Ưu tiên giải pháp giúp tăng trưởng nhưng vẫn giữ lạm phát ở mức hợp lý

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Một trong những luận cứ khoa học được Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân Trần Thọ Đạt đưa ra phân tích và khuyến nghị chính sách vĩ mô nhằm ổn định và phát triển kinh tế từ nay đến năm 2015 là trọng cung thay vì chính sách trọng cầu như thời gian qua. Vậy cụ thể, những giải pháp đó là gì và vì sao lại nên sử dụng biện pháp này trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay?

Ưu tiên giải pháp giúp tăng trưởng nhưng vẫn giữ lạm phát ở mức hợp lý - Ảnh 1Ông Trần Thọ Đạt
Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân
Phóng viên: Thưa ông, vì sao ông lại đưa ra giải pháp vĩ mô trọng cung thay vì trọng cầu đối với nền kinh tế Việt Nam giai đoạn tới?

Ông Trần Thọ Đạt: Trong thời gian vừa qua, Nhà nước đã tập trung nhiều giải pháp ưu tiên về phía cầu để ổn định nền kinh tế, khi nền kinh tế đã ổn định sẽ phục hồi tăng trưởng. Mà thường thì các giải pháp kích cầu chỉ phù hợp về mặt ngắn hạn.

Có nên cùng với những giải pháp trọng cầu thì phải hết sức lưu tâm và đặt ưu tiên trong thời gian tới các giải pháp về trọng cung vì nền kinh tế của nước ta vẫn đang ở trạng thái tăng trưởng tương đối chậm và vẫn tiềm ẩn những rủi ro lạm phát cao. Và trong bối cảnh một nền kinh tế vừa đình trệ vừa nguy cơ lạm phát như thế thì giải pháp căn cơ nhất là tập trung vào các giải pháp trọng cung chứ không phải trọng cầu. Trọng cầu thì sẽ đẩy tăng trưởng lên và làm cho lạm phát kéo theo.

Vậy những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, theo ông là gì?

Có 5 giải pháp, thứ nhất là giảm thuế, phí và giảm chi tiêu. Thứ hai, phải tiếp tục kiên trì đổi mới một cách cơ bản doanh nghiệp nhà nước. Thứ ba, phải tăng cường đầu tư vào vốn, nhân lực - trong đó đặc biệt lưu ý đến cơ cấu dân số vàng của chúng ta gắn với khoa học công nghệ. Thứ tư, phải có giải pháp điều tiết thị trường và thúc đẩy cạnh tranh, tức là phải dỡ bỏ những rào cản, quy định không đúng với sản xuất, thương mại và nền kinh tế thị trường nói chung. Thứ năm, tạo lập được một môi trường cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư.

Đây là năm giải pháp cơ bản của kinh tế học trọng cung mà tôi thấy rất phù hợp với nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Những giải pháp trọng cung sẽ giúp tăng trưởng nhưng vẫn giữ được mức lạm phát ở mức độ hợp lý. Chúng tôi khuyến nghị về mặt lâu dài là phải tập trung vào các giải pháp trọng cung.

Thưa ông, thời gian qua chúng ta đã giảm khá nhiều loại thuế, phí. Nếu tiếp tục giảm liệu có ảnh hưởng đến nguồn thu quốc gia?

Hiện nay, trong nghiên cứu của chúng tôi đã nói rõ mức thuế của chúng ta vẫn cao. Cụ thể, tỷ trọng thuế/GDP vẫn cao. Nhưng sở dĩ chúng ta thâm hụt ngân sách vì đã chi cao hơn cả mức thu. Cho nên ở đây cần giảm thuế để kích thích doanh nghiệp đầu tư. Mà giải pháp trọng cung - giảm thuế phải là lâu dài thì doanh nghiệp mới ổn định và yên tâm đầu tư được.

Đúng là thời gian qua, Chính phủ cũng đã đưa ra một số giải pháp trọng cung và đã có thực hiện nhưng chúng tôi khuyến nghị là phải kiên trì thực hiện và đây mới là những giải pháp lâu dài của Việt Nam.

Thưa ông, có những ý kiến cho rằng trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế thì cần tập trung kích thích cầu, tức là tạo đầu ra cho doanh nghiệp mới cứu được doanh nghiệp?

Để tăng sản lượng tiềm năng của nền kinh tế lên và đưa tổng cung thực tế của nền kinh tế tiệm cận vào sản lượng tiềm năng. Nhiều nước đã thực hiện điều này khi nền kinh tế trong tình trạng đình đốn và lạm phát. Khi doanh nghiệp mở rộng sản xuất thì sẽ thu hút thêm công nhân và có điều kiện tăng lương cho công nhân thì nhu cầu của công nhân chính là một bộ phận nhu cầu trên thị trường và đấy chính là lại thúc đẩy cầu - có nghĩa cung đẻ ra cầu chính nó.

Khi cung tăng lên thì nó sẽ tạo ra cầu để hấp thụ cho chính nó. Ở đây tôi không nói là chuyển từ các giải pháp kích cầu sang trọng cung mà tôi nói là kết hợp. chúng ta không chỉ dựa hẳn vào các giải pháp kích cầu mà chúng ta phải biết kết hợp. Trong giai đoạn sắp tới, nghĩa là từ năm 2014 chúng tôi nghĩ cần quan tâm đến các giải pháp quản lý tổng cầu để ưu tiên nhiều hơn cho các giải pháp trọng cung.

Xin cám ơn ông!