“Tự do” sản xuất vàng miếng?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Việc không còn nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện đồng nghĩa với nhà đầu tư ngoại có thể được nắm tối đa 100% vốn tại các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng và “hoạt động in, đúc tiền”. Tuy nhiên, một số chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng dự thảo này đang đi ngược lại với Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Cân để xác định trọng lượng vàng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cân để xác định trọng lượng vàng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bỏ tới 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư 2014 ra khỏi danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Đáng lưu ý, trong số các ngành nghề được đề xuất cởi trói để doanh nghiệp, người dân có quyền tự do kinh doanh có cả sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; Nhập khẩu hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước (cửa kho tiền); và hoạt động in, đúc tiền.

Doanh nghiệp nói không, ngân hàng bảo cấm

Thời gian qua, Hiệp hội kinh doanh vàng (VGTA) liên tục gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát lại và bãi bỏ những loại giấy phép con trái với quy định của Luật Đầu tư 2014 và các quy định pháp luật khác có liên quan như: Sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng…

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA, cho rằng những quy định này đang tạo ra cơ chế xin cho, “trói chân” doanh nghiệp kinh doanh vàng. Hiện nay, hoạt động kinh vàng được quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP, theo đó: “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”.

Thực tế, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng quy định: "Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc in, đúc, bảo quản, vận chuyển, phát hành tiền vào lưu thông, tiêu hủy tiền”. Nghị định số 40/2012/NĐ-CP ngày 2/5/2012 về nghiệp vụ phát hành tiền; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng quy định: “Ngân hàng Nhà nước tổ chức việc in, đúc tiền theo nguyên tắc: Việc in, đúc tiền được thực hiện theo hợp đồng giữa Ngân hàng Nhà nước và các cơ sở in, đúc tiền trên cơ sở kế hoạch in, đúc tiền và tiêu chuẩn kỹ thuật từng loại tiền do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định”.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cho rằng quy định này trái với Luật Đầu tư 2014, trái với tinh thần Nghị quyết số 35/NĐ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đó là Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh.

Trước thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố dự thảo bỏ “giấy phép con”, trong đó bãi bỏ quy định sản xuất vàng miếng và hoạt động in đúc tiền khỏi danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện, một số chuyên gia pháp chế ngân hàng đã không đồng tình với quy định này.

Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị bổ sung phụ lục danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh vào dự thảo. Trong đó quy định về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh bao gồm “hoạt động sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng” và “hoạt động in, đúc tiền”.

Theo các chuyên gia ngân hàng, hoạt động in, đúc tiền là hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước . Việc in, đúc các loại tiền giấy, tiền kim loại và các loại giấy tờ có giá được thực hiện bởi Nhà máy In tiền Quốc gia theo kế hoạch được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao.

Đây là doanh nghiệp hoạt động công ích trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, không tham gia đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về điều kiện thực hiện hoạt động in, đúc tiền.

Vẫn phải khống chế

Liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng, trả lời báo chí thời gian gần đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: Đối với các loại hình kinh doanh vàng khác cũng được quy định rõ trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Như vậy, những hoạt động kinh doanh vàng khác cũng bị hạn chế, chỉ được thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Theo lý giải của các chuyên gia ngân hàng: đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng nhằm ổn định thị trường.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị bổ sung phụ lục danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh vào dự thảo, trong đó quy định về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh bao gồm “hoạt động huy động vốn bằng vàng” và “hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản”.

Bổ sung “hoạt động kinh doanh vàng khác” (ngoài hoạt động kinh doanh vàng tại Mục 262, 264 Phụ lục 4 Luật Đầu tư, “hoạt động huy động vốn bằng vàng” và “hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản”) vào phụ lục danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư.

Trao đổi với báo chí, Ban soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi cho biết, đây là các hoạt động độc quyền của Ngân hàng Nhà nước nhằm can thiệp bình ổn thị trường vàng, thực hiện điều hành quản lý ngoại hối (sản xuất vàng miếng, vàng nguyên liệu…); hoặc là hoạt động độc quyền do Ngân hàng Nhà nước thực hiện (hoạt động in đúc tiền)… nên không coi là hoạt động đầu tư kinh doanh.