Ứng dụng công nghệ thông tin ở Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Không dừng lại ở vị trí xếp hạng

Theo Trương Ngọc/daibieunhandan.vn

Năm 2017, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng 2/20 bộ, ngành về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Tuy nhiên, “không dừng ở đó, chúng tôi vẫn nỗ lực đổi mới nhằm tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ, đồng bộ thành một quy trình thống nhất trên cơ sở ứng dụng CNTT, đưa tất cả quy trình nghiệp vụ của ngành thành quy trình điện tử” - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thiết lập mã ID riêng cho mỗi công dân 

Năm 2017, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, ngành BHXH đã tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về xếp hạng các bộ, ngành ứng dụng công nghệ thông tin và chỉ số sẵn sàng trong ứng dụng công nghệ thông tin cho thấy, BHXH Việt Nam đứng thứ 2/20 bộ, ngành.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, có được kết quả này là nhờ BHXH đã xây dựng thành công Bộ cơ sở dữ liệu về hộ gia đình tham gia BHYT đồng bộ với 66,82% cơ sở dữ liệu về phát hành sổ BHXH, thẻ BHYT. Theo đó, cùng với việc phát triển số người tham gia BHXH, BHXH Việt Nam cũng thông qua đó cấp trả sổ BHXH theo quy định của Luật. Hiện đã trả được khoảng 70% số sổ BHXH cho người lao động, đạt mục tiêu QH cũng như Chính phủ giao.

Quan trọng hơn, BHXH Việt Nam đã thiết lập được hệ thống mã số BHXH, hay còn gọi là mã ID cho mỗi người dân ở Việt Nam. Mỗi người từ lúc sinh ra đến khi mất đi sẽ có một mã số duy nhất. Mã số này là một trong những công cụ tích cực để người dân, người lao động tự mình tra cứu và kiểm soát quá trình đóng hưởng, là cơ sở để bảo đảm cho việc thụ hưởng cả quyền lợi BHXH, BHYT và tích hợp các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành khác có liên quan với vị trí là một trong 6 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống giao dịch điện tử từ cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam đến hệ thống phần mềm thu sổ thẻ, hệ thống tài chính… bảo đảm thuận lợi cho các tổ chức, người dân khi giao dịch với cơ quan BHXH.

Bên cạnh đó, ngành BHXH đã đưa vào vận hành hệ thống thông tin giám định BHYT hay còn gọi là giám định điện tử. Từ đó, quá trình người bệnh đi khám bệnh cũng như dữ liệu về tạm ứng hay quyết toán, dữ liệu về chi phí khám chữa bệnh, dữ liệu của các cơ sở khám chữa bệnh sẽ được công khai trên hệ thống thông tin giám định. Đây là một công cụ rất tích cực để tiến tới quản lý sức khỏe cho người dân ở y tế cơ sở thông qua sổ quản lý sức khỏe.

Năm 2017, BHXH cũng đã đưa vào vận hành thành công hai trung tâm. Đó là Trung tâm điều hành hệ thống công nghệ thông tin của toàn ngành theo hướng Chính phủ điện tử là tập trung thống nhất ở Trung ương thay vì phân tán rời rạc ở 63 tỉnh, thành phố, cũng như trên 750 huyện như thời điểm năm 2016. Thứ hai là trung tâm dịch vụ khách hàng với đầu số hotline 1900969668, bảo đảm trực 24/24h, để có thể trả lời tất cả các vướng mắc của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân lên quan đến chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp.

Điện tử hóa hoàn toàn quy trình nghiệp vụ

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, để cải cách TTHC, ngành BHXH đã tổ chức triển khai quyết liệt trong toàn hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Năm 2015, BHXH Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, triển khai giao dịch điện tử trên phạm vi toàn quốc đối với việc đăng ký, thu nộp BHXH. Ngành BHXH cũng đã cung cấp 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức độ 3 - 4).

Nhiều dịch vụ công có số lượng hồ sơ giao dịch cao như: Điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho đơn vị tham gia lần đầu là hơn 18,5 triệu hồ sơ; cấp thẻ BHYT của người chỉ tham gia BHYT (do đại lý thu quản lý) là hơn 4,03 triệu; cấp thẻ BHYT của người chỉ tham gia BHYT (do xã/phường/thị trấn quản lý) là hơn 4,03 triệu… Điều này đã được ghi nhận ở Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2018, Việt Nam đã vượt lên đứng thứ 68 trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 14 bậc so với năm 2017. Đặc biệt trong lĩnh vực thu thuế và BHXH, BHXH Việt Nam đứng thứ 68 trên 190 nước, vượt trên 80 bậc so với năm 2017.

Đặc biệt, bằng việc thành lập Tổ cán bộ chuyên trách, rà soát tổng thể 115 TTHC của ngành, BHXH đã giảm thiểu từ 115 bộ thủ tục năm 2015 còn 28 bộ năm 2017.

Không dừng ở đó, theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, năm 2018, BHXH Việt Nam sẽ tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ, đồng bộ thành một quy trình thống nhất trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, đưa tất cả quy trình nghiệp vụ của ngành thành quy trình điện tử.