Vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc minh bạch ngân sách nhà nước

ThS. Dương Thị Thiều, ThS. Đỗ Thị Loan - Đại học Tài chính Quản trị Kinh doanh

Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước hàng năm đã bao phủ gần 80% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hơn 60% bộ, ngành, cơ quan Trung ương, thể hiện sự lớn mạnh về chuyên môn nghiệp vụ của Kiểm toán Nhà nước. Thông qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phát hiện những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, từ đó đưa ra các kiến nghị để các đơn vị được kiểm toán có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, đảm bảo trật tự, kỷ luật tài chính và minh bạch việc sử dụng ngân sách.

KTNN góp phần làm minh bạch và lành mạnh các thông tin, các quan hệ kinh tế, tài chính.
KTNN góp phần làm minh bạch và lành mạnh các thông tin, các quan hệ kinh tế, tài chính.

Kiểm toán Nhà nước đối với minh bạch ngân sách nhà nước

Thống kê cho thấy, trong 20 năm qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 147.580 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 29.148 tỷ đồng, giảm chi NSNN 22.365 tỷ đồng. Tính riêng trong 5 năm gần đây, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 91.168 tỷ đồng, chiếm 62% tổng số kiến nghị xử lý tài chính, trong đó tăng thu NSNN 14.290 tỷ đồng, giảm chi NSNN 14.527 tỷ đồng. Riêng năm 2015, KTNN tiến hành kiểm toán ngân sách địa phương tại 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại 18 bộ, cơ quan Trung ương; Kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2014 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Như vậy, hoạt động kiểm toán của KTNN hàng năm đã bao phủ gần 80% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hơn 60% bộ, ngành, cơ quan Trung ương, thể hiện sự lớn mạnh về chuyên môn nghiệp vụ của KTNN. Có thể nói, trong những năm qua, KTNN đã có nhiều đóng góp đối với quản lý NSNN nói chung và minh bạch NSNN nói riêng, thể hiện trên một số điểm sau:

Một là, KTNN góp phần làm minh bạch và lành mạnh các thông tin, các quan hệ kinh tế, tài chính. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin kinh tế, trước hết là thông tin trên báo cáo tài chính của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị và bộ phận được kiểm toán.

Kết quả kiểm toán được lập thành báo cáo và công bố công khai theo quy định của pháp luật đã góp phần làm cho các thông tin về kinh tế, tài chính được kiểm toán đáp ứng được yêu cầu trung thực, khách quan; Xác nhận độ tin cậy của báo cáo tài chính, làm căn cứ để Nhà nước đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp và giúp cho các đối tượng sử dụng thông tin đưa ra các quyết định trong mối quan hệ với đơn vị được kiểm toán... KTNN đã cung cấp nhiều thông tin, căn cứ và kiến nghị quan trọng và kịp thời để Quốc hội xem xét, phê chuẩn dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách Trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu, dự án quan trọng quốc gia...

Hai là, KTNN cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ của mình. KTNN góp phần thúc đẩy các cơ quan nhà nước nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng các nguồn lực một cách toàn diện cả về tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả.

Thông qua kiểm toán, KTNN phát hiện những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng NSNN, từ đó đưa ra các kiến nghị để các đơn vị được kiểm toán có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, đảm bảo trật tự, kỷ luật tài chính và minh bạch việc sử dụng ngân sách. KTNN không chỉ góp phần quản lý chặt chẽ các khoản chi tiêu công chống tham ô, lãng phí, thất thoát, mà quan trọng hơn phải làm cho đồng tiền thuế của nhân dân được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các văn bản có liên quan đến quản lý, sử dụng NSNN không phù hợp với thực tiễn hoặc trái với quy định hiện hành. Những kiến nghị sửa đổi hay hủy bỏ văn bản quản lý đó đã góp phần làm minh bạch chính sách tài chính: Minh bạch trong xác định nguồn thu, mức thu, số thu NSNN và minh bạch trong chi tiêu ngân sách. Có thể nói, các kiến nghị, đề xuất xử lý tài chính của KTNN, đã góp phần không nhỏ làm minh bạch NSNN và lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Ba là, thực tế trong những năm qua cho thấy, thông tin từ KTNN ngày càng trở nên quan trọng và hữu ích đối với hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt trước khi HĐND quyết định những vấn đề tài chính - ngân sách của địa phương. Kết quả kiểm toán của KTNN góp phần cung cấp thông tin toàn diện cho HĐND sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, đảm bảo dự toán bao quát hết nguồn thu, nhiệm vụ chi, góp phần giúp HĐND thực thi quyền giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; Xem xét khi phê chuẩn Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương...

Bốn là, đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động trong môi trường cạnh tranh và hội nhập, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã xác nhận tính trung thực của báo cáo tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị được kiểm toán, tình hình sử dụng nguồn vốn nhà nước. Nhờ đó, góp phần minh bạch hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch hơn, xây dựng hệ thống thông tin tin cậy, tạo được niềm tin để các cổ đông của công ty, các nhà đầu tư, ngân hàng, bảo hiểm, cơ quan chức năng xem xét quyết định đầu tư và cho các DN vay vốn…

Ngoài ra, hoạt động kiểm toán còn đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực trong quản lý và sử dụng nguồn lực của cơ quan, đơn vị hay của quốc gia, góp phần giúp cho cơ quan, đơn vị hay quốc gia có biện pháp quản lý và sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả; từ đó, nâng cao sức cạnh tranh của DN và quốc gia. Trên góc nhìn khác, hoạt động kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán của KTNN, đã trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin của các quốc gia, các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư nước ngoài… với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Đề xuất, kiến nghị

Với mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2020 là “Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”; đồng thời, để KTNN thực sự phát huy được vai trò lớn hơn trong việc minh bạch NSNN, trong thời gian tới, cần chú ý một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động của KTNN để thực hiện kiểm toán được nhiều hơn nguồn tài chính công, tài sản công. Hiện nay, hàng năm KTNN chưa thực hiện kiểm toán ngân sách được toàn bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tại mỗi địa phương chỉ kiểm toán được một phần nhỏ ngân sách cấp huyện; tỷ lệ số xã được kiểm toán còn ít hơn. Mặt khác, quy mô kiểm toán vẫn còn nhỏ so với nhu cầu công việc, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ cho KTNN trong việc xây dựng bộ máy và phát triển đội ngũ kiểm toán viên, để thực hiện kiểm toán phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm thực thi “sứ mệnh” cung cấp thông tin để các cơ quan hữu quan giám sát công tác quản lý và sử dụng NSNN.

Hai là, tăng cường việc kiểm toán ngay từ khâu lập dự toán NSNN nhằm nhắc nhở, cảnh báo các cơ quan hành pháp và lập pháp đánh giá những kịch bản hoặc dự báo có thể xảy ra trong trung và dài hạn liên quan đến các chu kỳ phát triển của nền kinh tế, việc trả nợ, các chương trình mục tiêu quốc gia và những cam kết khác như an sinh xã hội, trợ cấp hưu trí, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu hay các cú sốc tài chính.

Tham gia ý kiến ngay từ đầu trong quá trình Chính phủ thảo luận xây dựng dự toán NSNN trước khi trình Quốc hội. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện chuẩn mực về lập và trình bày báo cáo nhằm phản ánh chính xác hơn hiệu quả và tình hình tài chính của quốc gia; Tăng cường kiểm toán hoạt động tài chính công nhằm xây dựng một nền tài chính bền vững trong trung và dài hạn với nền tảng quản trị tốt. Tăng cường năng lực của KTNN trong việc áp dụng thực hiện chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

Ba là, đẩy mạnh công khai thông tin về kết quả kiểm toán nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của các bên liên quan. Theo đó, KTNN cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng các kênh thông tin thích hợp, trong đó chú trọng thông tin cho báo chí, nhằm công khai kết quả kiểm toán NSNN cho nhiều đối tượng biết, từ đó tạo điều kiện để nhân dân tham gia tham gia giám sát. Ngoài ra, KTNN cần tiếp tục chủ động cung cấp thông tin về kết quả kiểm toán cho các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế và đông đảo công chúng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, việc công khai thông tin kiểm toán NSNN thời gian tới nên hướng đích như khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, “Thông lệ tốt nhất là cơ quan kiểm toán quốc gia hoặc một tổ chức tương tự báo cáo cơ quan lập pháp và công chúng về tất cả các vấn đề về quản lý tài chính công liên quan tới tính nhất quán và minh bạch của chính sách tài khóa”; “Tất cả các báo cáo của cơ quan kiểm toán quốc gia sẽ tự động được công khai ngay khi những báo cáo này được trình lên cơ quan hành pháp - công bố ngay lập tức hoặc trong một khoảng thời gian nhất định”. Bên cạnh đó, cần công bố kịp thời Báo cáo kiểm toán tổng hợp năm, trong đó cần công bố báo cáo kiểm toán “lý tưởng nhất là trong vòng 6 tháng và không lâu hơn 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách” như khuyến cao của Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP). Thống kê cho thấy, hiện Việt Nam vẫn bị xếp ở nhóm thấp nhất “Ít hoặc không công khai ngân sách”. Do vậy, trong thời gian tới, KTNN nên quan tâm và công bố công khai báo cáo kiểm toán năm trước ngày 01/7, có thể thông qua các cách thức như họp báo hoặc đăng tải trên phương tiện truyền thông.

Bốn là, hoàn thiện tổ chức bộ máy của KTNN nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán. Hoàn thiện và phát triển bộ máy phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao có đủ năng lực kiểm toán trên cơ sở phát triển các đơn vị KTNN khu vực và các đơn vị KTNN chuyên ngành. Sắp xếp, củng cố lại các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành theo hướng giảm khâu trung gian; đảm bảo có bộ máy tham mưu gọn nhẹ, một đơn vị không thực hiện quá nhiều chức năng, nhiệm vụ, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của KTNN...

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch chiến lược phát triển giai đoạn 2013-2017 và định hướng đến năm 2020 vừa được tổ chức ngày 3/6/2016, KTNN đã đặt ra mục tiêu: Phát triển hệ thống tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ về số lượng, cơ cấu, chất lượng, tính chuyên nghiệp hóa: Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng Đề án tổ chức và biên chế của KTNN đến năm 2020 và Đề án tinh giản biên chế đến năm 2020 trình Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt; Xây dựng và thực hiện Đề án tuyển dụng công chức, viên chức, Đề án và kế hoạch điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác giai đoạn 2016-2020... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của KTNN, trong đó: Tập trung triển khai Đề án Tổng thể phát triển công nghệ thông tin của KTNN giai đoạn 2015-2020, trọng tâm là triển khai Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin KTNN”; Tiếp tục đầu tư trang thiết bị tin học cho các kiểm toán viên; Thành lập nhóm kiểm toán công nghệ thông tin khoảng 2-3 cán bộ tại các KTNN chuyên ngành, khu vực...

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015;

2. Quốc hội, Luật NSNN nước năm 2015;

3. Bộ Tài chính, 2015, Những quy định của Luật NSNN năm 2015 về công khai minh bạch ngân sách;

4. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020;

5. PGS.,TS. Nguyễn Đình Hòa, Vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng NSNN.

6. Một số website: mof.gov.vn, sav.gov.vn, kiemtoannn.gov.vn...