Tự chủ về kinh tế trong thế giới hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau

TS. Nguyễn Minh Phong

(Tài chính) Một điểm nhấn mới đáng chú ý trong Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ vừa đưa ra là yêu cầu các cấp, ngành và địa phương cần tính đến các nhân tố gây căng thẳng và bất ổn khu vực khi xây dựng các kịch bản kế hoạch phát triển cho thời gian tới, với mục tiêu tăng tính tự chủ về kinh tế và giảm thiểu các thiệt hại do phụ thuộc quá nhiều và một chiều vào một thị trường, một đối tác…

Tự chủ về kinh tế trong thế giới hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau
Tự chủ kinh tế có quan hệ biện chứng với tự chủ về chính trị, văn hóa, xã hội và các vấn đề khác củng cố sự độc lập, tự chủ và sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Nguồn: internet

Hiểu đúng về tự chủ kinh tế

Một điểm nhấn mới đáng chú ý trong Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ vừa đưa ra là yêu cầu các cấp, ngành và địa phương cần tính đến các nhân tố gây căng thẳng và bất ổn khu vực khi xây dựng các kịch bản kế hoạch phát triển cho thời gian tới, với mục tiêu tăng tính tự chủ về kinh tế và giảm thiểu các thiệt hại do phụ thuộc quá nhiều và một chiều vào một thị trường, một đối tác…

Một trong những nguyên tắc, nội dung và bài học lớn về hội nhập quốc tế trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa và tùy thuộc lẫn nhau là: mở cửa và chủ động hội nhập, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, chống mọi hành vi đe dọa, gây sức ép, áp đặt và cường quyền, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển… phải luôn gắn liền với bảo đảm tự chủ và ổn định kinh tế vĩ mô và vi mô, trước mắt cũng như lâu dài. Nhận thức này đã, đang và sẽ tiếp tục được khẳng định nhất quán trong các chủ trương, chiến lược, nghị quyết, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và hoạt động quản lý nhà nước của Việt Nam…

Tự chủ kinh tế có quan hệ biện chứng với tự chủ về chính trị, văn hóa, xã hội và các vấn đề khác, củng cố sự độc lập, tự chủ và sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Sự phụ thuộc một chiều, quá lớn và kéo dài vào dòng hàng nhập siêu từ một nước, dù với cơ cấu và lý do nào, đều ẩn chứa những yếu tố không bình thường, lợi bất cập hại, làm tăng độ rủi ro và tính dễ tổn thương của nền kinh tế, thậm chí  có thể bị áp đặt những điều kiện kinh tế, chính trị gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia và lợi ích cơ bản của dân tộc.

Về bản chất, tự chủ kinh tế ngày nay không có nghĩa là duy trì hoặc tăng tính tự cung, tự cấp và tự mình làm tất-ăn cả, bất chấp hiệu quả kinh tế, mà ngược lại, mỗi quốc gia và doanh nghiệp cần tích cực tham gia quá trình phân công và hợp tác lao động quốc tế, dựa trên các lợi thế so sánh phù hợp với từng giai đoạn và bối cảnh lịch sử; tham gia đảm nhận ngày càng nhiều và vững chắc hơn những công đoạn có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu và hiệu quả lớn trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu; đồng thời, ngày càng tiếp cận và hài hòa các yêu cầu chuẩn chung về môi trường, quản trị chất lượng sản phẩm và bảo đảm điều kiện kinh doanh công bằng khác, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, vì sự phát triển tự do và toàn diện, không ngừng cải thiện chất lượng sống của con người.

Tự chủ kinh tế để chủ động hội nhập quốc tế hiệu quả; Mặt khác, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện và sâu, rộng luôn là điều kiện và giải pháp tốt nhất để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, phấn đấu vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, cũng như góp phần tích cực vào quá trình tiến bộ, văn minh và hòa bình cho nhân loại trên toàn thế giới.

Giải bài toán nhập siêu

Việt Nam chịu sức ép nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng cả về quy mô và tỷ trọng; đặc biệt nhập siêu từ Trung Quốc luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng nhập siêu của cả nước.

Nếu như năm 2001, nhập siêu từ Trung Quốc chỉ là 210 triệu USD thì đến năm 2012, kim ngạch nhập siêu đã lên đến 16 tỷ USD. Chỉ tính 11 tháng năm 2013, nhập siêu của VN từ Trung Quốc đã lên mức 21,6 tỷ USD. Như vậy, sau 12 năm, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng hơn 100 lần.

Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 13,1 tỷ USD,  tăng 2,1% (269 triệu USD) trong khi đó nhập khẩu từ quốc gia này ước tính đạt 36,8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2012 (tương đương 7,8 tỷ USD). Như vậy, Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức 23,7 tỷ USD. Từ 2010 đến nay, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc luôn lớn hơn tổng nhập siêu cả nước.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong khi chúng ta xuất gạo, cao su, than đá… sang Trung Quốc thì lại nhập về những mặt hàng gây nhập siêu lớn là: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; xăng dầu các loại; nguyên vật liệu cho ngành dệt may da giày; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; sắt thép nguyên liệu và sản phẩm từ sắt thép các loại, kim loại thường; thức ăn gia súc và nguyên liệu. Nhập khẩu điện của Trung Quốc lên tới 4,65 tỷ kWh trong năm 2012, chiếm khoảng 4% tổng sản lượng điện thương phẩm của Việt Nam để cân đối nhu cầu tăng thêm... Riêng nhập khẩu mặt hàng rau quả và thực phẩm sơ chế từ Trung Quốc chiếm đến gần 50% tổng kim ngạch nhóm hàng này năm 2012 và sinh nhiều hệ lụy từ chất lượng sản phẩm như các phủ tạng động vật, động vật và rau quả tươi sống không được qua kiểm dịch, sản phẩm tiêu dùng có hóa chất độc hại...

Nguyên nhân nhập siêu thì đa dạng và cả từ 2 phía: do Việt Nam nhu cầu và trong nước chưa sản xuất được vì đang trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nên vẫn phải nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, máy móc phục vụ sản xuất. Hai nước gần nhau về địa lý, Việt Nam có 6 tỉnh biên giới đất liền, trên biển; hai nước có những cam kết hội nhập quốc tế trong khuôn khổ Hiệp định FTA giữa 10 nước ASEAN vớí Trung Quốc (năm 2005) và WTO (năm 2007); do những thỏa thuận song phuơng về phát triển kinh tế biên mậu, hình thành các cặp cửa khẩu quốc tế, quốc gia các lối mở, cặp chợ biên giới.

Cả hai nền kinh tế đang thời kỳ tăng trưởng, năng lực sản xuất cao, hướng xuất khẩu, với lợi thế cạnh tranh nghiêng về Trung Quốc, nhất là trong nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ, đấu thầu quốc tế...

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng là nguyên nhân làm tăng kim ngạch nhập khẩu. Tính đến cuối năm 2011, Trung Quốc có hơn 820 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký trên 7,6 tỷ USD và vốn giải ngân đạt 4,2 tỷ USD, đứng thứ 14 trong các nước và khu vực đầu tư vào Việt Nam. Các nhà thầu Trung Quốc thắng thầu nhiều công trình ở Việt Nam.

Trong thương mại và đầu tư, Trung Quốc có nhiều thủ pháp xúc tiến giành lợi thế xuất khẩu như khuyến mại, ứng hàng cho thương nhân nhập khẩu, thanh toán bù trừ, hoán đổi tiền tệ để khuyến khích thương nhân Việt Nam nhập khẩu. Giải pháp hạn chế nhập siêu cũng như giảm ảnh hưởng nhập khẩu từ một vài thị trường lớn cần một chiến lược tổng thể và dài hơi, ưu tiên đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu và cần có chính sách hợp lý đối với xuất- nhập khẩu qua đường biên mậu để gia tăng hoạt động chính ngạch. Các doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch khai phá thị trường mới, tận dụng lợi thế của những thị trường đã được hưởng ưu đãi thuế quan nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhập siêu.

Hạn chế nhập siêu từ một thị trường lớn cần một chiến lược tổng thể và dài hạn. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, quyết tâm và cơ sở pháp lý cần thiết, tạo thuận lợi phát triển sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu và đa dạng hóa nguồn cung thay thế khác, thúc đẩy tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, phát triển công nghiệp phụ trợ và những ngành chế biến nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu, chủ động đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, mở rộng và phát triển thị trường mới.

Hơn nữa, cần tăng cường các hàng rào kỹ thuật, quản lý cạnh tranh thị trường và các hoạt động biên mậu, chống buôn lậu và gian lận thương mại; kinh doanh và cạnh tranh không lành mạnh; thu giữ, tiêu hủy hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng ngay từ cửa khẩu và trong các kho chứa, cửa hàng; kịp thời thông tin và hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết, không nhẹ dạ, cả tin, tham bát bỏ mâm mà thu gom, bán qua biên giới các loại sản phẩm gây cạn kiệt giống cây, con quý và phá hoại mùa màng, không tiêu thụ các sản phẩm độc hại nhập khẩu.

Cùng với đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các doanh nghiệp cần tăng cường đặt hàng, sử dụng nguyên liệu và sản phẩm của nhau... Đây cũng là cách khẳng định rằng, đây là việc làm thiết thực của lòng yêu nước và góp phần xây dựng nền kinh tế tự chủ, vững mạnh...