Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân

PHƯƠNG CHI

(Taichinh) - Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể xem là khâu then chốt, quyết định sự thành bại của dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Đây cũng là vấn đề Việt Nam đặc biệt quan tâm trong phát triển điện hạt nhân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cơ sở hạ tầng quốc gia cho điện hạt nhân (ĐHN) thể hiện qua 19 vấn đề, trong đó có chính sách, an toàn hạt nhân, tài trợ và tài chính, hệ thống pháp luật, hệ thống pháp quy, an toàn bức xạ, nguồn nhân lực, địa điểm và các cơ sở hỗ trợ, chất thải phóng xạ, mua sắm thiết bị…

Có ba giai đoạn phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN gồm giai đoạn xem xét trước khi quyết định khởi động; chuẩn bị xây dựng và giai đoạn triển khai dự án nhà máy ĐHN.

Trong một hội thảo mới đây, ông Lê Doãn Phác, nguyên Phó cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN giai đoạn đến năm 2020. Đây là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai các nhiệm vụ phát triển đồng bộ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng ĐHN quốc gia phù hợp với hướng dẫn của IAEA và thực tiễn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu triển khai dự án ĐHN Ninh Thuận đảm bảo an toàn, an ninh, hiệu quả.

Ông Phan Minh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận cho biết, dự án ĐHN Ninh Thuận đang được triển khai đúng lộ trình. Về hạ tầng phục vụ thi công các nhà máy ĐHN Ninh Thuận, quy mô có 12,07km đường giao thông cấp IV đồng bằng (bề rộng mặt đường 7m, nền đường 9m), nối Quốc lộ 1A với đường ven biển 701; xây dựng hệ thống cấp điện phục vụ thi công xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 vào tháng 12/2014…

Về đào tạo, từ năm 2006-2009 đã cử 31 sinh viên đi học tại các chuyên ngành liên quan tới ĐHN tại Nga và Pháp. Đã có 13 sinh viên tốt nghiệp về làm việc. Ngoài ra, chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cử 323 sinh viên đi học ở nước ngoài thì đã có 236 sinh viên cam kết về làm việc cho Ban Quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận…

Theo các chuyên gia, nhìn chung các cơ quan liên quan của Việt Nam đang tiến hành một cách rất bài bản và nghiêm túc trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN với tiêu chí an toàn, an ninh là ưu tiên số một. Bởi thế, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm khi chính thức khởi công xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên và đây sẽ là tiền đề để Việt Nam có thể tiếp tục có thêm các nhà máy ĐHN trong tương lai, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội.

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có tổng công suất trên 4.000 MW. Về nguồn kinh phí, Nga đồng ý cho Việt Nam vay 10,5 tỷ USD, Nhật cũng đồng ý cho vay nguồn vốn ODA làm điện hạt nhân.Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008.