VAMC đang khơi thông nguồn tín dụng

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Mặc dù, hiện nay nợ xấu mới chỉ được Công ty Xử lý Tài sản (VAMC) mua và để đó, nhưng vấn đề quan trọng là VAMC đã và đang làm sạch bản cân đối tài sản của ngân hàng, giúp cải thiện mối quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng, khơi thông nguồn vốn tín dụng.

VAMC đang khơi thông nguồn tín dụng
VAMC đã và đang làm sạch bản cân đối tài sản của ngân hàng. Nguồn: internet

VAMC đã mua được 15.000 tỷ đồng nợ xấu

Hiện nay, khối nợ xấu của nền kinh tế đang được thu nhỏ dần thông qua cơ chế xử lý nợ xấu bằng hình thức bán nợ xấu cho VAMC. Mục tiêu đặt ra trong năm nay là VAMC sẽ thực hiện mua lại 30.000 - 35.000 tỷ nợ xấu từ các ngân hàng thương mại để làm sạch một phần bảng cân đối tài sản và đến hết năm 2014 sẽ cố gắng xử lý từ 100.000 - 150.000 tỉ đồng nợ xấu.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 10/11/2013, VAMC đã nhận hồ sơ từ 20 tổ chức tín dụng đề nghị bán tổng cộng khoảng 38.000 tỷ đồng nợ xấu. Và VAMC đã mua lại trên 15.000 tỷ đồng từ 15 thành viên.

Như vậy, khi chuyển được nợ xấu sang VAMC, khoản nợ xấu vẫn còn nguyên.

Phát biểu trong một hội thảo mới đây về chính sách tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh, có rất nhiều người nghi ngờ phương thức xử lý nợ xấu của VAMC. Bởi lẽ, theo đánh giá thì việc mua nợ của VAMC chỉ là chuyển nợ từ nơi này sang nơi khác chứ không xử lý được.

Ông Nghĩa cho rằng, đúng là hiện nay nợ xấu mới chỉ được VAMC mua và để đó nhưng vấn đề việc VAMC mua nợ xấu đã giúp cải thiện mối quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng, giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng.

Do đó, ngay cả trường hợp xấu nhất không thể bán được nợ xấu của VAMC thì việc làm sạch bản cân đối tài sản của ngân hàng cũng là vấn đề vô cùng quan trọng với nền kinh tế.

Cũng cần phải hiểu xử lý nợ xấu không chỉ với nợ xấu đã có, mà còn phải theo hướng không để nợ xấu mới phát sinh. Hiện nay, tín dụng chủ yếu của ngân hàng là tín dụng ngắn và trung hạn. Do vậy, nếu việc cho vay không được kiểm soát chặt chẽ, ngân hàng hạ chuẩn để mở rộng tín dụng thì chỉ 3-6 tháng sau nợ xấu lại “phình to” trở lại.

Giải trình trước Quốc hội ngày 31/10 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đã nhấn mạnh rằng, "xử lý nợ xấu của VAMC là một nhóm giải pháp đặc thù của Việt Nam". Hơn nữa, theo Thống đốc Bình, để xử lý được nợ xấu thì bên cạnh VAMC cũng cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn nữa.

“Ví như nếu chúng ta giải quyết được nợ đọng trong xây dựng cơ bản thì cũng góp phần giải quyết được khoảng hơn 3% nợ xấu nữa. Vấn đề lớn nhất hiện nay là phải có các giải pháp tổng thể để tăng tổng cầu của nền kinh tế, giúp nền kinh tế có thể có khởi sắc hơn…”, Thống đốc nhấn mạnh.

VAMC mua rồi – bán lại cho ai?

Một vấn đề hiện nay đang đặt ra cũng khá “nóng hổi”, đó là, việc bán lại nợ xấu của VAMC đã mua sẽ được xử lý ra sao?

Trên thực tế, thị trường mua - bán nợ của Việt Nam hiện không có hình thù rõ ràng và khá phức tạp. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tạo ra một thị trường mua - bán nợ là bởi vì khi đã có thị trường, các công ty mua - bán nợ của các tổ chức trong và ngoài nước sẽ tham gia.

 Việc chưa có thị trường mua - bán nợ cũng sẽ gây nhiều trở ngại khi VAMC muốn bán lại những khoản nợ xấu đã mua. Không ít ngân hàng từng bày tỏ quan điểm họ đang không chỉ lên kế hoạch bán nợ, mà còn rất mong được mua nợ, bởi phần lớn các khoản nợ xấu đã được bán này đều có tài sản thế chấp là bất động sản và trong đó nhiều tài sản có giá trị cao sẽ mang lại một khoản lợi nhuận trong tương lai, nhất là khi đã được chiết khấu thời gian đầu.

Phát biểu trong Hội thảo chính sách tiền tệ nói trên, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng nhấn mạnh đến việc VMAC sau khi mua nợ xấu xong, thì phải phục hồi thành khoản nợ tốt. Bởi, theo ông, muốn có hệ thống ngân hàng khỏe mạnh thì chất lượng tài sản phải được lành mạnh hóa thực sự.

Còn với nợ xấu không có khả năng chuyển thành nợ tốt thì buộc phải bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Còn các ngân hàng nào bị thiệt hại do xử lý nợ xấu thì phải được tái cấp vốn từ cổ đông để đảm bảo đủ điều kiện hoạt động như quy định.

Cũng trong văn bản giải trình trước Quốc hội của Thống đốc Bình, các khoản nợ sau khi VAMC mua lại thì sẽ tiến hành cơ cấu lại các khoản nợ này, cơ cấu kể cả về lãi suất, đưa các lãi suất cao trước đây về mặt bằng lãi suất hiện nay cũng tạo phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đến nay, bằng việc mua nợ xấu thông qua việc phát hành trái phiếu đặc biệt thì các trái phiếu đặc biệt này các tổ chức tín dụng có thể tái chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước, để có thể thu được tối đa đến 70% giá trị của khoản nợ, để có thêm nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Song, cũng phải nhìn nhận vào thực tế rằng, nợ xấu là cả một quá trình và nếu chỉ một mình VAMC sẽ không thể xử lý được mà ở đó phải có trách nhiệm của tổ chức tín dụng và các tổ chức kinh tế.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch VAMC, bản thân các tổ chức tín dụng cũng như tổ chức kinh tế cần xác định phải tái cấu trúc lại hoạt động theo hướng hiệu quả hơn, trong đó có trách nhiệm xử lý nợ xấu đang tồn tại.

“VAMC ra đời giúp giảm áp lực cho tổ chức tín dụng trong 5 năm để tổ chức tín dụng có điều kiện cũng như thời gian tái cấu trúc. Nếu không đưa được nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản thì các tổ chức tín dụng sẽ không thể tự tái cơ cấu”- ông Hùng nhấn mạnh.