VAMC và nỗi lo hậu mua nợ xấu

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Với cách xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), dù nợ xấu có giảm, tính chất yếu kém của các ngân hàng hay tính xấu tài sản của các tổ chức tín dụng cũng như nền kinh tế không đổi.

 VAMC và nỗi lo hậu mua nợ xấu
Dù nợ xấu có giảm, tính chất yếu kém của các ngân hàng hay tính xấu tài sản của các tổ chức tín dụng cũng như nền kinh tế không đổi. Nguồn: internet
Tính chất không đổi

Cùng với các giải pháp trợ giúp tài chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp có tiền trả nợ ngân hàng, việc thành lập một Công ty mua bán nợ như mô hình VAMC là giải pháp xử lý nợ xấu được nhiều nước áp dụng. Bằng cách này, nhiều kỳ vọng cho rằng nợ xấu của các Ngân hàng trên sổ sách sẽ giảm ngay. Song khi nhìn vào cơ chế vận hành của VAMC hiện nay, PGS.,TS. Phan Thị Thu Hà của Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học kinh tế quốc dân) cho rằng, vẫn chưa thể rõ tổ chức này sẽ bán nợ xấu như thế nào.

Cơ chế hiện nay quy định, các Ngân hàng khi đổi nợ xấu lấy trái phiếu VAMC vẫn phải thực hiện trích lập dự phòng 20%. Điểm tích cực với các món nợ nhóm 4 hoặc 5 chính là các Ngân hàng chỉ cần trích lập 20%, thay vì 50% hay 100% như trước.

Giải pháp này dĩ nhiên sẽ giảm gánh nặng tài chính cho các Ngân hàng trong 1-3 năm đầu và chưa kể số trái phiếu này có thể được chiết khấu lấy vốn kinh doanh. Song theo quan điểm của TS. Hà, với tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp như năm nay và dự đoán sang cả năm 2014, nhu cầu vốn của các Ngân hàng sẽ không cao.

 Hơn nữa khi cần, dù không có trái phiếu, Ngân hàng vẫn có thể huy động bằng các hình thức khác. “Như vậy, đối với các Ngân hàng, vấn đề cốt lõi là có bán đứt được món nợ xấu hay không và bán được bao nhiêu?” – PGS. Hà đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia đến từ Viện Ngân hàng Tài chính nhìn nhận, không giống như mô hình Công ty mua bán nợ Hàn Quốc (Kamco), các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng khi bán cho VAMC vẫn không phải bán đứt. Trường hợp VAMC không xử lý được, các nhà băng vẫn phải tự xử lý.

Ở vế thứ hai, VAMC cũng chỉ mua các khoản nợ có khả năng bán cao (thường là có tài sản đảm bảo). Điều này đồng nghĩa với việc, bản thân các Ngân hàng cũng có thể phát mại các tài sản đảm bảo này dù khả năng rất khó bán trong năm nay do thị trường bất động sản đi xuống.

Với định hướng mua nợ như trên, bản thân các Ngân hàng lớn cũng khó bán nợ cho VAMC và dễ hiểu tại các Ngân hàng yếu kém, những khoản nợ có thể bán cho VAMC càng ít. Do đó, theo đánh giá của PGS.,TS. Phan Thị Thu Hà, dù nợ xấu có giảm, tính chất yếu kém của những Ngân hàng (bán nợ) vẫn không thay đổi, tính xấu của tài sản của Ngân hàng cũng như của nền kinh tế không đổi.

Cần thật đơn giản

Với các phân tích trên đây, việc xử lý nợ qua VAMC được cho phải thật đơn giản về nghiệp vụ, thu hẹp quy mô, phạm vi và chỉ áp dụng với nợ nhóm 4 và nợ nhóm 5. Bà Hà đề xuất, trái phiếu đổi nợ không sinh lãi vì nợ xấu không sinh lãi và cũng để không làm tăng thêm gánh nặng cho VAMC.

Các Ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng 20% và phải tìm mọi cách tự xử lý bằng các biện pháp nghiệp vụ của Ngân hàng. Các nghĩa vụ giữa Ngân hàng và khách hàng sẽ không thay đổi kể cả với tài sản đảm bảo. Khi chiết khấu, thời hạn tối đa 12 tháng phải trả lại Ngân hàng nhà nước và tỉ lệ chiết khấu sẽ tùy thuộc vào chính sách cung ứng tiền của Ngân hàng nhà nước và tình trạng kém thanh khoản của Ngân hàng.

Ngân hàng trích dự phòng đến đâu, giá trị trái phiếu giảm đến đấy và cho đến khi trích đủ 100%, giá trị trái phiếu sẽ bằng không (0). Phía VAMC, sẽ tập trung nghiên cứu để xác định hỗ trợ Ngân hàng theo hướng đảm bảo thanh khoản cho Ngân hàng. Công ty mua nợ đồng thời cũng nghiên cứu các biện pháp bán nợ và trong trường hợp bán được nợ, VAMC sẽ hưởng phí môi giới, tư vấn bán nợ hoặc mua đứt nợ xấu của Ngân hàng.

Đối tượng mua nợ cũng cần được chia làm hai nhóm. TS. Phan Thị Thu Hà đưa ý kiến, VAMC không mua nợ của 5 Ngân hàng thương mại nhà nước vì tỉ lệ nợ xấu của nhóm này vẫn thấp. Còn với các Ngân hàng thương mại khác, VAMC ưu tiên mua đứt nợ của doanh nghiệp Nhà nước nếu các doanh nghiệp này bị phá sản, giải thể hay ngừng hoạt động theo tỉ lệ chiết khấu thỏa thuận giữa Ngân hàng với VAMC. Toàn bộ quyền và nghĩa vụ đối với nợ sẽ thuộc VAMC và VAMC cần ưu tiên mua CP của các Ngân hàng yếu kém để tham gia giám sát, thực hiện khẩn trương yêu cầu tái cơ cấu.

Biện pháp trên theo nhìn nhận của TS. Hà trước hết sẽ dãn thời gian bán tài sản đảm bảo của Ngân hàng, giảm dự phòng phải trích và giúp Ngân hàng vay vốn của Ngân hàng nhà nước với lãi suất 0% với quy mô hạn chế. “Giải pháp này cũng không làm tăng quy mô hoạt động của VAMC, dẫn đến tăng chi phí vận hành chừng nào VAMC chưa chứng minh khả năng bán nợ tốt hơn Ngân hàng, xác định nghĩa vụ xử lý nợ thuộc về Ngân hàng và Nhà nước phải gánh một phần tổn thất từ những tài sản xấu của doanh nghiệp Nhà nước”.