Từ đề nghị xuất khẩu quặng sắt nghĩ về phát triển ngành Thép

Theo daibieunhandan.vn

Đầu năm 2012, Chính phủ đã có chỉ thị nghiêm cấm xuất khẩu khoáng sản thô. Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 đến nay, Bộ Công thương đã ra văn bản cho phép xuất khẩu một số loại khoáng sản và đang tiếp tục đề nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu quặng sắt như một biện pháp hỗ trợ giải phóng hàng tồn kho. Điều này nếu trở thành hiện thực, sẽ là niềm vui của các doanh nghiệp khai thác và kinh doanh thương mại khoáng sản, nhưng lại là nỗi lo của các doanh nghiệp sản xuất thép từ nguyên liệu nguồn.

Từ đề nghị xuất khẩu quặng sắt nghĩ về phát triển ngành Thép
Nếu tiếp tục cho phép xuất khẩu quặng sắt, chắc chắn sẽ thiếu nguyên liệu cho các nhà máy trong dài hạn. Nguồn: Internet

Theo Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, mặc dù bị cấm nhưng chỉ riêng năm 2012,  khoảng 1.724.000 tấn quặng sắt được xuất bán ra nước ngoài. Cả nước hiện có tới 14 lò cao (đã và đang được đầu tư) với tổng công suất gần 4 triệu tấn gang/năm, trong khi trữ lượng quặng sắt nước ta rất hạn chế, chỉ khoảng 1,3 tỷ tấn, lại chủ yếu là quặng nghèo. Nếu tiếp tục cho phép xuất khẩu quặng sắt, chắc chắn sẽ thiếu nguyên liệu cho các nhà máy trong dài hạn.

Tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp của Bộ Công thương, lượng quặng sắt tồn kho của các địa phương tính đến hết năm 2012 khoảng 3 triệu tấn, tương đương khoảng 3.000 tỷ đồng. Nếu không cho xuất khẩu lượng hàng tồn này sẽ không thể giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác.

Giám đốc Công ty Thăng Long, Phú Thọ Phạm Lê Hùng đề nghị, trong lúc ngành Thép trong nước đang khó khăn, đồng thời với việc tiếp tục cho xuất khẩu tinh quặng sắt (đã qua chế biến), Nhà nước nên giảm thuế xuất khẩu từ 40% xuống 20% và cho phép xuất khẩu cả quặng thô. Do nếu như không bảo đảm tiêu chuẩn của các lò luyện cao ở trong nước thì cho doanh nghiệp xuất khẩu để cứu chính mình.

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương Nguyễn Mạnh Quân cho biết, trước khó khăn của ngành Thép nói chung, khi hiện tại chỉ có 2 lò cao đang hoạt động thì Công ty gang thép Thái Nguyên đã chủ động được nguồn nguyên liệu. Còn lại, rất nhiều mỏ quặng sắt có chất lượng thấp, không đáp ứng được yêu cầu của Tập đoàn Hòa Phát - đơn vị duy nhất có nhu cầu mua quặng sắt để sản xuất gang thép hiện nay.

Theo Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Mai Văn Hà, nhu cầu tiêu thụ quặng của Hòa Phát cao, nhưng có 2 vấn đề là quặng không hợp cách, tiêu chuẩn chất lượng quặng không tốt và việc cung cấp hóa đơn chứng từ rất khó khăn, dẫn đến việc Hòa Phát không mua được từ các doanh nghiệp có mỏ.

Trong khi chê quặng nghèo, nhưng Công ty Hòa Phát và Hiệp hội Thép Việt Nam đã gửi công văn lên Chính phủ đề nghị không cho xuất khẩu, nhằm giữ lại nguồn nguyên liệu cho tương lai. Và, trong khi đã có chỉ thị cấm xuất khẩu quặng thô dưới mọi hình thức nhưng các doanh nghiệp khoáng sản vẫn được cấp mỏ, khai thác - dẫn đến một lượng vốn vay không nhỏ đổ vào đầu tư nhà xưởng, doanh nghiệp. Đầu ra không có ắt dẫn đến tồn kho, xuất lậu... 

Vì vậy, theo ông Nguyên Mạnh Quân, việc Chính phủ cho phép xuất khẩu không chỉ tháo gỡ khó khăn hiện tại cho các doanh nghiệp khai thác mỏ mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh, tránh tình trạng ép giá - theo như phản ánh của các doanh nghiệp khi phải bán quặng cho một doanh nghiệp duy nhất là Hòa Phát.

Theo nhiều chuyên gia, để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản nói chung, quặng sắt nói riêng thì song hành với việc quy hoạch vùng nguyên liệu, cần gắn cụ thể từng địa chỉ mỏ với các nhà máy sản xuất, bởi nếu đòi hỏi phải đầu tư chế biến sâu đối với từng mỏ nhỏ là rất lãng phí, không hiệu quả kinh tế và nguy cơ nhập khẩu công nghệ lạc hậu.

Cùng với đó, cần chấm dứt việc tiếp tục đầu tư các nhà máy luyện gang lò cao bởi ngành Thép đã dư thừa công suất, trong khi trữ lượng quặng sắt đã rất hạn chế, lại được khai thác từ lâu, chưa có đánh giá tổng thể về số lượng cũng như chất lượng tài nguyên còn lại.