Vai trò của Nhà nước trong hoạt động khởi nghiệp (*)

Theo nhandan.com.vn

LTS: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, một quốc gia có trình độ đổi mới sáng tạo cao sẽ có nhiều cơ hội tham gia sân chơi lớn. Khởi nghiệp châm ngòi sức sáng tạo, vì vậy, việc thôi thúc “ngọn lửa” khởi nghiệp bùng cháy đang là quyết tâm chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, môi trường và các điều kiện cho khởi nghiệp, gồm hệ thống khung pháp luật, các chính sách hỗ trợ, quỹ đầu tư mạo hiểm (ĐTMH)… giúp bảo đảm tính ổn định và độ sẵn sàng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Hoàn thiện các điều kiện cho khởi nghiệp chính là yêu cầu bức thiết nhất, giúp cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam vươn lên và phát triển mạnh mẽ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bài 1: Gỡ khó về vốn khởi nghiệp (*)

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để xác định doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp có thành công hay không chính là việc kêu gọi được vốn đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều nguyên nhân khiến DN khởi nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn cần thiết.

Thiếu kỹ năng

Mặc dù đang sở hữu công việc trong mơ tại Vodafone - Tập đoàn viễn thông hàng đầu của Anh với mức lương cực “khủng”, nhưng với khát vọng được khẳng định chính mình, Eric Hà Ngọc Anh đã quyết định rời bỏ cuộc sống ổn định tại Ô-xtrây-li-a để trở về Việt Nam khởi nghiệp.

Cùng một số người bạn, Eric Hà thành lập Student Life Care - một DN khởi nghiệp sáng tạo - startup (KNST) tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng các dịch vụ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu của du học sinh Việt Nam tại nước ngoài, thí dụ đưa đón tại sân bay, thuê nhà giá rẻ hay hỗ trợ tìm việc làm…

Chỉ sau hơn hai năm hoạt động, đến nay hệ thống cộng tác viên của DN này đã có mặt tại hơn 30 thành phố tại sáu quốc gia gồm: Anh, Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po, Hoa Kỳ, Ca-na-đa và Đức. Hàng nghìn sinh viên đã được Student Life Care giúp đỡ nhanh chóng hòa nhập cuộc sống, yên tâm học tập và phát triển sự nghiệp nơi xứ người.

Hội tụ đủ yếu tố của một DN khởi nghiệp tiềm năng là ý tưởng tốt và quản trị hiệu quả, Student Life Care tất nhiên đã lọt vào “tầm ngắm” của không ít nhà đầu tư (NĐT). CEO Eric Hà chia sẻ: Mới đây, Student Life Care đã “hút” được nguồn vốn “khủng” lên đến nhiều triệu USD từ một nhóm NĐT tại Anh, Ô-xtrây-li-a và Việt Nam. Đây chính là “bệ đỡ” quan trọng, giúp DN có đủ lực để triển khai những bước tiến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, trong đó có việc mở rộng thị trường ra toàn Đông - Nam Á.

Cũng tràn đầy hoài bão và ước mơ, chàng cựu sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin Trường đại học Massachusetts Boston (Hoa Kỳ) Nguyễn Anh Tú về Việt Nam khởi nghiệp, cùng các bạn xây dựng dự án Compass - một giải pháp giúp người dùng tìm kiếm các địa điểm như bệnh viện, trường học, nhà hàng, khách sạn,… chung quanh mình một cách nhanh nhất.

Vấn đề là dù đã “chạy” được hơn một năm nhưng Compass mới chỉ thu hút khoảng vài trăm người dùng, trong đó chủ yếu là người thân và bạn bè. Hiệu quả hoạt động thấp đồng nghĩa với việc khó gọi được vốn. Nguyễn Anh Tú thừa nhận: Nguyên nhân thất bại là do thiếu rất nhiều kỹ năng khởi nghiệp, trong đó có kỹ năng quảng bá sản phẩm đến với người dùng, khiến Compass hoàn toàn bị chìm lấp trong hàng trăm sản phẩm cùng loại.

Có thể nói, thành công của Student Life Care cũng như một số KNST tiêu biểu khác như Lozi, Foody hay LoanVi… thật sự đang tạo ra hiệu ứng lan tỏa to lớn trong cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, trở thành động lực thúc đẩy các bạn trẻ hào hứng tham gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, trong hàng chục nghìn DN KNST đang đua nở hiện nay, số lượng thành công lại chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, còn lại phần lớn đều lâm vào cảnh “sống dở, chết dở” như Compass.

Chuyên gia khởi nghiệp Đỗ Hoài Nam cho rằng: Rất nhiều KNST Việt mới chỉ “giàu” đam mê, nhưng lại “nghèo” kiến thức cơ bản, cần thiết cho khởi nghiệp. Vì vậy, muốn thành công khi khởi nghiệp ở một lĩnh vực nào đó, trước hết, bạn trẻ cần phải có trình độ và sự hiểu biết sâu về lĩnh vực đó cũng như sự bươn chải để hiểu rõ từng “chân tơ, kẽ tóc”, từ đó tìm ra những mảng, miếng hợp lý để phát triển ý tưởng.

Từ “mài giũa” thực tế, bạn mới có thể đưa ra nhận định về khả năng thành công cũng như những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình phát triển ý tưởng. Bên cạnh đó, những kiến thức để khởi động DN, cách thức tìm kiếm NĐT,… cũng là những công cụ không thể thiếu giúp khởi nghiệp thành công. Không ít KNST Việt Nam vẫn thiếu các kỹ năng cần thiết để “mời gọi” đầu tư nên thường để cơ hội vuột mất.

Giám đốc Quỹ đầu tư khởi nghiệp của FPT (FPT Ventures) Trần Hữu Đức phân tích: Điểm yếu “cốt tử” của KNST Việt là thiếu kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, cần phải tạo ra môi trường thử nghiệm để các KNST có cơ hội cọ xát liên tục. Chúng ta có thể xây dựng “vườn ươm” tại trường đại học, nơi sinh viên và các bạn trẻ được hướng dẫn và có điều kiện thử nghiệm ý tưởng của mình; từ đó, tự đánh giá được khả năng thành công cũng như độ rủi ro khi triển khai trong thực tế. Đây cũng là quá trình giúp các bạn trẻ tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu.

Về vấn đề này, PGS, TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội kiến nghị: Nghiên cứu khởi nghiệp có rủi ro rất cao, trong khi cơ chế chính sách về nghiên cứu hiện nay còn nhiều ràng buộc. Vì vậy, chúng ta không nên tiếp tục những cách làm truyền thống như tài trợ theo đề tài, nghiệm thu theo sản phẩm,… mà cần tạo ra những cơ chế mở hơn cho nghiên cứu khởi nghiệp. Như vậy mới có thể kích thích sức sáng tạo trong khởi nghiệp. Chính phủ có thể cho phép sử dụng các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; địa phương và DN để tài trợ, hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường của KNST.

Đồng thời, để phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp, Chính phủ có thể hỗ trợ một phần kinh phí mua bản quyền chương trình đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp,… cho một số cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh khởi nghiệp; hỗ trợ một phần kinh phí thuê chuyên gia trong nước, quốc tế để triển khai các khóa đào tạo khởi nghiệp, đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp, NĐT khởi nghiệp…

Một số chuyên gia kiến nghị, Nhà nước cần đưa ra giải pháp khuyến khích các DN đã thành công và lớn mạnh quay lại hỗ trợ KNST. Thêm vào đó, nhiều DN lớn tại Việt Nam, nhất là những DN viễn thông và công nghệ thường có tư duy “làm tất, ăn cả”. Một DN viễn thông cần một ứng dụng chặn tin nhắn “rác” là ngay lập tức tổ chức một đội ngũ lập trình viên rồi bắt tay tự làm, chặn hết “cửa” của KNST.

Các DN mạnh trên thế giới không làm vậy mà mở rộng cửa thu hút các ý tưởng, tạo nên một thị trường cạnh tranh nhau và nhờ vậy mua được sản phẩm tốt nhất, không mất thời gian và không cần xây dựng đội ngũ, bộ máy. Tư duy chuyên môn hóa cao không những đem lại hiệu quả hoạt động tốt hơn cho DN, mà còn mở rộng thị trường và cơ hội cho các KNST.

Hoạt động đầu tư bị cản trở

Nguồn đầu tư chính khởi nghiệp thường gồm bốn bộ phận cấu thành: các NĐT tư nhân trực tiếp thực hiện đầu tư mạo hiểm (NĐT thiên thần), các quỹ ĐTMH, thị trường vốn (thị trường chứng khoán, ngân hàng) cùng với nguồn ngân sách nhà nước. Trong đó, vai trò của “NĐT thiên thần” thường rất quan trọng trong giai đoạn “thai nghén” khởi nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam là những doanh nhân thành công (người nắm giữ nguồn vốn đầu tư lớn) thường chủ yếu thuộc các lĩnh vực như bất động sản, tài chính hay khai thác tài nguyên,… thường không hào hứng “ném tiền” đầu tư vào các ý tưởng.

Giải quyết vấn đề này thế nào? DN khởi nghiệp phải tự chứng minh được giá trị ý tưởng của mình với NĐT; Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ để bảo đảm việc đầu tư vào khởi nghiệp là có lợi. Thí dụ, cần ưu đãi thuế chuyển nhượng vốn hoặc hiệu quả hơn là ưu đãi thuế thu nhập trực tiếp, nghĩa là loại trừ khoản đầu tư khởi nghiệp ra khỏi thu nhập trước thuế tại năm phát sinh việc đầu tư…

Khung pháp lý cho hoạt động “đầu tư thiên thần” cũng đang gặp nhiều rào cản. NĐT Trần Hoài Trung nêu thí dụ: Nếu một NĐT bỏ 10 triệu USD vào 10 khởi nghiệp, chín thương vụ thất bại, một thương vụ thành công lãi 11 triệu, như vậy tổng lãi chỉ vỏn vẹn một triệu USD.

Tuy nhiên, để rút vốn, theo Luật DN, NĐT phải chịu khoản thuế chuyển nhượng vốn bằng 20% trên tổng mức lãi 10 triệu USD (tính từng DN), tương đương hai triệu USD, như vậy, DN khởi nghiệp vẫn bị lỗ một triệu USD. Trên thực tế, các NĐT đã tìm ra cách để “lách”, chuyển DN khởi nghiệp thành công ty cổ phần và vận dụng thuế chuyển nhượng cổ phần (0,1% giá chuyển nhượng) theo Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, những người chưa am hiểu các “mẹo luồn lách”, sẽ rất ngại tình huống này.

Tiếp bước các “NĐT thiên thần” thường là quỹ ĐTMH với vai trò không chỉ cung cấp tiền mặt mà còn dìu dắt, giới thiệu DN KNST đến mạng lưới các NĐT, đối tác, khách hàng,... Một quỹ ĐTMH tốt sẽ là “đòn bẩy” để DN KNST lớn mạnh. Hiện nay, tại Việt Nam đã có không ít quỹ ĐTMH cả trong và ngoài nước tham gia đầu tư cho KNST như FPT Ventures (Việt Nam), IDG Ventures (Hoa Kỳ), Cyber Agent (Nhật Bản), Golden Gate (Xin-ga-po), 500 Startup (Hoa Kỳ),…

Tuy nhiên, số tiền thực tế mà các quỹ này bỏ ra còn rất hạn chế, nguyên nhân một phần do khả năng thoái vốn khỏi các DN KNST Việt Nam rất khó khăn. Trên thế giới, cách đơn giản nhất để thu hồi tiền là bán cổ phần lần đầu (IPO) DN KNST. Phó Chủ tịch IDG Ventures Việt Nam Nguyễn Hồng Trường cho biết: Giả sử, chúng ta “ươm” thành công các KNST từ bây giờ, thì 5 đến 10 năm nữa, các DN này sẽ đủ mạnh và lúc đó cần phải có đầu ra cho các NĐT.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán nước ta vẫn chưa đủ phát triển để ra đời thị trường dành cho cổ phiếu công nghệ, hay những DN chưa có lợi nhuận, có thể được lên sàn gọi vốn. Vì đây là kênh thoái vốn vô cùng quan trọng cho các NĐT mạo hiểm nên việc “nâng cấp” thị trường chứng khoán cần phải được xây dựng lộ trình ngay từ bây giờ.

Rõ ràng, để tham gia và khẳng định vị trí trong sân chơi toàn cầu phụ thuộc rất nhiều việc một quốc gia có trình độ đổi mới sáng tạo cao hay không. Trong khi đó, khởi nghiệp là “mồi lửa” để châm ngòi sức sáng tạo. Việc thôi thúc “ngọn lửa” khởi nghiệp bùng cháy đang là quyết tâm chung của toàn xã hội, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của Nhà nước.

Do đó, Nhà nước cần thực hiện tốt chức năng kiến tạo trong việc xây dựng khung pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch; tạo thêm các thể chế chuyên biệt, đặc thù để hỗ trợ khởi nghiệp, các chương trình, quỹ khởi nghiệp, quỹ ĐTMH,… Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định: Cơ chế có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển, trong đó có cộng đồng DN khởi nghiệp.

Tuy nhiên, chỉ “cởi trói”, tháo gỡ vướng mắc là chưa đủ, mà cần thúc đẩy thực hiện những cơ chế đó để mọi DN, trong đó có phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ. Chính phủ sẽ tiếp tục tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất nhằm khuyến khích cộng đồng DN, các vườn ươm, quỹ, các thiết chế,… liên quan để khởi nghiệp phát triển.

Khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng và dài lâu, vì thế, không thể làm theo kiểu “phong trào”, “đầu voi đuôi chuột” gây lãng phí và không hiệu quả.