Đổi mới hoạt động khuyến nông:

Ưu tiên sản phẩm chủ lực

H.B

(Tài chính) “Đổi mới công tác khuyến nông nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới” sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của công tác khuyến nông trong năm 2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tập trung vào các địa bàn trọng điểm

Sản xuất nông nghiệp trong năm 2014 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn và thách thức. Kinh phí phân bổ cho các chương trình, dự án khuyến nông Trung ương trong năm giảm so với những năm trước.... Ứng phó với tình hình đó, công tác khuyến nông năm 2014 cũng được đổi mới theo hướng chuyên sâu. Trong đó, xây dựng mô hình trình diễn, nhân rộng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất là một trong những điểm nhấn của hoạt động khuyến nông.

Mỗi năm Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức khoảng 20-25 diễn đàn ”Khuyến nông & nông nghiệp”, 7-8 hội chợ nông nghiệp, 4-5 hội thi khuyến nông, thu hút sự tham gia của trên 150.000 đại biểu gồm các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ khuyến nông, doanh nghiệp và nông dân tiêu biểu.

Theo đó, năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với nhiều cơ quan báo, đài xây dựng và tuyên truyền nhiều chuyên mục, chuyên trang,…góp phần đưa thông tin khoa học kỹ thuật đến với nông dân. Các chuyên mục “thông tin sản xuất nông nghiệp”, “hoạt động khuyến nông”, “sự kiện khuyến nông” trên các phương tiện truyền thông đã cung cấp thông tin hữu ích, góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông và bà con nông dân.

Hoạt động đào tạo huấn luyện khuyến nông cũng đã tập trung cho các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng ưu tiên chuyển giao các kỹ thuật sản xuất các cây, con chủ lực theo đề án tái cơ cấu, phát triển sản xuất quy m lớn, tập trung gắn với thị trường tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương, vùng, miền, sản xuất theo hướng áp dụng thực hành chăn nuôi tốt (GAHP), tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP), nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu...

Từ năm 2014, đơn vị triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng các dự án khuyến nông trọng điểm, số lượng mỗi năm chỉ từ 15 – 20 dự án mới nhưng tập trung vào những đối tượng sản phẩm hàng hóa chủ lực, các gói tiến bộ kỹ thuật, công nghệ đồng bộ, có sức lan tỏa mạnh, tập trung vào các địa bàn sản xuất trọng điểm. Nhờ đó, nhiều dự án đã đạt được hiệu quả cao, tạo sự chuyển biến lớn trong sản xuất. Tiêu biểu như dự án phát triển sản xuất hạt giống lúa lai F1 trong nước (giai đoạn 2011-2014). Dự án đã hỗ trợ cho khoảng 5.000- 8.000 hộ nông dân, hợp tác xã 650-1.000ha tổ hợp lúa lai, chiếm 30-40% tổng diện tích sản xuất hạt giống lúa lai F1 trong nước; sản lượng hạt giống lúa lai F1 đạt khoảng 2.200-2.500 tấn có chất lượng tương đương nhưng giá thành giảm 25-30% so với giống nhập khẩu. Qua đó, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân sản xuất lúa giống gấp 2,5 - 3lần so với lúa thương phẩm...

Đặc biệt, Trung tâm Khuyến Nông Quốc gia còn xây dựng được 11 mô hình với 22 điểm trình diễn thuộc dự án xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò trong nông hộ, trong đó có 7 mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo với quy mô 1.500 con bò cái nền và 4 mô hình bò vỗ béo với quy mô 600 con bò thịt. Tỷ lệ phối giống thành công lần 1 đạt xấp xỉ 80%; vỗ béo bò thịt tăng khối trọng bình quân trên 20kg/con/tháng, chất lượng thịt tăng, thu nhập của hộ nuôi tăng 2-2,5 triệu đồng/con sau 3 tháng nuôi. Kết hợp với các cơ sở thú y cộng đồng, Trung tâm cũng đã triển khai xây dựng 28 mạng lưới thú y và trang bị 28 tủ thuốc thú y cộng đồng, đào tạo trên 400 lượt nông dân về kỹ thuật chăn nuôi lợn sinh sản an toàn sinh học, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, kiến thức vệ sinh thú y, nâng cao nhận thức phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi…

Dự án Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm chân trắng theo VietGAP (2014- 2016) trong năm qua cũng xây dựng được 10 mô hình trình diễn. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP năng suất đạt 10-11 tấn/ha, cỡ thu từ 50-60 con/kg, tỷ lệ sống ≥50%; Mô hình nuôi tôm sú theo VietGAP năng suất đạt 2 tấn/ha, cỡ thu <40 con/ kg, tỷ lệ sống >60%...

Tiến tới đổi mới toàn diện

Để góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình xây dựng Nông thôn mới, TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, cần đổi mới hoạt động khuyến nông theo hướng ưu tiên thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế và thị trường tiêu thụ của từng vùng, từng địa phương. Triển khai thí điểm một số dự án khuyến nông theo cơ chế hợp tác công tư (PPP) đối với một số sản phẩm chủ lực, xuất khẩu của ngành; Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện khuyến nông...

Theo đó, kinh phí đầu tư cần được tăng cường cho các hoạt động khuyến nông thường xuyên và cải tiến phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ khuyến nông của các hộ nông dân. Trong từng lĩnh vực, khuyến nông cần kết hợp chặt chẽ giữa các nội dung khoa học kỹ thuật và nội dung về kinh tế, xã hội và môi trường phát triển bền vững.

Về kỹ thuật, công nghệ, cần lựa chọn, tuyên truyền và trình diễn các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ ưu việt nổi trội, phù hợp với điều kiện sinh thái, kinh tế - xã hội của từng địa phương, có khả năng nhân rộng trong thực tiễn, không chạy theo phong trào... Ngoài ra, để nâng cao chất lượng mô hình trình diễn, cần đẩy mạnh phương thức khuyến nông để tập trung nguồn lực ổn định cho những nhiệm vụ khuyến nông trọng điểm, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về trình độ khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng với các sản phẩm chủ lực...

Quan trọng hơn là tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt công tác chọn hộ, chọn điểm, hạn chế tối đa việc điều chỉnh như các năm trước đây; ưu tiên triển khai ở các xã điểm xây dựng Nông thôn mới. Phối hợp với các doanh nghiệp để cung ứng giống, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân. 


Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 1+2-2015