá và tuyển sinh; thiết lập và vận hành hệ thống kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng có hiệu quả.

Thực hiện phân cấp cho các đơn vị trong trường; mở rộng nguồn thu và khoán chi; hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ; quy định trách nhiệm giải trình về tài chính giữa các cấp trong trường; tổ chức hoạt động kiểm soát nội bộ và công khai tài chính; đào tạo nâng cao năng lực quản lý tài chính cho các đơn vị trong trường.