Ưu đãi nhiều hơn cho đầu tư vào nông nghiệp

Theo Báo Đầu tư

Nhân dịp Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), diễn ra từ ngày 29/11 đến 3/12 tại Ninh Bình, phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với TS. Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xung quanh vấn đề thu hút đầu tư vào nông nghiệp tại ĐBSH nói riêng và nông nghiệp cả nước nói chung.

Ưu đãi nhiều hơn cho đầu tư vào nông nghiệp
TS. Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Thưa ông, tình hình thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp tại ĐBSH những năm gần đây như thế nào?

Chỉ tính trong gần 2 năm qua, ĐBSH đã thu hút gần 700 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký trên 7,3 tỷ USD, trong đó có một lượng vốn không nhỏ đầu tư vào nông nghiệp. Trong khi đó, có 400 doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại khu vực này.

Định hướng phát triển và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của khu vực này thời gian tới sẽ ra sao, thưa ông?

Định hướng của nông nghiệp ĐBSH là đến năm 2020 sẽ tập trung phát triển vùng lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng rau, hoa công nghệ cao; đồng thời, phát triển và xây dựng thương hiệu cho vùng cây ăn quả đặc sản, phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn về sản xuất hai vụ lúa và vụ đông… Về chăn nuôi, sẽ phát triển theo hướng công nghiệp tập trung gắn với cơ sở giết mổ, chế biến khép kín nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các tỉnh ĐBSH cũng khuyến khích đầu tư công nghiệp chế biến…

Tuy đã có những kết quả khả quan, song thu hút đầu tư của khối doanh nghiệp vào nông nghiệp ĐBSH nói riêng, vào nông nghiệp nước ta nói chung còn thấp. Lý do tại sao, thưa ông?

Tổng đầu tư phát triển của toàn xã hội cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn liên tục tăng qua các năm, nhất là từ khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư ra đời. Tuy nhiên, phần vốn trên chủ yếu tập trung đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng. Đầu tư trực tiếp cho sản xuất nông - lâm - thủy sản và thủy lợi phục vụ sản xuất chỉ chiếm 35%, thấp hơn nhiều so với vị trí, tiềm năng, nhu cầu phát triển của khu vực này. Thậm chí, nếu tính theo tỷ trọng thì tổng vốn đầu tư xã hội cho nông nghiệp, nông thôn trong tổng đầu tư toàn xã hội đã giảm từ 13,8% năm 2000, xuống còn 6,2% năm 2010.

Đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh vào nông nghiệp, nông thôn mặc dù có xu hướng tăng trong thời gian qua, nhưng còn nhiều hạn chế, như số doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nông – lâm - thủy sản chỉ chiếm 3% trong tổng số doanh nghiệp tư nhân toàn quốc. Hơn nữa, đây chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, số doanh nghiệp tư nhân có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế còn rất ít.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp rất lớn, nên các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Ngoài ra, chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp của Nhà nước và các địa phương cũng chưa đủ mạnh để lôi cuốn các nhà đầu tư.

Để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, chính sách ưu đãi sẽ có những thay đổi gì, thưa ông?

Nông nghiệp là khu vực có rủi ro cao, không chỉ liên quan đến những biến động trên thị trường, mà còn bị tác động mạnh bởi thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố khác. Vì vậy, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích đối với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đầu tư vào khu vực này, như miễn, giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm, tín dụng ưu đãi…

Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình thực hiện ở nhiều địa phương, có thể thấy, việc thực hiện các chính sách này còn chậm, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp và người dân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổng hợp kiến nghị của các nhà đầu tư, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, đồng thời nghiên cứu trình Chính phủ có chính sách mạnh hơn, khuyến khích doanh nghiệp về với nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, để huy động vốn đầu tư xã hội vào các lĩnh vực nông nghiệp tiềm năng, doanh nghiệp đang phối hợp với nhiều công ty lớn, như Bunge, Cargill Inc., Cisco Vietnam, DuPont Vietnam, Metro Cash & Carry Vietnam, Nestlé, PepsiCo Vietnam, Monsanto Vietnam, Swiss Re, Syngenta Asia Pacific, Unilever Vietnam, Yara International… triển khai các mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hình thức đối tác công - tư (PPP) . Từ đó, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư để Nhà nước có thể hỗ trợ nhà đầu tư nhiều hơn, trực tiếp hơn khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.