Điểm sáng từ các trụ cột tăng trưởng

GDP quý sau cao hơn quý trước

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2014, nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi rõ nét. GDP 6 tháng đầu năm ước tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó quý I tăng 5,09%; Quý II tăng 5,25%. Chỉ số này cho thấy, nền kinh tế đã có cải thiện và mức tăng GDP đã cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2012 và 2013. Trong mức tăng 5,18% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,96%, cao hơn mức 2,07% của cùng kỳ năm 2013, đóng góp 0,55 điểm phần trăm vào mức tăng chung; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,33%, cao hơn mức 5,18% của 6 tháng đầu năm 2013, đóng góp 2,06 điểm phần trăm; Khu vực dịch vụ tăng 6,01%, cao hơn mức 5,92% của cùng kỳ năm 2013, đóng góp 2,57 điểm phần trăm.

Dịch vụ là khu vực tăng trưởng “đầu tàu”: Khu vực dịch vụ tiếp tục đóng góp cao vào mức tăng trưởng chung. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2013 như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,78%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,50%; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,51%. Hoạt động kinh doanh bất động sản đã phát đi dấu hiệu hồi phục sau 3 năm “ngủ đông” với mức tăng 2,65%, cao hơn mức 1,8% của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm dần, chính sách của nhà nước về hỗ trợ ngành bất động sản cũng dần phát huy tác dụng và các điều kiện cho vay mua nhà đã được nới lỏng hơn.

Tăng trưởng công nghiệp phục hồi, sản xuất dần khởi sắc: Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 5,45%, cao hơn mức 5,19% của cùng kỳ năm 2013. Cụ thể, công nghiệp chế biến, chế tạo đã có chuyển biến tích cực với mức tăng 7,89%, cao hơn mức tăng cùng kỳ một số năm trước, góp phần tác động lớn đến mức tăng trưởng chung... Theo nhận định của tổ chức tài chính HSBC, sự hồi phục của tăng trưởng công nghiệp do các lĩnh vực sản xuất tiếp tục khởi sắc nhờ vào đầu tư tăng.

Thủy sản “bứt phá”, nông, lâm, sản “ổn định: Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,85% nhưng chỉ đóng góp 0,18 điểm phần trăm trong mức đóng góp của khu vực vào mức tăng chung; Ngành Nông nghiệp mặc dù tăng thấp nhất ở mức 2,25% nhưng đóng góp 0,33 điểm phần trăm do quy mô nông nghiệp hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong khu vực với khoảng 77%; Ngành Lâm nghiệp đóng góp 0,04 điểm phần trăm.

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm 2014 ước đạt 70,9 tỷ USD (tăng 14,9% so với cùng kỳ 2013), tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 69,6 tỷ USD (tăng 11%). Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu đạt 1,3 tỷ USD. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng tương ứng của cả nước như: Điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,6%; Hàng dệt may 60,2%; Giày dép 78,1%; Máy móc thiết bị và phụ tùng 89,6%; Phương tiện vận tải và phụ tùng 95%; Máy vi tính và linh kiện 98,4%.

Về thị trường xuất khẩu, trong 6 tháng, Liên minh châu Âu vươn lên vị trí dẫn đầu với tổng kim ngạch ước tính đạt 13,1 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó kim ngạch một số mặt hàng đạt giá trị tăng: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,7%; Giày dép tăng 22,1%; Hàng dệt may tăng 23,2%; Hải sản tăng 25,7%. Đứng thứ 2 là Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 13 tỷ USD, tăng 19,5% với kim ngạch một số mặt hàng tăng: Hàng dệt may tăng 13,7%; Giày dép tăng 21,2%; Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 17%; Điện thoại tăng 543,5%. Thị trường ASEAN đứng thứ 3 với 9,6 tỷ USD, tăng 4,8% với một số mặt hàng tăng: Điện thoại tăng 6,5%; Dầu thô tăng 19,7%; Máy móc tăng 26,1%. Tiếp đến là Hàn Quốc ước tính đạt 2,9 tỷ USD, giảm 3,5%, trong đó kim loại thường khác và sản phẩm giảm 2%; Than đá giảm 5,6%.

Thu ngân sách đạt khá, kiểm soát chi chặt chẽ

Tính đến 15/6/2014, tổng thu ngân sách nhà nước ước tính đạt 376,9 nghìn tỷ đồng, bằng 48,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa 256,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,6%; Thu từ dầu thô 48,3 nghìn tỷ đồng, bằng 56,6%; Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 70,5 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8%. Trong đó, thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước 83,8 nghìn tỷ đồng, bằng 45,4% dự toán năm; Thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 56,4 nghìn tỷ đồng, bằng 50,5%...

Tổng chi ngân sách Nhà nước tính đến 15/6/2014 ước đạt 449,4 nghìn tỷ đồng, bằng 44,6% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 72,6 nghìn tỷ đồng, bằng 44,5% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 70 nghìn tỷ đồng, bằng 44,3%); Chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể ước tính đạt 321,7 nghìn tỷ đồng, bằng 45,7%; Chi trả nợ và viện trợ 55,1 nghìn tỷ đồng, bằng 45,9%.

Giải ngân vốn FDI tăng so với cùng kỳ năm 2013

Trong 6 tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vốn FDI vào Việt Nam đạt 6,85 tỷ USD, bằng 64,7% so với cùng kỳ 2013. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được tỷ 5,75 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2013. Bên cạnh đó, khu vực vốn FDI đã thực hiện xuất khẩu (kể cả dầu thô) trong 6 tháng đạt 47,82 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 67,5% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu không kể dầu thô là 43,75 tỷ USD tăng 17,2% so với cùng kỳ 2013. Nhập khẩu đạt 39,29 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 56,5% kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, tính chung 6 tháng, khu vực FDI đã xuất siêu 8,52 tỷ USD.

Triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm

Kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2014 tiếp tục diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp cả về kinh tế và chính trị. Ở trong nước, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao; Sức ép nợ xấu còn nặng nề; Hàng hóa tiêu thụ chậm... Ngoài ra, tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, bước đầu ảnh hưởng đến động thái phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân cư.

Tuy nhiên, những dự báo cho thấy, nhiều khả năng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2014 nhờ vào xuất khẩu và cầu nội địa tốt hơn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ vẫn dưới mức xu hướng do niềm tin yếu của người tiêu dùng vốn bị ảnh hưởng bởi nợ xấu. Vì vậy, cầu nội địa vẫn là yếu tố then chốt để Việt Nam đạt mức tăng trưởng khá hơn trong trung hạn.

Chúng tôi cho rằng, lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục tăng nhờ vào đầu tư tăng, các hiệp ước thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu nhiều khả năng sẽ được gút lại vào cuối 2014 và lực cầu bên ngoài sẽ cải thiện tốt hơn. Sản xuất tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng. Ngành dịch vụ có giảm sút nhưng vẫn khá mạnh nhờ vào mức thu nhập đang tăng lên và yếu tố nhân khẩu học đang được cải thiện. Nếu lòng tin vào nền kinh tế được cải thiện thì ngành dịch vụ và xây dựng sẽ hồi phục, góp phần vào tăng trưởng GDP ở mức cao hơn.

Với CPI tăng thấp, lãi suất ổn định ở mức hấp dẫn, tỷ giá dù vừa tăng thêm 1% nhưng dự đoán sẽ ổn định trong nửa cuối của năm; Tín dụng sẽ tăng trưởng tốt hơn 6 tháng cuối năm 2014, thúc đẩy cầu nội địa tăng nhẹ. Lạm phát cũng sẽ tăng vào đầu quý III/2014 do chi phí dịch vụ cao hơn và lực cầu nội địa được cải thiện nhưng có thể chỉ ở quanh ngưỡng 5%-6%.

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê; Báo cáo tình hình kinh tế -xã hội 6 tháng đầu năm 2014;

2. Các website: Tapchitaichinh.vn, Vneconomy.vn, CafeF.vn…;

3. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước 5 tháng đầu năm 2014.

Vài nhận định về kinh tế vĩ mô Việt Nam 6 tháng đầu năm

ThS. TRẦN THỊ NGỌC HÀ - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

(Tài chính) Bất chấp những khó khăn cũ và những yếu tố mới nảy sinh như tình hình căng thẳng trên biển Đông, nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014 vẫn thể hiện được sự khởi sắc rõ nét. GDP quý II/2014 tăng cao hơn quý I/2014 và các cán cân vĩ mô tiếp tục ổn định, tạo nền tảng cho sản xuất, kinh doanh hồi phục.

Xem thêm

Video nổi bật