Từ phiên thảo luận hội trường đến ý kiến người dân

chinhphu.vn

Nội dung phiên thảo luận của Quốc hội hôm nay về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai đã thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri cả nước.

Cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và đồng thuận tự giác chấp hành các chính sách pháp luật về đất đai
Cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và đồng thuận tự giác chấp hành các chính sách pháp luật về đất đai
Qua theo dõi phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội hôm nay (7/11), ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng các đại biểu đã thảo luận sâu sắc, đi vào những vấn đề trọng tâm mà chính quyền địa phương và người dân đang quan tâm liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai hiện nay.

Nhiều văn bản hướng dẫn, khó trong áp dụng

“Như Đại biểu Hồ Thị Thủy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh Vĩnh Phúc, phát biểu hôm nay đã nêu một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ khiếu nại về đất đai có xu hướng gia tăng là do chính sách pháp luật về quản lý đất đai còn chưa phù hợp, thường xuyên thay đổi và chưa đồng bộ”, ông Toàn nhận định.

Ông Toàn dẫn chứng, hiện có hơn 20 văn bản pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, nhưng lại được ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau dẫn đến sự chồng chéo, thiếu ổn định, gây khó khăn trong áp dụng. Nhiều văn bản không thống nhất nhau, thậm chí xung đột nhau nên việc áp dụng, giải quyết và xử lý các vụ việc có khó khăn.

Đồng quan điểm nêu trên, bà Dương Thị Luận, cán bộ đã từng làm công tác tiếp dân lâu năm tại tỉnh Hải Dương cho biết: Chính sách, pháp luật về đất đai ngày càng được hoàn thiện theo hướng có lợi hơn cho người dân. Tuy nhiên, chính những vướng mắc, chồng chéo giữa Luật với các văn bản hướng dẫn thực hiện cũng như các luật có liên quan hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại của người dân.

Thông tin đất đai càng cần công khai, minh bạch

Nhiều ý kiến công dân cho rằng, trong khi nhiều vụ việc khiếu kiện liên quan đến đất đai còn phức tạp, kéo dài thì một trong những việc làm cần thiết là càng phải tăng cường công khai, minh bạch thông tin về đất đai, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Như ông Phạm Nghi Trỗi, Trưởng phòng Tiếp dân UBND tỉnh Thái Bình cho biết, hàng năm, UBND tỉnh Thái Bình đều ban hành các quyết định về giá đền bù đất. Việc giải quyết thu hồi, đền bù căn cứ theo các quy định của pháp luật, tuy nhiên, một số trường hợp khiếu nại cho rằng việc đền bù, hỗ trợ tái định cư là chưa thỏa đáng. “Nhiều trường hợp trong số đó có một trong những nguyên nhân là do người dân còn thiếu các thông tin về đất đai, chưa nắm rõ được cụ thể”, ông Trỗi chia sẻ.

Về việc tiếp cận thông tin về đất đai của người dân, ông Hoàng Minh Triệu (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) chia sẻ quan điểm “từ khi có Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ, bản thân tôi thấy các vụ khiếu kiện tại địa phương được cải thiện rõ rệt”.

Tuy nhiên theo ông Triệu, người dân ở một số vùng sâu, vùng xa vẫn còn chưa nắm rõ đầy đủ các quy định. Vì vậy, ngay từ cấp xã, chính quyền cơ sở phải làm thật tốt việc tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ Luật và các văn bản liên quan, vừa góp phần hành động theo đúng luật vừa giảm tải khiếu kiện phát sinh.

"Những vấn đề làm cho dân bức xúc nhất, thường là liên quan đến việc công khai quy trình đền bù, chính sách cũng như điều kiện đền bù. Đặc biệt là chuyện giá cả đền bù đất", ý kiến của bà Dương Thị Luận.

Bà Luận nêu ví dụ về giá đất: Trên cơ sở khung giá đất chung, các địa phương tùy thuộc vào điều kiện của mình, ban hành khung giá đất cụ thể áp dụng ở địa phương. Quy định là như vậy, nhưng khi thực hiện có khi rất vướng và giải thích cho người dân hiểu, chia sẻ cũng là việc không đơn giản. Do đó, theo bà Luận công khai minh bạch là một mấu chốt quan trọng để giải quyết các vấn đề liên quan đến đền bù đất đai cho dân.

Đồng quan điểm này, ông Trần Văn Lân (tỉnh Quảng Ninh) thấy rằng, trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo về đất đai hiện nay còn có cả trường hợp chưa có sự thống nhất trong nhận thức và cách giải quyết của các cán bộ địa phương. Thậm chí còn có cán bộ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ quản lý đất đai áp dụng pháp luật chưa công tâm, thiếu công bằng, hoặc do hiểu không đầy đủ nên áp dụng không đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Rút ngắn khoảng cách từ luật, nghị định đến thực tiễn cuộc sống sẽ không quá khó nếu quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc từ cả chính sách pháp luật và khâu tổ chức thực hiện”, ông Lân chia sẻ.