Vai trò của nhà đầu tư tổ chức đối với sự phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam

TSKH. NGUYỄN THÀNH LONG - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

(Tài chính) Nhà đầu tư tổ chức (NĐTTC) đóng một vai trò rất quan trọng trong hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK). Bài viết nghiên cứu mối quan hệ tương hỗ giữa sự phát triển NĐTTC và sự phát triển của TTCK, rà soát lại hiện trạng và đưa ra những giải pháp phù hợp cho sự phát triển của NĐTTC tại Việt Nam trong thời gian tới.

Vai trò của nhà đầu tư tổ chức đối với sự phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam
NĐTTC đóng một vai trò rất quan trọng trong hoạt động của TTCK. Nguồn: internet

Vai trò của nhà đầu tư tổ chức

Kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển cho thấy NĐTTC có thể nắm vị thế đối trọng đối với các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự cân đối, cạnh tranh và hoạt động hiệu quả của hệ thống tài chính. NĐTTC cũng là động lực thúc đẩy các ý tưởng và sản phẩm tài chính mới, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa khu vực tài chính, minh bạch hóa và hoàn thiện các chuẩn mực quản trị công ty, mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của TTCK.

Các nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ tương tác hai chiều chặt chẽ giữa sự phát triển của NĐTTC và sự phát triển của TTCK, trong đó TTCK phát triển sẽ thúc đẩy sự phát triển NĐTTC, và ngược lại, NĐTTC có phát triển thì TTCK mới phát triển. Mặt khác, việc phát triển NĐTTC có thể thực hiện mà không nhất thiết phải có một TTCK đã phát triển, hay các quốc gia có thể thực hiện các chính sách cải cách hệ thống an sinh xã hội, hệ thống các quỹ hưu trí trước khi có một TTCK phát triển.

Một TTCK dựa trên nền tảng vững chắc các NĐTTC trong nước sẽ linh hoạt hơn trước những cú sốc tài chính tạo ra bởi hiện tượng rút vốn ồ ạt. Đây là vấn đề then chốt có thể giúp hệ thống tài chính phòng vệ chống lại ảnh hưởng của các cú sốc bên ngoài.

Để khuyến khích NĐTTC chủ động và tích cực tham gia TTCK các nước áp dụng nhiều hình thức ưu đãi trong đó đặc biệt chú trọng đến ưu đãi về thuế trên cổ tức.

Thực trạng nhà đầu tư tổ chức ở Việt Nam

Trên TTCK Việt Nam, số lượng nhà đầu tư, bao gồm cả tổ chức và cá nhân, trong nước và nước ngoài, đã gia tăng đáng kể từ gần 3.000 tài khoản nhà đầu tư khi mở cửa thị trường năm 2000 lên gần 1.300.000 tài khoản vào năm 2013. Các nhà đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng quan trọng tới TTCK. Tính đến cuối năm 2007, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ lượng chứng khoán ước đạt 7,6 tỷ USD. Đến cuối năm 2013, có khoảng 16.700 nhà đầu tư nước ngoài với gần 12 tỷ USD tổng tài sản, trong đó NĐTTC chiếm gần 14% nhưng nắm giữ tới 99% tổng danh mục đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tỷ trọng tham gia TTCK của các NĐTTC trong nước còn thấp với khoảng 100.000 tỷ đồng quản lý bởi các công ty quản lý quỹ, trong đó khoảng 75% lượng vốn này đầu tư vào chứng khoán, phần còn lại vào các tài sản khác, chủ yếu là công cụ tiền tệ, hiện chưa có quỹ hưu trí. Sản phẩm liên kết còn rất ít và đã được tính vào trong phần ủy thác cho các công ty quản lý quỹ nêu trên.

Giá trị tài sản của NĐTTC cả trong và ngoài nước ở thời điểm cuối năm 2013 ước đạt khoảng 11% GDP, thấp hơn một số quốc gia khác trong khu vực, ví dụ tại Malaysia và Thái Lan lần lượt khoảng 66% và 22% GDP.

Sự tham gia của đông đảo của nhà đầu tư cá nhân đã mang lại một số ảnh hưởng tích cực, trước hết giúp TTCK nhanh chóng trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt cho hoạt động cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và huy động vốn cho ngân sách nhà nước, mặc dù hệ thống tài chính, ngân hàng còn chưa phát triển.

Tuy nhiên, việc thiếu vắng những nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp là vấn đề cần quan tâm vì đây chính là cơ sở để TTCK phát triển bền vững và ổn định. Điều này có những tác động tiêu cực sau đây:

- TTCK biến động nhanh, mạnh và bất thường do tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân với mức tiết kiệm thấp, đầu tư theo phong trào và với kỳ hạn ngắn. Các nhà đầu tư này dễ bị tổn thương, gây khó khăn cho việc huy động vốn, cổ phần hóa các DNNN và là yếu tố khiến TTCK chưa thể phát triển bền vững.

- Kinh nghiệm và sự hiểu biết của công chúng đầu tư còn chưa cao, đặc biệt là nhận thức hạn chế về quyền của cổ đông trong các vấn đề liên quan tới quản trị công ty đôi khi gián tiếp làm giảm hiệu quả hoạt động của DN.

- Thực trạng cơ sở nhà đầu tư nêu trên cũng gây nhiều áp lực cho các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạch định và điều hành các chính sách phát triển ngành và chính sách kinh tế vĩ mô.

Phát triển nhà đầu tư tổ chức ở Việt Nam

Các mục tiêu cơ bản

Thứ nhất, từng bước đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tiến tới cấu trúc cơ sở nhà đầu tư với sức cầu ổn định, chuyên nghiệp; Tập trung phát triển mạnh NĐTTC làm nền tảng cho sự tăng trưởng của TTCK, định hướng bởi hoạt động đầu tư của các NĐTTC.

Thứ hai, tiếp tục duy trì sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân, cải thiện mức độ thanh khoản của thị trường.

Thứ ba, thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trung và dài hạn, góp phần phát triển TTCK, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, bổ sung nguồn vốn đầu tư cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguyên tắc phát triển nhà đầu tư tổ chức

- Tôn trọng quyền tự do mua, bán chứng khoán của nhà đầu tư. Nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về rủi ro, về các quyết định đầu tư của mình và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK nhằm huy động nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho đầu tư phát triển.

Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cho hoạt động của TTCK, phát triển nguồn nhân lực cho ngành Chứng khoán... Thu hút có chọn lọc dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài một cách chủ động, phù hợp với xu thế dòng vốn đầu tư nước ngoài và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với năng lực quản lý và sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Có biện pháp giám sát phù hợp, tăng cường khả năng dự báo, đề xuất các giải pháp chính sách phù hợp nhằm duy trì sự ổn định, bền vững của dòng vốn này.

Vai trò của nhà đầu tư tổ chức đối với sự phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1

Giải pháp thực hiện

Đối với mục tiêu thứ nhất: Từng bước đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tiến tới cấu trúc cơ sở nhà đầu tư có sức cầu ổn định và chuyên nghiệp; Tập trung phát triển mạnh NĐTTC làm nền tảng hỗ trợ sự tăng trưởng của TTCK, định hướng bởi hoạt động đầu tư giá trị của các NĐTTC. Cụ thể như sau:

- Ban hành và hoàn thiện các quy định hướng dẫn đồng bộ các sản phẩm quỹ đầu tư chứng khoán dành cho các nhà đầu tư có mức chấp nhận rủi ro khác nhau và các quỹ đầu tư đa mục tiêu, nhằm kết nối thị trường bảo hiểm, thị trường trái phiếu, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản với TTCK.

- Triển khai thí điểm các quỹ hưu trí tự nguyện, trước mắt cho phép các công ty quản lý quỹ huy động và quản lý các quỹ hưu trí tự nguyện trong khối các DN có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện các tổ chức nước ngoài, các ngân hàng thương mại cổ phần...

- Nghiên cứu, từng bước xây dựng cơ chế thuế nhằm khuyến khích các hình thức đầu tư tập thể, khuyến khích việc tham gia đầu tư vào TTCK thông qua quỹ đầu tư, phù hợp các với thông lệ quốc tế.

Đối với mục tiêu thứ hai: Tiếp tục duy trì sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư cá nhân, cải thiện mức độ thanh khoản của thị trường. Trước hết cần xây dựng cơ chế về thuế dựa trên việc phân loại thu nhập từ hoạt động đầu tư nhằm khuyến khích đầu tư dài hạn.

Tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng và sự tiện lợi trong hoạt động giao dịch cho nhà đầu tư, hiện đại hóa hệ thống giao dịch hỗ trợ nhiều phương thức và hình thức giao dịch, hiện đại hóa cơ chế giao dịch và từng bước triển khai áp dụng các kỹ thuật hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế công bố thông tin, bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động TTCK; Kiên quyết xử lý nghiêm minh các hiện tượng lạm dụng thị trường để củng cố lòng tin của nhà đầu tư: Đẩy mạnh công tác đào tạo công chúng, nâng cao nhận thức xã hội về chứng khoán và TTCK.

Đối với mục tiêu thứ ba: Thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trung và dài hạn, góp phần phát triển TTCK, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, bổ sung nguồn vốn đầu tư cho sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Kết hợp với việc tăng cường công tác quản lý, giám sát, chủ động đối phó với biến động của dòng vốn này. Nâng cao năng lực và khả năng chống đỡ của hệ thống tài chính ngân hàng và nền kinh tế. Những công việc cụ thể bao gồm:

- Thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trung và dài hạn thông qua việc đẩy mạnh cổ phần hóa và bán bớt phần vốn nhà nước tại các DNNN. Điều chỉnh quy định về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại các DN phù hợp với các cam kết quốc tế và lộ trình phát triển thị trường vốn. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài dễ tiếp cận TTCK Việt Nam. Phân định rõ và giải quyết mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài, có cơ chế chuyển đổi từ DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sang công ty cổ phần để niêm yết.

- Giám sát và chủ động có giải pháp xử lý tình huống đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài: Tích cực tích lũy dự trữ ngoại hối, đảm bảo khả năng thanh toán nhằm nâng cao khả năng phòng vệ tài chính của nền kinh tế, từng bước chấm dứt tình trạng đô la hóa nền kinh tế; Từng bước hiện đại hóa điều hành chính sách tiền tệ nhằm tăng tính chủ động để ứng phó kịp thời với sự biến động của dòng vốn nước ngoài; Thúc đẩy quá trình cải cách, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhằm nâng cao chất lượng các tổ chức tín dụng; Xây dựng chính sách phù hợp để đối phó với sự biến động vào, ra quá nhiều của dòng vốn nước ngoài.

- Xây dựng các giải pháp vĩ mô nhằm ổn định hệ thống tài chính quốc gia, nâng cao khả năng phòng vệ trước rủi ro phát sinh từ dòng vốn quốc tế: Thực hiện chính sách tài khóa và chính sách quản lý nợ công hợp lý, thận trọng, phù hợp với chính sách tiền tệ, bảo đảm mục tiêu duy trì tăng trưởng bền vững của nền kinh tế; Nâng cao hiệu quả đầu tư công và quản lý nợ công chặt chẽ và an toàn; Nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, phát triển nhân lực chất lượng cao; Phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong hoạt động quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoà; Tăng tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư của khu vực tư nhân, giảm dần tỷ trọng đầu tư công.

Tài liệu tham khảo:

1. Aras, Guller và Muslumov, Alovsat “Institutional Investors and Stock Market Development: A Causality Study”, ISE Review, Vol 29, 1-14, 2005;

2. Luật Chứng khoán;

3. Vittas, Dimitri “Institutional Investors and Securities Market: Which come first?”, The World Bank, 1996;

4. www.ssc.gov.vn