Từ thực tiễn nóng bỏng...

Theo Đăng Quang/daibieunhandan.vn

Báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội hôm qua được cử tri cả nước ghi nhận: Chính phủ nhìn thẳng, nói thẳng thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những kết quả đáng ghi nhận là bước chuyển động mới trong chỉ đạo từ vĩ mô, quyết liệt trong xây dựng kịch bản cho từng bộ, ngành, lĩnh vực hướng đến mục tiêu chung: Tăng trưởng GDP 6,7%, giữ vững an sinh xã hội, tuyên chiến mạnh mẽ với tham nhũng, lợi ích nhóm, đột phá mạnh vào thủ tục hành chính.

Lần đầu tiên 13 chỉ tiêu lớn đều có khả năng đạt và vượt kế hoạch. Công nghiệp chế tạo, chế biến đã có chuyển động bứt lên. Du lịch, xuất nhập khẩu, và thu hút vốn FDI thêm nhiều khởi sắc… Bức tranh kinh tế đang ngời lên những gam màu sáng.

Nhưng qua tổng hợp kiến nghị của cử tri cả nước, người dân vẫn chưa yên tâm với những gì đang diễn ra. Tăng trưởng 6,7% năm 2017 là tin vui, nhưng liệu có thật sự bền vững? Bộ máy cồng kềnh, biên chế quá đông tới đây sẽ sắp xếp và tinh giản thế nào? Quản lý sử dụng nợ công còn nhiều bất cập, trong khi chi thường xuyên, nuôi bộ máy, đội ngũ quá lớn. Càng lo lắng hơn khi danh sách những dự án đầu tư thua lỗ, lãng phí như càng dài thêm ra.

Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ ra sao để cùng một dự án, công việc... nhiệm kỳ này làm chưa xong, nhiệm kỳ sau làm tiếp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải nghĩ gì về quy hoạch hạ tầng, đô thị cứ chồng chéo nhau. Ai cũng xót xa cho các tuyến phố ở hầu khắp các đô thị nay đào, mai lấp... nhưng trách nhiệm nào ai nhận? Suy cho cùng vẫn là bộ máy và con người! Khi bộ máy còn cồng kềnh, còn quá nhiều công chức “vác ô”, dù có thay đổi cơ chế, quy trình gì cũng vẫn cứ bị bóp méo, làm trái đi.

Kinh tế chưa bền vững, nhìn dưới nhiều góc độ còn là do kỷ cương chưa được tuân thủ. Lãnh đạo nhiều bộ, ngành, nói rất hay, rất mạnh, nhưng thực hiện không được bao nhiêu.

Tình trạng trên bảo dưới không nghe, rồi bộ nọ đổ lỗi cho ngành kia, né trách nhiệm cũng không phải là thiếu.

Đã đến lúc chỉ đạo từ vĩ mô của Chính phủ cần nhìn thẳng vào thực trạng này để thấy vì sao kinh tế tăng trưởng, nhưng chưa bền vững.

Cử tri bất bình trước tình trạng o bế, cài cắm người nhà đang làm lòng tin vơi đi. Không xử lý mạnh tay, không dẹp nhanh những chiêu trò “anh gửi tôi, tôi gửi anh”  thì người thực tài sao còn chỗ.

Vì sao những doanh nghiệp thân hữu, vệ tinh, sân sau nở rộ đều bám quanh các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước? Cử tri nhìn rõ những “sân sau” này của ai, doanh nghiệp “vệ tinh” nào đang núp bóng ai. Tham nhũng trú ngụ cả ở đây, quy trình quy chế bị làm méo mó cũng ở cả đây. Thao túng quyền lực cũng từ những sân sau, sân trước này mà ra chứ đâu khác.

Chính phủ liêm chính, kiến tạo cần chỉ đạo các bộ, ngành nhìn thẳng vào thực tế để xây dựng chính sách nhằm bịt lại các lỗ hổng trong mối quan hệ chéo ngang. Quản lý nhà nước trong các dự án lớn mà cứ cho chỉ định thầu rồi bảo “đặc thù” liệu có đúng không?

Thu hút FDI phải chọn lọc kỹ càng. Không thể cứ đi vay cả núi tiền về làm điện phục vụ các doanh nghiệp mà lợi nhuận chả đáng gì, trong khi nợ công vượt ngưỡng chạm trần.

Công nghiệp về các vùng quê góp sức làm thay đổi cuộc sống ở nông thôn. Nhưng cử tri lo ngại nhất là ô nhiễm môi trường quá nặng nề, gây hệ lụy cho hôm nay và mai sau.

Quốc hội họp bàn cả núi việc nhưng mong mỏi, kiến nghị của cử tri lại từ những việc rất cụ thể và nóng bỏng. Đáp ứng được những mong mỏi ấy chính là mục đích của các đại biểu dân cử đang hướng tới.