Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sức khỏe: Giải pháp tiện ích, hiệu quả

Theo Kim Anh/daibieunhandan.vn

Với việc triển khai chương trình quản lý sức khỏe điện tử đến cấp cơ sơ, ngành y tế đang có bước đột phá về quản lý hồ sơ sức khỏe người bệnh. Với cách làm mới, người dân sẽ được theo dõi sức khỏe từ y tế cơ sở, tiết kiệm thời gian, chi phí mỗi khi đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh vì không phải mua sổ khám bệnh, kê khai những thông tin của bệnh nhân...

Ngành y tế chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sức khỏe. Nguồn: Internet
Ngành y tế chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sức khỏe. Nguồn: Internet

Giải pháp đột phá...

Theo thống kê của ngành y tế, hiện nay, trong 10 người có bảo hiểm y tế (BHYT) thì khoảng 4 người sử dụng thẻ để đi khám ở y tế cơ sở. Nhiều người dân chỉ đi khám bệnh khi bệnh trở nặng và không đi kiểm tra sức khỏe khi không có những dấu hiệu bất thường.

Vì thế, khi phát hiện bệnh muộn sẽ làm tăng gánh nặng bệnh tật, tăng chi phí cho gia đình, xã hội và làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân.

Thực tế đó cho thấy việc lập sổ quản lý sức khỏe, khám định kỳ cho người dân không chỉ đúng về mặt khoa học mà còn góp phần quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân từ tuyến y tế cơ sở, qua đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Chị Nguyễn Diệu Hằng ở phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội - người đã tham gia quản lý sức khỏe theo hình thức điện tử cho biết, trước đây chỉ người có điều kiện, nhân viên của một số doanh nghiệp, cơ quan mới có chế độ kiểm tra sức khỏe định kỳ, còn nông dân, đặc biệt nông dân vùng sâu, vùng xa hầu như không bao giờ được kiểm tra, thường khi đi khám là lúc bệnh đã nặng.

Giờ đây, những người lao động tự do, ít có điều kiện khám sức khỏe như chị Hằng cũng đã được khám sức khỏe định kỳ, được quản lý sức khỏe cá nhân rất tiện ích cho chị và gia đình.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương, trước đây mỗi lần trẻ vào bệnh viện khám, người nhà phải theo quy trình mua sổ y bạ và khai báo tiền sử bệnh của trẻ nhưng từ khi áp dụng hồ sơ điện tử, người dân không phải làm điều này, hồ sơ sức khỏe điện tử rất tiện ích là người bệnh dù đi khám bất cứ đâu, các bác sĩ đều nắm rõ bệnh tình của bệnh nhân. Điều này rất giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh và đưa ra phác đồ điều trị chính xác nhất.

Thách thức liên thông và bảo mật thông tin 
Có thể nói, nếu thiết lập được sổ theo dõi sức khỏe cho từng người dân bằng hồ sơ điện tử, tiến tới chính thức triển khai trên phạm vi cả nước, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Về lâu dài, việc cập nhật hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tích hợp với thẻ an sinh xã hội sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào và bác sĩ có thể biết được tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật, không phải làm lại các xét nghiệm không cần thiết, nhất là trong những trường hợp cấp cứu.
Để thực hiện tốt công tác quản lý sức khỏe điện tử, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, ngành y tế sẽ lập các tổ, bổ sung thiết bị máy móc để khám sức khỏe định kỳ cho người dân theo hình thức cuốn chiếu tại các xã, phường.
Khi đó, các trạm y tế sẽ được lắp đặt đường truyền kết nối, triển khai phần mềm nối mạng chung ở các cơ sở y tế; mỗi người dân có một mã số riêng, khi khám bệnh ở đâu trên địa bàn cũng sẽ được cập nhật vào hệ thống. Đối với cán bộ, công nhân, viên chức và học sinh sẽ lấy dữ liệu tại cơ quan, trường học để lập hồ sơ.
Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý của ngành y rất được xã hội ủng hộ, người dân phấn khởi. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều lo lắng vì trang thiết bị y tế cũng như công nghệ điện tử tại các địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ đang gây trở ngại cho việc ứng dụng rộng rãi quản lý sức khỏe điện tử.
Bên cạnh đó, muốn quản lý được hồ sơ điện tử về sức khỏe của người dân thì phải hội tụ điều kiện cần và đủ. Đó là chất lượng của cơ sở khám,  chữa bệnh phải bảo đảm yêu cầu về phương tiện kỹ thuật và nhân lực.
Các cơ sở khám, chữa bệnh cần làm tốt công tác kết nối và chia sẻ thông tin với nhau bởi hiện nay cơ sở y tế đang chạy nhiều phần mềm quản lý khác nhau và không tương thích để kết nối liên thông dữ liệu.
Đồng thời ngành y tế cũng phải làm rõ được câu hỏi ai được phép sử dụng và sử dụng đến đâu cũng như khâu bảo mật thông tin như thế nào, vì hồ sơ sức khỏe con người không chỉ là cá nhân mà liên quan đến gia đình, xã hội.