VAMC không bán nợ với giá rẻ mạt

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Thời gian qua, thị trường đã có một số ý kiến nghi ngờ về thành công của Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong vấn đề xử lý nợ xấu. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch thường trực của VAMC để hiểu rõ hơn về việc xử lý nợ xấu của VAMC.

VAMC chưa bao giờ có suy nghĩ bán nợ với giá rẻ mạt. Nguồn: internet
VAMC chưa bao giờ có suy nghĩ bán nợ với giá rẻ mạt. Nguồn: internet

Phóng viên: Thưa ông, có ý kiến so sánh cách thức xử lý nợ xấu của nước ngoài với Việt Nam và cho rằng mô hình của Việt Nam không khả thi. Quan điểm của ông về nhận định này là như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Hoạt động của VAMC phù hợp với thực tiễn, pháp luật ở Việt Nam nên so sánh như vậy là khập khiễng. Việc xử lý nợ xấu thông qua VAMC là một bước đi khôn ngoan, phù hợp với thực trạng nền kinh tế ở Việt Nam mà không cần sử dụng một đồng vốn ngân sách nào. Trong thời gian qua, chúng tôi đã mua được gần 40.000 tỉ nợ xấu của 35/36 tổ chức tín dụng (TCTD) và hiện nay các TCTD vẫn tiếp tục đăng ký bán nợ cho VAMC, điều đó cho thấy hoạt động của VAMC đã từng bước phát huy tác dụng trong việc xử lý nợ xấu.

Trong bối cảnh tài chính khó khăn, nếu không có tiền thì liệu Việt Nam không xử lý nợ xấu được triệt để?

VAMC đã có giải pháp cụ thể. Tôi có thể chia sẻ như để mọi người hiểu rõ hơn. Trước hết, VAMC mua những khoản nợ có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 53 và Thông tư 19 của NHNN do vậy không phải nợ xấu nào VCMC cũng mua. Thứ hai, nợ xấu mua về không để đấy như một số chuyên gia giả định là mua túi phải, bỏ túi trái, mà nợ xấu mua về được xử lý dưới nhiều hình thức, trong đó hình thức cuối cùng mới phải bán tài sản. Ngay từ đầu năm VAMC đã triển khai kế hoạch xử lý các khoản nợ đã mua năm 2014 và đã có lộ trình thực hiện sao cho hiệu quả nhất.

Đã có người nêu giả định nếu VAMC thất bại thì hậu quả sẽ rất tiêu cực với Việt Nam. Ông có thể cho biết ý kiến cá nhân về giả định này?

Giả định như vậy không biết họ dựa vào đâu? Cơ sở nào? Trước khi thành lập VAMC đã tính toán và đưa ra rất nhiều phương án giải pháp làm sao để VAMC hoạt động có hiệu quả nhất, kể cả trong trường hợp VAMC không thành công vẫn đảm bảo an toàn, việc vay nợ của các tổ chức nước ngoài vẫn không ảnh hưởng. Và chúng tôi cho rằng VAMC sẽ thực hiện được nhiệm vụ, sứ mệnh của mình trong vấn đề xử lý nợ xấu. Hiện nay các bộ ngành đã và đang hỗ trợ tích cực cho VAMC, nhất là sắp tới sẽ có thông tư liên bộ hướng dẫn xử lý tài sản đảm bảo đối với khoản nợ đã mua cho VAMC.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng như hiện nay, liệu VAMC có bán lại nợ với giá rẻ mạt để xử lý nợ xấu không?

Điều này là không thể xảy ra vì VAMC chưa bao giờ có suy nghĩ bán nợ với giá rẻ mạt. Bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào hy vọng mua rẻ nợ xấu tại VAMC là điều không tưởng vì đây là tài sản của nhân dân, của nền kinh tế nên không thể bán rẻ được.

Mục tiêu của VAMC là tái cấu trúc lại để DN từng bước có thể ổn định, vượt qua khó khăn để phát triển. Trong trường hợp bất đắc dĩ, DN không thể khắc phục được thì mới tổ chức phát mại tài sản mà cho dù có phát mại tài sản thì cũng không thể bán rẻ được và cũng không phải chỉ bán cho các tổ chức quốc tế, mà bán cho cả các tổ chức kinh tế trong nước có đủ tiềm lực. Thực tế trong một thời gian ngắn chúng tôi đã thu nợ được hàng trăm tỉ, tiến hành cùng các TCTD và khách hàng cơ cấu nợ, cho vay bổ sung để DN duy trì sản xuất kinh doanh nhằm mục đích trả cả nợ cũ và nợ mới. Nội dung này sẽ là trọng tâm trong năm 2014.

Các TCTD bán nợ xấu cho VAMC nhận lại trái phiếu đặc biệt sẽ được vay tái cấp vốn với tỉ lệ tối đa 70% với lãi suất thấp hơn 2% so với lãi suất cơ bản. Ông đánh giá thế nào về tình hình tài chính của TCTD khi bán nợ cho VAMC?

Tôi cho rằng không phải lo ngại vì khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo đã trích dự phòng rủi ro theo nhóm nợ trước khi bán và vẫn phải trích tiếp cho 5 năm tiếp theo còn VAMC không mua nợ không có tài sản bảo đảm và không trích dự phòng rủi ro. Do vậy sau 5 năm đương nhiên khoản nợ được xử lý triệt để. Lúc đó TCTD phát mại được tài sản thì tăng thu nhập cho chính TCTD đó. Với vay tái cấp vốn thì tỉ lệ được điều chỉnh phù hợp với chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Hơn nữa, khi có trái phiếu đặc biệt không phải TCTD muốn vay thế nào cũng được mà phải có mục đích, thời gian vay rõ ràng nên Ngân hàng Nhà nước luôn chủ động và dẫn dắt chính sách và kiểm soát lạm phát.

Xin cảm ơn ông!